Các bệnh viện tìm giải pháp ứng xử khi xảy ra sự cố y khoa

27/05/2022 14:28

Hội thảo Ứng xử ra sao với sự cố y khoa cung cấp những thông tin khách quan, tìm ra những giải pháp nhằm hạn chế rủi ro cho cả người bệnh và y bác sĩ.

Cần góc nhìn khách quan về sự cố y khoa

Ngày 26/5, tại trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (Tp.HCM) diễn ra hội thảo Ứng xử ra sao với sự cố y khoa, có sự tham dự và chủ trì của lãnh đạo Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế. Các báo cáo tham luận, thảo luận từ nhiều bệnh viện đã mang đến thông tin đa chiều, nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự cố y khoa.

Theo đó, các tham luận đều thống nhất, sự cố y khoa là các tình huống không mong muốn có thể xảy ra trong quá trình chẩn đoán, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Sự cố này có thể xuất phát từ các yếu tố khách quan, chủ quan mà không phải do diễn biến bệnh lý hoặc cơ địa người bệnh.

Chia sẻ tại hội thảo, TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ cho hay: “Khi gây ra các sự cố y khoa, một số trường hợp nhân viên y tế không còn muốn hành nghề, có thể bỏ nghề. Do đó, cần phải có hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ được cả đôi bên, bảo vệ được nguồn lực y tế và bệnh nhân khi xảy ra sự cố”.

Để hạn chế các sự cố y khoa, bác sĩ Cường cho rằng, các bệnh viện cần thiết lập quy trình chuyên môn, vận hành, đầu tư đầy đủ trang thiết bị, điều kiện làm việc...

Nhân viên y tế cần có trình độ chuyên môn tốt, thái độ trung thực, thái độ cầu tiến và nhận biết trước được các sự cố y khoa có thể xảy ra. Đối với người bệnh, cần suy nghĩ thật kỹ trước khi lựa chọn phương pháp điều trị.

su-co-y-khoa-3-1653635732.jpg
 

Đánh giá vấn đề tai biến trong y khoa và khía cạnh pháp lý, TS Bùi Minh Trạng, Giám đốc Viện Tim Tp.HCM dẫn chứng, một sản phụ đi khám thai đầy đủ nhưng sau khi sinh, em bé bị dị tật làm cho gia đình bị sốc.

Sau đó, gia đình khiếu kiện, tố cáo bệnh viện thiếu trách nhiệm không phát hiện ra. Như vậy, pháp lý nào bảo vệ cho các bác sĩ hành nghề?

Bác sĩ Trạng băn khoăn: “Nghề y là chẩn đoán bệnh. Cũng giống như việc dự báo thời tiết, nói hôm nay nắng thì trời lại mưa nhưng người ta dễ thông cảm hơn. Trong khi ngành y, người ta không chấp nhận vì liên quan đến sinh mạng. Ngành y tế chịu nhiều áp lực lắm, từ xã hội, bảo hiểm y tế, bệnh nhân…

Khi xảy ra vấn đề gì trong ngành y thì thường mọi người cố tình tìm lỗi chứ không tìm nguyên nhân, tìm cách khắc phục”.

Nhiều áp lực khi xảy ra sự cố y khoa

Dưới góc độ quản lý một bệnh viện chuyên ngành sản phụ khoa, bác sĩ Phan Thị Hằng, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương nhìn nhận, riêng với lĩnh vực sản phụ khoa, nếu không có sàng lọc và đánh giá đúng mực, có khả năng xảy ra những vấn đề gây sốc cho gia đình sản phụ.

“Khi sự cố xảy ra, nếu chúng ta xử lý không khéo hoặc bưng bít thông tin sẽ khiến người bệnh và gia đình càng tức giận và phản ứng mạnh, đặc biệt là loại bỏ văn hóa buộc tội. Bên cạnh đó, phải đề cao văn hóa tôn trọng, thông hiểu về các vấn đề sự cố và tìm kiếm sự đồng thuận, chia sẻ từ phía gia đình người bệnh”, bác sĩ Hằng bày tỏ.

Bác sĩ Âu Thanh Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM cho rằng, phải ghi nhận đầy đủ về các sự cố y khoa để chú trọng công tác tập huấn, đào tạo, tạo dựng văn hóa an toàn người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm.

Mặt khác cũng cần có công cụ ghi nhận sự cố y khoa nhanh nhất, bên cạnh việc người lãnh đạo có cơ chế thưởng phạt phân minh trong trường hợp xảy ra sự cố.

Sức khỏe - Tp.HCM: Các bệnh viện tìm giải pháp ứng xử khi xảy ra sự cố y khoa (Hình 2).

Bác sĩ Nguyễn Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, việc kêu gọi bác sĩ tự nguyện báo cáo sự cố y khoa sẽ khó khả thi nếu cơ chế quản lý chăm chăm xử phạt.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy đặt vấn đề, ở các nước tiên tiến, sự cố y khoa xảy ra rất nhiều nhưng tại sao ở Việt Nam lại rất thấp? Nguyên nhân là khi xảy ra sự cố y khoa thì y bác sĩ không dám báo cáo vì sợ bị kỷ luật.

“Khi có sự cố y khoa thì y bác sĩ phải đối mặt với người nhà bệnh nhân, thanh tra, đồng nghiệp, báo chí… Chúng ta chưa lập hội đồng đánh giá, chưa kết luận gì thì sự cố y khoa đã lên báo, “tiếng lành đồn gần tiếng dữ đồn xa” khiến y bác sĩ chịu nhiều áp lực”, bác sĩ Việt nêu thực tế.

Nâng cao hiểu biết pháp luật cho thầy thuốc

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế nói rằng, sự cố y khoa là câu chuyện cần hiểu rõ để xử lý và phòng ngừa.

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 43/2018/TT-BYT ngày 26/12/2018 về hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám, chữa bệnh nhằm hướng dẫn cụ thể các hoạt động phòng, ngừa, hướng dẫn quản lý các sự cố y khoa cho nhân viên y tế.

Sức khỏe - Tp.HCM: Các bệnh viện tìm giải pháp ứng xử khi xảy ra sự cố y khoa (Hình 3).

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị các cơ sơ y tế có ứng xử phù hợp, đúng quy định pháp luật khi xảy ra sự cố y khoa.

Điểm đáng chú ý là Thông tư số 43 thay đổi văn hóa từ trừng phạt sang khắc phục ngăn ngừa, nhìn trước những vấn đề có thể xảy ra. Do đó, cần thay đổi tư duy của nhà quản lý ở cơ sở khám chữa bệnh.

“Khi xảy ra sự cố y khoa, chúng ta cần bình tĩnh, nhìn thẳng vào sự thật và công khai xin lỗi bệnh nhân. Công tác xã hội của các bệnh viện phải là đầu mối giúp hòa giải giữa gia đình bệnh nhân với bệnh viện”, ông Khuê đánh giá.

Sự cố này là điều không ai mong muốn, nên cần phải chia sẻ với thầy thuốc, bệnh viện để họ cảm thấy an tâm khi hành nghề chứ không phải bỏ nghề sau sự cố y khoa.

Lãnh đạo Cục Khám chữa bệnh cho rằng, các sinh viên cần hiểu biết thêm về pháp luật, nhà trường cần quan tâm tổ chức nhiều hơn các hội thảo khoa học để sinh viên tiếp cận thực tế. Thầy thuốc phải được mua bảo hiểm trách nhiệm để đảm bảo an toàn cho mình đối với những sự cố y khoa có thể xảy ra.

Vân Sơn - Nguyễn Dũng
Bạn đang đọc bài viết "Các bệnh viện tìm giải pháp ứng xử khi xảy ra sự cố y khoa" tại chuyên mục Y tế. Thông tin liên hệ hotline: 0903.636.778 ; Email: toasoan.arttimes@gmail.com