Du lịch dịch vụ làm kinh tế mũi nhọn
Chiều 22/10, Thị uỷ Cửa Lò, tỉnh Nghệ An đã có buổi làm việc với đoàn nghiên cứu thực tế lớp cao cấp lý luận chính trị K74.B03, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, về chủ đề: "Phát triển kinh tế - xã hội biển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường".
Bà Trần Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị Tx.Cửa Lò cho biết, sau 30 năm xây dựng và phát triển, Cửa Lò đã là một đô thị du lịch văn minh, hiện đại và là một trong ba cực tăng trưởng cao của tỉnh Nghệ An.
Trong công cuộc xây dựng và phát triển, Cửa Lò đã thu được nhiều kết quả tốt. Hệ thống chính trị được củng cố vững mạnh, khối đại đoàn kết toàn dân được mở rộng. Diện mạo đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp, văn minh với nhiều khu vui chơi giải trí mang tầm quốc gia, quốc tế.
Trong 30 năm qua, tổng giá trị sản xuất ở thị xã đã tăng 46 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 82 lần. Cửa Lò là 1 trong 2 địa phương của tỉnh có thể tự cân đối thu chi ngân sách.
Cơ cấu kinh tế địa phương chuyển dịch tích cực theo hướng lấy du lịch dịch vụ làm ngành kinh tế trọng điểm, mũi nhọn chiếm hơn 62%.
Trong năm 2024 này, tổng lượng khách du lịch ước đạt 5 triệu lượt người, doanh thu ước đạt 5.000 tỷ đồng. Phát triển kinh tế đêm, hình thành phố đi bộ phục vụ du khách.
Các lĩnh vực văn hoá - xã hội phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Thực hiện nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ VI đề ra, thị xã Cửa Lò xác định 4 mũi kinh tế trọng tâm. Ngoài phát triển kinh tế du lịch đó còn là kinh tế cảng biển; kinh tế nghề cá và hậu cần nghề cá; kinh tế nông nghiệp.
Do đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thị ủy đã ban hành Chương trình thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.
Bảo đảm an ninh môi trường để phát triển bền vững kinh tế
TS.Trần Quang Phú, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý đào tạo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, phố biển Cửa Lò đã có sự phát triển về kinh tế vô cùng ấn tượng.
Nhân dân và chính quyền đã phát huy tối đa thế mạnh dựa vào biển, bám biển và làm giàu từ biển, phát triển đô thị du lịch biển Cửa Lò xứng tầm.
Tuy nhiên, tư duy làm du lịch Cửa Lò phải theo hướng bền vững, không lấy ham lợi trước mắt mà đánh mất lâu dài; phải lấy cái riêng có về thiên nhiên, văn hóa, tình người Cửa Lò để tạo ra khác biệt.
Bên cạnh du lịch tắm biển, thị xã cần chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, độc đáo, có khả năng cạnh tranh cao, thúc đẩy phát triển du lịch 4 mùa.
Đồng thời, các thành viên trong đoàn nghiên cứu thực tế lớp cao cấp lý luận chính trị K74.B03, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã có những ý kiến đóng góp, đề xuất trong quá trình phát triển kinh tế của thị xã biển.
Giữa môi trường và phát triển kinh tế luôn có mối quan hệ biện chứng. Trong đó, môi trường là địa bàn và đối tượng của phát triển kinh tế, còn phát triển kinh tế là nguyên nhân tạo nên các biến đổi của môi trường.
Để phát triển kinh tế bền vững, tăng trưởng kinh tế phải gắn với bảo vệ, sử dụng hợp lý và hiệu quả tài nguyên môi trường. Thực tiễn cho thấy, môi trường có vai trò nền tảng đối với sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của mọi quốc gia.
Trao đổi thêm về việc này, ông Lê Thanh Long, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Cửa Lò cho biết, 30 năm trước, thị xã có diện tích nhỏ nhất nước, cơ sở vật chất lạc hậu, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa theo kịp nhu cầu phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn ở mức thấp.
Đến nay, Cửa Lò đã trở thành đô thị du lịch biển của cả nước, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách gần xa và thị xã đang trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Vì vậy, Đảng bộ và nhân dân thị xã Cửa Lò luôn đặt vấn đề về môi trường lên hàng đầu. Luôn cố gắng xây dựng thành thành phố du lịch biển xanh – sạch – đẹp và giàu mạnh, văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, Cửa Lò nằm giữa hai con sông lớn là sông Lam ở phía Nam và sông Cấm ở phía Bắc. Vì vậy, đến mùa lũ thì rác thì thượng nguồn đổ về dẫn đến việc ô nhiễm môi trường tự nhiên.
"Để hạn chế việc này, thị xã giao trách nhiệm cho từng phường. Nếu nơi nào để xảy ra tình trạng rác ô nhiễm, mà không có phương án dọn dẹp thì lập tức sẽ phải chịu hình thức kỷ luật", ông Long nói.
Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy khẳng định, quan điểm bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững, được lồng ghép xuyên suốt trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thị xã Cửa Lò.
Sau buổi làm việc với Thị uỷ Cửa Lò, lớp cao cấp lý luận chính trị K74.B03, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã có những món quà dành cho học sinh khó khăn tại Trường tiểu học và THCS Nghi Hương, Tx.Cửa Lò.
Vào sáng cùng ngày, đoàn đã đi tham quan thực tế quê ngoại và quê nội Chủ tịch Hồ Chí Minh tại huyện Nam Đàn; dâng hương tại Đền Chung Sơn, nơi thờ tự gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh.