Thanh tra loạt bệnh viện lớn, phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng

Thanh tra Chính phủ phát hiện công tác mua sắm, lập, phê duyệt hồ sơ mời thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh tại các bệnh viện lớn có nhiều sai phạm.

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra về việc sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh giai đoạn 2014 – 2018 tại Bộ Y tế.

Việc Thanh tra được thực hiện tại Bộ Y tế và 7 bệnh viện thuộc Bộ gồm Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức, K, Nhi Trung ương, Trung ương Huế, Thống Nhất. Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng việc kiểm tra, xác minh một số gói thầu mua sắm tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Ung Bướu Tp.Hồ Chí Minh.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ phát hiện công tác chuẩn bị mua sắm, lập, phê duyệt hồ sơ mời thầu và tổ chức chấm thầu mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao và thuốc chữa bệnh còn nhiều sai phạm.

Mua sắm vật tư y tế, hóa chất và thuốc bằng hình thức chỉ định thầu rút gọn, mua sắm trực tiếp, mua ngoài (không qua các hình thức mua sắm quy định tại Luật Đấu thầu) còn nhiều sai phạm như không có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được cấp thẩm quyền phê duyệt, mua vượt số lượng quy định; sử dụng giá một số mặt hàng vượt 12 tháng của hợp đồng gói thầu trước đó... có dấu hiệu chia nhỏ giá trị gói thầu để thực hiện chỉ định thầu rút gọn...

Còn có trường hợp hồ sơ đề xuất tài chính không đạt theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng nhà thầu vẫn được chấm trúng thầu, phản ánh về chấm chưa chính xác, nếu chấm đúng sẽ không đạt điểm kỹ thuật và bị loại.

Hồ sơ điều tra - Thanh tra loạt bệnh viện lớn, phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng

Nhiều vụ việc đấu thầu diễn ra tại Bệnh viện Nhi Trung ương không đúng quy định

Cụ thể tại Gói thầu số 1 năm 2016 - Bệnh viện Nhi Trung ương: Công ty CP Hoá dược Việt Nam với giá trị trúng thầu 325 triệu đồng; 1 mặt hàng được xét cho 2 nhà thầu trúng thầu với giá trúng thầu khác nhau dẫn đến làm tăng chi phí như Bệnh viện Nhi TW - gói số 2, số 4 mua sắm VTTH năm 2013 - 2014; gói số 2, số 4 mua sắm VTTH năm 2015 – 2016;

Hay việc lựa chọn đơn vị trúng thầu có giá bỏ thầu cao hơn làm tăng chi phí, tạm tính theo số lượng dự thầu là 1,5 tỷ đồng, trong đó tại Bệnh viện Nhi Trung ương là 1,1 tỷ đồng; Bệnh viện Thống Nhất là 837,7 triệu đồng.

Tại Bệnh viện Thống nhất, đơn vị này không đề nghị mặt hàng có điểm tổng hợp cao nhất trúng thầu mà chọn mặt hàng có điểm tổng hợp thấp hơn, dẫn đến tổng giá trị trúng thầu tăng 41,770 triệu đồng (có 4 gói thầu năm 2016 của Bệnh viện Thống Nhất), điều chỉnh đơn giá dự thầu sau khi đã có kết quả chấm thầu, làm tăng giá trị trúng thầu (sản phẩm Povidone Iodine 10%-90ml  đấu thầu thuốc năm 2014 tại Bệnh viện Thống Nhất).

Bệnh viện K ký hợp đồng với các doanh nghiệp đặt máy và tổ chức đấu thầu đối với hóa chất chỉ sử dụng cho máy đã đặt sẵn tại Bệnh viện là không đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong đấu thầu theo Luật Đấu thầu.

Đối với Bệnh viện Nhân dân 115, quá trình kiểm tra, xác minh tại Sở Y tế Tp.HCM, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện một số sai phạm đối với gói thầu “Mua sắm 70 máy giúp thở”, do thời gian thanh tra và lực lượng thanh tra có hạn, Thanh tra Chính phủ chưa xác minh, làm rõ đầy đủ để kết luận.

Ngoài ra, tại Bệnh viện Nhân dân 115 còn có những nội dung công dân tố cáo liên quan, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản số 208/TTCP-V.I ngày 30/7/2020 về việc chuyển đơn tố cáo gửi UBND Tp.HCM.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, việc phê duyệt hồ sơ mời thầu và tổ chức đấu thầu thuốc cho nhà thuốc bệnh viện giai đoạn thí điểm (2018 - 2019) theo tên thương mại đối với 2/3 gói thầu, trái quy định.

Đối với việc mua sắm Robot hỗ trợ phẫu thuật sọ não có sử dụng công nghệ lập kế hoạch và giải pháp PACS tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội thành phố Hà Nội.

Hồ sơ điều tra - Thanh tra loạt bệnh viện lớn, phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng (Hình 2).

Thanh tra Chính phủ nêu nhiều sai phạm diễn ra tại bệnh viện Bạch Mai.

Quá trình thanh tra tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đã cung cấp Hợp đồng số 03-TN3/2018/HĐ-VHXH năm 2018 giữa Ban Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội Hà Nội và Nhà thầu liên doanh Công ty Cổ phần Công nghệ y tế BMS - Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thiết bị y tế Đại Phát, Hệ thống robot có cấu hình tương đương với hệ thống Robot Rosa liên doanh liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai (là hệ thống robot đưa vào liên doanh mà cơ quan Công an đang điều tra) với giá trị tại hợp đồng là 38,7 tỷ đồng.

“Giá trị theo hợp đồng của Hệ thống robot mà Ban Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội Hà Nội mua là quá cao so với giá trị thực tế của hệ thống robot đưa vào liên doanh tại bệnh viện Bạch Mai (10,9 tỷ đồng) cần tiếp tục điều tra, làm rõ”, kết luận nêu.

Ngoài các sai phạm nêu trên, Bệnh viện Bạch Mai còn nhiều sai phạm khác. Trong đó, không xác định đẩy đủ chi phí hoặc xác định không đúng quy định, kiểm tra 35 thiết bị liên doanh liên kết giai đoạn 2014 – 2018 Bệnh viện thu về hơn 4 tỷ đồng, các doanh nghiệp thu về hơn 27,3 tỷ đồng;

11 thiết bị liên doanh liên kết như hệ thống chụp CT-Scanner 128 lát cắt, hệ thống máy nội soi Olympus,… được xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự quy định Điều 356 Bộ Luật hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” cần tiếp tục điều tra và làm rõ.

Việc thực hiện mua sắm đối với một số gói thầu có dấu hiệu vi phạm hình sự, Thanh tra Chính phủ chuyển thông tin sang Cơ quan điều tra Bộ Công an.

Ngoài ra, kết luận thanh tra còn nêu rõ, việc liên doanh, liên kết thiết bị phục vụ khám chữa bệnh tại các bệnh viện còn nhiều sai phạm như: sử dụng tài sản (nhà cửa, vật kiến trúc, hạ tầng của bệnh viện để góp vốn liên doanh, liên kết nhưng không có quyết định phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Y tế;

Không xác định giá trị tài sản là đất đai, nhà cửa, hạ tầng... theo giá thị trường khi góp vốn; không xác định đầy đủ giá trị như lợi thế, uy tín của Bệnh viện; đội ngũ y, bác sĩ; xác định chi phí khấu hao trong phương án tài chính chưa đúng quy định tại Thông tư số 45 của Bộ Tài chính;

Giá dịch vụ khám chữa bệnh thực hiện từ các máy liên doanh liên kết còn lớn hơn nhiều so với giá dịch vụ BHYT; không kê khai giá theo quy định; nhiều trường hợp chi mời duy nhất 1 nhà đầu tư, không mời nhiều đối tác tham gia để thương thảo và lựa chọn hoặc có mời nhưng việc lựa chọn nhà đầu tư còn nhiều sai sót.

Với những sai phạm nêu trên, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trách nhiệm thuộc lãnh đạo Bộ Y tế được giao phụ trách thời kỳ 2014 – 2018 cùng các đơn vị, cá nhân khác thuộc Bộ như Vụ Bảo hiểm y tế, Cục Quản lý dược, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế...

Trách nhiệm về các thiếu sót, sai phạm trong việc thực hiện tại các bệnh viện nêu trên huộc Giám đốc Bệnh viện, các phòng, khoa tham mưu và các cá nhân liên quan như khoa Dược, phòng Tài chính – Kế toán….