Hoạt động ngày đêm
Thời gian qua, tình trạng xe chở cát cơi nới thành thùng, quá khổ, quá tải hoạt động rầm rộ trên các tuyến Quốc lộ 25, Quốc lộ 29 và đường Đông Trường Sơn (kết nối các tỉnh Gia Lai, Phú Yên và Đắk Lắk) khiến người dân không khỏi bức xúc, lo ngại về nguy cơ mất an toàn giao thông.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, một người dân sống trên Quốc lộ 29 (thuộc địa phận xã Ea Dah, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Ngày nào, cũng có nhiều chiếc xe 4 chân (4 trục), 6 chân (6 trục) độ chế thành thùng chất cát như núi nghênh ngành chạy trên tuyến quốc lộ 29.
Tình trạng này diễn ra liên tục cả ngày lẫn đêm. Nhiều hôm, tôi nấu nồi cơm chưa xong thì xe tải đã đi lấy cát về. Đến khi tôi ăn cơm xong thì xe đã quay xuống để tiếp tục đi lấy cát. Có nhiều hôm, 4h sáng, xe chở cát đã hoạt động.
Thực trạng này khiến cho nhiều vị trí trên Quốc lộ 29 hư hỏng, xuất hiện nhiều ổ gà, rãnh sâu hoắm giữa đường, dẫn đến việc lưu thông của các phương tiện gặp nhiều khó khăn. Đáng nói, các xe chở cát di chuyển với tốc độ chóng mặt nên mỗi khi ra đường, người dân không khỏi bất an, đặc biệt rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ”.
Để làm rõ những phản ánh nói trên, những ngày cuối tháng 3, PV đã bám theo một số xe đầu kéo mang biển số tỉnh Đắk Lắk di chuyển đi các tỉnh Gia Lai, Phú Yên để lấy cát.
Theo đó, sau khi có mặt tại một mỏ cát trên địa bàn huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, các xe đầu kéo kéo theo rơ moóc 47R-000.97, rơ moóc 47R-000.96, rơ moóc 47R-004.81, rơ moóc 47R-005.77... nhanh chóng "ăn hàng", chất cát "có ngọn", rồi ì ạch rời bãi.
Ngay sau đó, các phương tiện này di chuyển ra Quốc lộ 25 rồi chạy thẳng về đường Trường Sơn Đông, lên Quốc lộ 29 (thuộc tỉnh Phú Yên).
Tiếp đó, các xe đầu kéo nói trên chạy theo hướng Quốc lộ 29, di chuyển qua địa phận các huyện M’Đrắk, Ea Kar, Krông Năng, Krông Búk, thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk), rồi đưa cát về điểm tập kết tiêu thụ.
Ngoài các xe đầu kéo nói trên, nhiều chiếc xe tải lấy cát từ tỉnh Phú Yên, sau đó di chuyển trên Quốc lộ 29. Khi đến đoạn ngã ba (giao với đường Trường Sơn Đông, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), các xe này rẽ trái lên đường Trường Sơn Đông rồi đưa cát về tập kết nằm giáp ranh tỉnh Đắk Lắk.
Đáng nói, trên hành trình hơn 100km từ tỉnh Gia Lai về tỉnh Đắk Lắk, hàng loạt xe chở cát có dấu hiệu cơi nới thành thùng, “có ngọn” không hề gặp bất kỳ trở ngại nào.
Thậm chí, còn dễ dàng vượt qua các chốt tuần tra kiểm soát tại huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai), huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên), huyện M’Đrắk (tỉnh Đắk Lắk), huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) mà không hề bị kiểm tra hay xử lý...
Nếu làm thẳng tay sẽ gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp (?!)
Từ những ghi nhận thực tế nói trên, phóng viên đã liên hệ với một số đội CSGT các huyện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk mà xe chở cát quá khổ, quá tải chạy qua.
Đại úy Phạm Văn Liên, Phó Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện M’Đrắk cho biết, tuyến quốc lộ 29 trải dài qua nhiều huyện. Theo kế hoạch, mỗi tháng Đội CSGT Công an huyện M’Đrắk chỉ tổ chức tuần tra kiểm soát trên tuyến đường này một tuần trên đoạn đường 3km.
Cũng theo Đại úy Liên, thời gian qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lực lượng của đội mỏng, nhiều cán bộ mắc Covid-19 phải cách ly, trong khi địa bàn rộng.
Hơn nữa, ngoài công tác kiểm soát giao thông, đội còn làm nhiệm vụ xử lý tai nạn trên địa bàn. Do đó, công tác tuần tra kiểm soát giao thông gặp nhiều khó khăn, không thể kiểm soát hết được.
Đối với một số trường hợp PV ghi nhận xe chở cát quá khổ, quá tải, đi qua chốt kiểm soát giao thông trên Quốc lộ 29 (thuộc địa phận xã Cư Prao, huyện M’Đrắk) nhưng không bị lực lượng CSGT xử lý, Đại úy Liên lý giải: “Một số phương tiện đã có xử lý rồi, thậm chí có những phương tiện đã xử lý 2 lần.
Tuy nhiên, nhiều xe lợi dụng những thời gian lực lượng CSGT không tuần tra kiểm soát để hoạt động. Do đó, rất khó để xử lý. Hơn nữa, nếu lực lượng chức năng làm thẳng tay thì không có xe nào dám chạy nữa và gây khó khăn cho người dân, cũng như doanh nghiệp...”.
Đại úy Liên chia sẻ thêm: “Trong quá trình tuần tra kiểm soát, có nhiều yếu tố tác động đến việc anh em xử lý hay không xử lý. Ghi nhận thông tin phản ánh của báo chí, những cái gì sai anh em chưa làm được thì trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm, nhất là khoáng sản. Đối với những trường hợp lái xe không chấp hành thì chúng tôi sẽ xử lý triệt để”.
Cũng theo Đại úy Liên, trong quý I/2022 (từ ngày 15/12/2021-14/3/2022), Đội CSGT Công an huyện M’Đrắk đã xử lý 147 xe ô tô tải vận chuyển nông sản, khoáng sản vi phạm.
Cụ thể, 76 trường hợp xếp hành làm lệch xe, vận chuyển hàng không chằng buộc chắc chắn; 2 trường hợp thùng xe không đúng thiết kế; 17 trường hợp quá tải trọng; chở hàng vượt quá kích thước 2 trường hợp và một số hành vi khác. Ước tính tổng số phạt tiền là 135 triệu đồng.
Tương tự, Thiếu tá Đỗ Hoàng Khương, Phó Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Ea Kar thông tin, từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã xử lý 189 trường hợp xe vi phạm pháp luật.
Trong đó, lỗi vi phạm về chiều cao 5 trường hợp, thành thùng 2 trường hợp, rơi vãi 21 trường hợp. Riêng đối với lỗi quá tải, do máy cân bị hư từ cuối năm 2021 đến nay nên không xử lý được các trường hợp quá tải.
Mặt khác, thời gian gần đây tổ tuần tra kiểm soát có 5/7 người mắc Covid-19, lực lượng mỏng nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ có lúc chưa triệt để.
Sau xem những hình ảnh mà PV cung cấp về việc xe cát quá khổ, quá tải ngang nhiên đi qua chốt tuần tra kiểm soát của Đội CSGT Ea Kar trên Quốc lộ 29, tại khu vực ngã 3 xã Ea Sô, huyện Ea Kar nhưng không bị xử lý, Thiếu tá Khương thừa nhận trong hình ảnh chính là lực lượng của đơn vị và cho biết sẽ chấn chỉnh, chỉ đạo lực lượng của đội vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm những trường hợp quá tải qua địa bàn.
Đồng thời, sẽ tham mưu cho lãnh đạo về việc xử lý các trường hợp xe cơi nới.
(còn nữa)