Tràn lan nước rửa tay sát khuẩn mập mờ tiêu chuẩn chất lượng

16/10/2020 18:19

Lợi dụng dịch viêm phổi Covid-19, một số đơn vị đã đưa ra thị trường các loại nước rửa tay sát khuẩn chưa được cấp phép. Nguy cơ “tiền mất tật mang” ngày càng cao nếu người tiêu dùng không nâng cao cảnh giác cùng với sự quản lý chặt chẽ từ cơ quan chức năng.

Hàng dỏm tung hoành trước nhu cầu cao

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp trên thế giới, cũng như tinh thần phòng chống dịch trong nước, thị trường khan hiếm nước rửa tay sát khuẩn hoặc phải mua với giá cao cấp 3-4 lần so với trước, nhiều người tiêu dùng đã thiếu tỉnh táo trước “ma trận” hàng hoá trôi nổi. Chị Đào Thị Thu Trang (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết: “Tôi đi tìm tại nhiều nhà thuốc nhưng đều không còn gel rửa tay khô. Cuối cùng, phải đặt mua loại không có thương hiệu bán trên mạng”. Cũng giống như chị Trang, ngoài khẩu trang, nhiều người luôn cất sẵn một chai nhỏ nước rửa tay khô trong túi để dùng khi ra khỏi nhà. Đến bất cứ nơi đâu, từ công sở, siêu thị, bệnh viện, tàu xe, lúc giao tiếp, thậm chí khi đi ăn đều phải dùng nước rửa tay khô để vệ sinh mới yên tâm.

“Mua xài cho yên tâm thôi chứ tôi không biết sản phẩm có an toàn, có diệt được vi khuẩn như quảng cáo hay không. Sau một thời gian sử dụng thì cảm thấy da tay rất khô, phải dùng kèm sữa dưỡng da sau khi dùng nước diệt khuẩn. Đến khi người thân làm bác sĩ xem qua, tôi mới biết mình loại nước rửa tay sát khuẩn mình sử dụng cả tháng qua chưa được cơ quan y tế cấp phép”, chị Trang lo lắng.

Sự xuất hiện của nhiều loại dung dịch rửa tay không rõ nguồn gốc đang làm loạn thị trường. Người tiêu dùng không thể biết rõ công dụng cũng như cả tác hại nếu có nếu cơ quan chức năng không vào cuộc kiểm soát chặt chẽ. Đáng nói hơn, do quan niệm “có còn hơn không”, hiện nhiều người vẫn chấp nhận mua để sử dụng với tâm lý giúp các thành viên trong gia đình an toàn hơn trước dịch Covid-19.

Cần mua nước rửa tay có nhãn hiệu, nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng để bảo vệ sức khoẻ bản thân.

Trên thực tế, có những cơ sở sản xuất nước rửa tay gia dụng chưa được khảo nghiệm tính năng diệt khuẩn, cũn không thể có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành của bộ Y tế nhưng vẫn đưa mặt hàng này ra bán. Các sản phẩm này thường lách luật bằng cách ghi là nước rửa tay diệt khuẩn nhưng có số đăng ký là mỹ phẩm (có ghi chữ CBMP trên chai) hoặc đăng ký là “tiêu chuẩn cơ sở” (có ghi chữ TCCS trên chai) hoặc không có cả số đăng ký…Nhiều công ty mỹ phẩm dù chưa hề sản xuất nước rửa tay, nay cũng nhanh nhạy trước nhu cầu thị trường, chuyển sang làm nước rửa tay diệt khuẩn phòng bệnh. Quan sát nhãn mác của sản phẩm này không thể hiện bất cứ thông tin nào về nguồn gốc, địa chỉ cơ sở sản xuất cũng như giấy phép, tiêu chuẩn y tế.

Tràn lan không kém là nước rửa tay tự làm tại nhà theo công thức: cồn 70 độ, nước chưng cất, vài giọt tinh dầu. Có người còn chia sẻ trên mạng xã hội rằng, chi phí cho nguyên liệu chưa tới 200.000 đồng  làm được gần 3 lít nước rửa tay, trong khi ngoài thị trường bán gần cả trăm ngàn 500ml rồi… tự hào khoe khoang, thậm chí rao bán khắp nơi với lý do “đây là sản phẩm nhà làm, không sử dụng hóa chất nên rất an toàn cho người sử dụng”.

Đừng thấy ai bán cũng mua

Đánh giá tình trạng này, Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Minh Vinh, đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng, việc người dân có ý thức rửa tay diệt khuẩn là điều rất tốt. Đây cũng là cách bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay có quá nhiều sản phẩm rửa tay diệt khuẩn được quảng cáo trên thị trường nên người tiêu dùng khó biết được sản phẩm nào tốt, có khả năng tiêu diệt vi khuẩn thực hay không. Nếu quảng cáo chất dùng để tiêu diệt vi khuẩn, cần phải xem xét lại các yếu tố từ chất tạo thành, nồng độ... Bởi không phải cứ cho rằng cồn là có tác dụng diệt khuẩn. Thực tế cho thấy, cồn 70 độ trở lên mới có khả năng sát trùng. Cồn này phải đảm bảo các chỉ tiêu do bộ Y tế ban hành, còn cồn tự chưng cất đôi khi không có tác dụng.

“Dùng nước rửa tay kém chất lượng có thể ảnh hưởng nhiều đến da tay, đặc biệt gây viêm da kích ứng. Đó là tình trạng da tay bị phản ứng với nồng độ của hóa chất có trong nước rửa không an toàn. Nồng độ chất gây ra kích ứng càng nhiều, càng mạnh thì tổn thương da càng cao với các biểu hiện như đỏ, rát, nổi mụn nước. Khi mụn nước bị bể thì gây ra hiện tượng nhiễm trùng”, bác sĩ Minh khuyến cáo.

Nhiều loại nước rửa tay không đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng.

Còn tiến sĩ, bác sĩ Lê Văn Nhân, nguyên Phó Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM nhận định, hiện trên thị trường có rất nhiều loại khẩu trang, nước rửa tay được giới thiệu có chức năng diệt khuẩn, khử khuẩn, kháng khuẩn nhưng lại không đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng. Cụ thể, nước rửa tay diệt khuẩn phải được cục Quản lý môi trường y tế thẩm định, cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành và được khảo nghiệm tính năng diệt khuẩn ở những cơ sở được phép của bộ Y tế (như viện Pasteur TP.HCM, viện Vệ sinh y tế công cộng, viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương…).  

Cũng theo chuyên gia này, nước rửa tay được sản xuất và bán trôi nổi ngoài thị trường có thể có nhiều tạp chất, không bảo đảm vô trùng hoặc thậm chí sử dụng cồn công nghiệp gây độc, có thể gây mù mắt. Nước rửa tay sát khuẩn tự chế tại nhà cũng chỉ có hạn sử dụng ngắn, dễ bị nhiễm vi khuẩn trong quá trình thao tác.

“Sử dụng các loại nước rửa tay khô chứa cồn hiệu quả trong trường hợp không nhìn thấy rõ ràng trên tay. Các sản phẩm này có tác dụng diệt khuẩn cực nhanh nhưng lại không thể diệt sạch tất cả vi khuẩn. Vì vậy, nếu có quá nhiều vết bẩn trên tay, thành phần gel kháng khuẩn không thể tiếp xúc đến các vi sinh vật nằm dưới những vết bẩn đó. Tốt nhất không nên dùng nước rửa tay khô như một thói quen trong phòng tắm, bếp hay nhà vệ sinh mà chỉ dùng như một giải pháp thay thế trong các hoạt động hằng ngày khi không có nước sạch rửa tay”, tiến sĩ Nhân nhấn mạnh.

Siết chặt quản lý tiêu chuẩn chất lượng

Theo đại diện cục Quản lý môi trường y tế (bộ Y tế), trong thời gian qua, có một số tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để sản xuất hoặc đưa ra thị trường các chế phẩm sát khuẩn chưa được đơn vị này cấp phép, chưa đủ điều kiện lưu hành.

Để ngăn chặn tình trạng bán tràn lan các sản phẩm nước rửa tay sát khuẩn không phép, Cục đã có công văn yêu cầu một số sở y tế không tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng của mỹ phẩm hoặc trang thiết bị y tế loại A đối với nhóm sản phẩm này.

Về cách phân biệt sản phẩm nước rửa tay sát khuẩn đã được cấp phép hay chưa, vị này cho hay, các sản phẩm được cấp phép đều thể hiện thông tin về số đăng ký với ký hiệu SĐK - VNDP-HC. Ngoài ra, người dân có thể vào website của Cục (http://vihema.gov.vn) để tra cứu danh sách các chế phẩm nước rửa tay sát khuẩn được lưu hành hợp pháp trên thị trường Việt Nam.

Hà Nhân
Bạn đang đọc bài viết "Tràn lan nước rửa tay sát khuẩn mập mờ tiêu chuẩn chất lượng" tại chuyên mục Xã hội. Thông tin liên hệ hotline: 0903.636.778 ; Email: toasoan.arttimes@gmail.com