Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất (HKQTTSN)đã có văn bản số 2032/CHKQTTSN-ĐHSB gửi Công ty cổ phần hàng không Vietjet Air (Vietjet Air) về “tình hình chậm chuyến của hãng này trong 7 tháng đầu năm 2022 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất”.
Cảng HKQTTSN cho biết, số chuyến bay chậm giờ trong 6 tháng đầu năm của hãng Vietjet Air chiếm tỷ lệ 36.10% và trong tháng 7 chiếm tỷ lệ 45.83% tăng cao so với các hãng hàng không nội địa khác.
Số liệu ghi rõ, trong tháng 1/2022, Vietjet Air có tới 344 chuyến delay với lý do tàu đến trễ, 27 tàu bay bị kỹ thuật, 175 ảnh hưởng do tổ bay…, tổng chuyến trễ trong tháng của hãng này là 733, tỷ lệ chậm chuyến trong tháng này là 34,41%.
Trong tháng 2/2022 có 285 chuyến lý do tàu đến trễ, tổng chuyến trễ 459, (tỷ lệ 16,73%); tháng 3/2022 có 305 tàu đến trễ, tổng chuyến trễ là 499 (tỷ lệ 16.37%).
Trong tháng 3/2022 có 305 chuyến lý do tàu đến trễ, tổng chuyến trễ 1048 (21.17%).
Trong tháng 4/2022 có 732 chuyến lý do tàu đến trễ, tổng chuyến trễ 1048, (39.32%); trong tháng 5/2022 có 933 chuyến lý do tàu đến trễ, tổng chuyến trễ 1290 chuyến (40.14%).
Riêng trong tháng 6/2022 có 1118 chuyến lý do tàu đến trễ, tổng chuyến trễ là 1983 (55.92%) và trong tháng 7/2022 có 1018 chuyến lý do tàu đến trễ.
Tổng số chuyến trễ trong 7 tháng đầu năm 2022 của hãng hàng không Vietjet Air là 7.701 chuyến và là hãng có tỷ lệ chậm chuyến lớn nhất trong tất cả các hãng đang hoạt động tại Việt Nam.
Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất thông tin, việc chậm chuyến của hãng hàng không Vietjet Air được hãng này nói lý do “tàu đến trễ”, điều này đã gây ảnh hưởng đến quá trình phục vụ điều hành khai thác, chất lượng cung cấp dịch vụ của cảng này cũng như các đơn vị liên quan.
Ngoài ra, việc Vietjet Air chậm chuyến kéo dài thời gian tàu bay, chiếm dụng vị trí đỗ và số lượng hành khách sử dụng cơ sở hạ tầng tại nhà ga tăng cao, công tác điều phối cửa khởi hành và kế hoạch khai thác sân đỗ bị xáo trộn, vi phạm giới hạn tiue chuẩn slot được phân bổ trong các khung giờ, ảnh hưởng tình trạng khai thác chung, làm giảm chất lượng dịch vụ, cũng như năng lực phục vụ của cảng.
Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất đã yêu cầu Vietjet nghiêm túc chấp hành thực hiện đúng slot đã được Cục hàng không Việt Nam cấp, hạn chế thay đổi lịch khai thác. Điều chỉnh thời gian quay đầu phù hợp với năng lực khai thác của hãng và đơn vị phục vụ mặt đất.
Ngoài ra, Cảng yêu cầu hãng này phải có cơ chế bảo mật, dự phòng (back-up) dữ liệu, đảm bảo tính ổn định của hệ thống làm thủ tục hàng không (check-in) của hãng và có phương án ứng phó xử lý khi có tình huống bất thường (trước đó, hệ thống của hãng này bị ‘tê liệt’ khiến hàng nghìn hành khách không thể check-in, chuyến bay bị delay khiến khách nằm ‘la liệt’ tại sân bay Tân Sơn Nhất).