Việt Nam sản xuất thành công vắc xin dịch tả lợn châu Phi

04/06/2022 18:48

Hiện Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo các cơ quan liên quan xúc tiến đẩy nhanh quá trình sản xuất vắc xin hàng loạt để đáp ứng nhu cầu của ngành chăn nuôi trong nước.

Chiều ngày 3/6, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Lễ công bố kết quả nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Đây là thành tựu của chương trình hợp tác giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Sản phẩm được công bố lần này là kết quả chuyển giao công nghệ giữa Trung tâm bệnh gia súc Plum Island (PIADC) - ARS (Mỹ) và Công ty NAVETCO Việt Nam.

Thành tựu lịch sử của nông nghiệp Việt Nam
 
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác nghiên cứu vắc xin phòng chống dịch tả lợn Châu Phi đối với ngành chăn nuôi trong nước, ngay từ tháng 2/2020, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y ký Thoả thuận hợp tác với Viện Nghiên cứu Nông nghiệp (ARS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) để làm cơ sở cho các bên triển khai thực hiện.
 
Tháng 7/2020, Cục Thú y chính thức cho phép nhập khẩu chủng vi rút DTLCP nhược độc được cắt bỏ đoạn gien I177L để nghiên cứu, sản xuất vắc xin tại Việt Nam. Đến nay, nước ta đã có ba doanh nghiệp tiên phong, có đủ nguồn lực, kinh nghiệm nghiên cứu, sản xuất vắc xin.
 
Sự kiện - Việt Nam sản xuất thành công vắc xin dịch tả lợn châu Phi

Vắc xin phòng chống dịch tả lợn Châu Phi của Việt Nam

 
Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT công ty CP tập đoàn Dabaco chia sẻ, vắc xin được bào chế bằng phương pháp nuôi cấy chủng vi rút G-Delta-I 177L trong môi trường tế bào PBMC. Trong quá trình thử nghiệm, vắc xin cho kết quả rất khả quan khi tạo được miễn dịch tốt, có hiệu quả cao khi phòng chống vi rút DTHCP gây bệnh thuộc genotype II.
 
Theo công bố, vắc xin được sử dụng để tạo miễn dịch chủ động trên vật nuôi, phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Để đạt hiệu quả phòng chống dịch, đơn vị sản xuất khuyến cáo, cần tiêm 2 mũi, cách nhau từ 21 đến 30 ngày. Vắc xin có tác dụng tốt nhất khi tiêm ở tuần tuổi thứ 8 đến 10 của lợn.
 
Trao đổi với pv bên lề Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Phùng Đức Tiến cho biết, để đánh giá các kết quả nghiên cứu, sản xuất và hồ sơ đăng ký lưu hành vắc xin DTLCP, Bộ NN-PTNT đã thành lập các Hội đồng khoa học từ cấp cơ sở cho đến cấp Bộ, tổ chức nhiều buổi hội thảo để lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý và công ty sản xuất vắc xin thú y.
 
Sự kiện - Việt Nam sản xuất thành công vắc xin dịch tả lợn châu Phi (Hình 2).

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến trả lời phóng viên

 
Mặt khác, Bộ NN- PTNT cũng chỉ đạo Cục Thú y thường xuyên trao đổi với các nhà khoa học Hoa Kỳ về quá trình tổ chức nghiên cứu, kết quả đánh giá chất lượng vắc xin. Tháng 5/2022, đại diện các nhà khoa học của Hoa Kỳ đã có văn bản khẳng định những kết quả nghiên cứu, đánh giá chất lượng vắc xin DTLCP của Công ty Navetco phù hợp, thống nhất với kết quả do nhà khoa học của Hoa Kỳ thực hiện.
 
“Đây là thành tựu rất lớn của khoa học Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Với một đất nước mà thịt lợn chiếm đến 72% sản lượng của ngành chăn nuôi, tỷ lệ giết mổ hàng năm là 51 triệu con lợn như nước ta, việc sản xuất thành công vắc xin phòng chống dịch tả lợn châu Phi có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đem lại những hiệu quả thiết thực, giúp ngăn ngừa và giảm thiểu những thiệt hại tỷ đô cho các doanh nghiệp chăn nuôi và người dân”, Thứ trưởng đánh giá.
 
Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1921 tại Châu Phi, kể từ đó, dịch tả lợn châu Phi là nỗi kinh hoàng đối với ngành chăn nuôi của nhiều nước trên thế giới khi tỷ lệ tử vong của lợn nhiễm bệnh là 100%. Đây là loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra trên lợn, tuy không nguy hiểm cho người, chỉ xảy ra trên lợn nhưng lây lan rất nhanh, gây bệnh ở mọi lứa tuổi và mọi giống lợn.
 
Theo thống kê của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông nghiệp, lương thực Liên Hiệp quốc (FAO), bệnh DTLCP được coi là mối đe doạ toàn cầu. Giai đoạn từ 2016 trở lại đây, thế giới đã chứng kiến sự gia tăng, bùng phát của dịch tả lợn châu Phi, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi lợn tại nhiều châu lục, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực, an toàn thực phẩm, đa dang sinh học vầ cân bằng hệ sinh thái, môi trường. Đe doạ đến sức khoẻ cộng đồng, hoạt động giao thương quốc tế.
 
Việc Việt Nam nghiên cứu thành công vắc xin phòng bệnh là một thành tựu lớn, thể hiện bước tiến dài trong công tác nghiên cứu khoa học và những nỗ lực của Bộ NN-PTNT trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Lê Tuấn
Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam sản xuất thành công vắc xin dịch tả lợn châu Phi" tại chuyên mục Tin tức. Thông tin liên hệ hotline: 0903.636.778 ; Email: toasoan.arttimes@gmail.com