Ai cố tình bỏ qua những dấu hiệu sai phạm được báo chí cung cấp?
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về Phát triển công nghiệp hỗ trợ được ban hành. Sau đó Bộ Công Thương có Thông tư số 55/2015/TT-BCT Quy định trình tự, thủ tục xác nhận ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi đối với Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp ưu tiên phát triển, đã giúp số lượng không nhỏ doanh nghiệp nhận được những chính sách ưu đãi.
Tuy nhiên, trong bức tranh nhiều điểm sáng đó, một vài cá nhân ở Cục Công nghiệp đã tạo ra những nét mờ không đáng có bằng việc vòi tiền “bôi trơn” đầy tinh vi.
Quá trình tác nghiệp để thực hiện chuyên đề phòng, chống tham nhũng ở lĩnh vực thực thi chính sách - pháp luật, nhóm PV Tạp chí Đời sống và Pháp luật (Tạp chí điện tử Người đưa tin Pháp luật) đã thu thập được những tư liệu khá rõ ràng về việc, một vị trưởng phòng và nhân vật liên quan có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi khi thẩm định hồ sơ của doanh nghiệp.
Những dấu hiệu đó gây bức xúc đối với nhiều doanh nghiệp và có nguy cơ làm ảnh hưởng đến việc thực thi một chính sách quan trọng trong bối cảnh họ đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức.
Trên tinh thần xây dựng và ý thức trách nhiệm của một cơ quan báo chí trong lĩnh vực pháp luật, Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã có Văn bản số 227/CV-ĐSPL vào ngày 15/8/2023 đề nghị lãnh đạo Bộ Công Thương dành thời gian cho phép nhóm PV được gặp gỡ, làm việc để báo cáo nội dung, cung cấp tư liệu và trao đổi xung quanh sự việc. Qua đó, chúng tôi mong muốn góp phần giúp các cơ quan Nhà nước nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý cán bộ cũng như phát huy tối ưu vai trò tham mưu xây dựng chính sách.
Ngày 24/8/2023, tại buổi làm việc với lãnh đạo Cục, nhóm PV cung cấp một số bằng chứng ban đầu về những hành vi lệch chuẩn để vòi tiền “bôi trơn” của cán bộ nêu trên với kỳ vọng, Bộ Công Thương sớm làm rõ sai phạm, chấn chỉnh những bất cập (nếu có) trong việc triển khai thực thi chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Sau khi tiếp nhận thông tin từ phía PV, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp khẳng định: “Quan điểm của lãnh đạo Cục, nếu kiểm tra thấy đúng sự thật thì chắc chắn không bao giờ dung túng cho những sự việc như thế”.
Tuy nhiên, gần 2 tháng sau buổi làm việc, vị lãnh đạo này thông tin không chính thức rằng: Cán bộ có dấu hiệu tiêu cực đã được luân chuyển sang vị trí khác và cảm ơn sự hợp tác của Tạp chí Đời sống và Pháp luật.
Đáng chú ý, theo nguồn tin của PV, Trưởng phòng Công nghiệp hỗ trợ được luân chuyển giữ chức vụ Chánh Văn phòng của Cục - tương đương, thậm chí có thể nói là quan trọng hơn vị trí cũ - với hoa tươi và những lời chúc mừng nồng nhiệt.
Cho đến nay, hoàn toàn không có phản hồi chính thức nào về việc kiểm tra và xử lý nghiêm túc những dấu hiệu sai phạm tương đối rõ ràng xảy ra tại Cục Công nghiệp. Và cũng trong thời gian này, Tạp chí Đời sống và Pháp luật tiếp tục nhận được nhiều ý kiến xung quanh việc “om” hồ sơ xin ưu đãi của doanh nghiệp để vòi tiền “bôi trơn” ở đơn vị này.
Nhận thấy vụ việc đang có nguy cơ “chìm xuồng”, với những động thái qua loa, chiếu lệ từ phía những người có thẩm quyền, Tạp chí Đời sống và Pháp luật (Tạp chí điện tử Người đưa tin Pháp luật) khởi đăng loạt bài chuyên đề: “Những dấu hiệu “trục lợi chính sách” ở Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương”.
Cục Công nghiệp “om” hồ sơ của doanh nghiệp?
Thông qua phản ánh, được biết, công ty T.S đã nộp hồ sơ đề nghị xác nhận ưu đãi gửi Bộ Công Thương vào ngày 30/5/2023. Đến ngày 10/7/2023 (hơn 1 tháng sau), công ty nhận được Công văn số 168/CN-CNHT đề ngày 6/6/2023 được ký bởi Phó Cục trưởng Phạm Tuấn Anh. Nội dung công văn yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đầy đủ và hợp lệ gửi về Cục trước 15/7/2023.
Ngày 12/7/2023, sau khi bổ sung theo chỉ đạo của Công văn 168, công ty T.S tiếp tục gửi hồ sơ đến Bộ Công Thương và được Bộ này tiếp nhận, sau đó chuyển Cục Công nghiệp vào ngày 18/7/2023. Trong nội dung tiếp nhận có chữ ký nháy của Phó Cục trưởng Tuấn Anh và ghi “k/c” cán bộ tên Thụy, Phòng Công nghiệp hỗ trợ.
Từ đó cho đến ngày PV thực hiện bài viết (ngày 30/9/2023), công ty T.S chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía Cục. Được biết, ngày 29/9/2023, công ty T.S có công văn đề nghị trả kết quả hồ sơ xin xác nhận ưu đãi theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy là sau đúng 4 tháng nộp hồ sơ, với rất nhiều gian truân, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được thông báo kết quả xét duyệt hồ sơ theo quy định. Cũng phải nói thêm rằng, Điều 8, Thông tư số 55/2015/TT-BCT quy định rất rõ ràng về Thời hạn giải quyết: “1.Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân để bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ; 2. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền tiến hành thẩm định nội dung hồ sơ, trường hợp cần thiết sẽ kiểm tra thực tế tại cơ sở. Cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản thông báo kết quả xác nhận ưu đãi chậm nhất sau ba mươi (30) ngày làm việc”.
Ngoài công ty T.S, không ít doanh nghiệp khác cũng rơi vào cảnh ngộ tương tự, ví dụ như trường hợp của công ty S.L.
Cụ thể, ngày 3/8/2023 phía S.L đã gửi hồ sơ đề nghị xác nhận ưu đãi tới Bộ Công Thương. Đơn đề nghị được chuyển Cục Công nghiệp để xử lý (vào ngày 4/8/2023). Được biết, nội dung tiếp nhận này có ý kiến chỉ đạo của Phó Cục trưởng Tuấn Anh và ghi “k/c” cán bộ Phòng Công nghiệp hỗ trợ tên Sơn.
Đến ngày 24/8/2023 (tức sau 20 ngày tiếp nhận hồ sơ – PV), phía Cục Công nghiệp ban hành Công văn số 270/CN-CNHT trả lời hồ sơ chưa đủ điều kiện và đề nghị công ty giải trình, hoàn thiện bổ sung hồ sơ trước 30/8.
Ngày 29/8/2023 công ty S.L đã bổ sung và giải trình theo yêu cầu của Công văn 270/CN-CNHT. Từ đó đến thời điểm PV thực hiện bài viết (ngày 30/9/2023), cũng giống trường hợp công ty T.S, công ty S.L chưa nhận được giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận ưu đãi.
Trước những phản ánh nêu trên, PV Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã có những ghi nhận thực tế. Đáng nói, trong quá trình vào vai doanh nghiệp, PV nhận được “gợi ý” chi phí hàng trăm triệu đồng để được “giải quyết” hồ sơ đến từ chính Trưởng phòng và một nhân vật bí ẩn (được giới thiệu bởi chuyên viên) của Phòng Công nghiệp hỗ trợ - nơi được coi là “trạm barie” với vai trò thẩm định hồ sơ trước khi trình lên lãnh đạo Cục, Bộ phê duyệt – giới thiệu.
Đối chiếu với các quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP và Thông tư số 55/2015/TT-BCT cho thấy, không phát sinh bất cứ khoản chi phí nào khi doanh nghiệp muốn xin ưu đãi.
Trên thực tế, những chính sách khuyến khích của Nhà nước cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong phát triển công nghiệp hỗ trợ cả về số lượng và chất lượng...
Chia sẻ tại Tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn, tăng trợ lực cho công nghiệp hỗ trợ” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 22/9, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp - dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện đạt khoảng 5.000 doanh nghiệp và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hiện nay cũng đang cung cấp đủ trong nước và xuất khẩu đi một số thị trường trên thế giới, như các sản phẩm dây cáp điện, hộp số, các linh kiện nhựa,… Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ.
Vậy, thực hư của các khoản chi phí này như thế nào? Liệu rằng, có tồn tại câu chuyện “phải bôi trơn” mới được hưởng “ưu đãi” do cán bộ thuộc Phòng Công nghiệp hỗ trợ tự đặt ra hay không? Những ai là người đã “ra giá” với doanh nghiệp? Nhân vật bí ẩn là ai? Có việc cố tình “om” hồ sơ để tư lợi cho cá nhân hay không?...