Một giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM chấm bài cho học sinh - Ảnh: T.H.
Hơn 8h tối 30-10, sau nhiều cuộc gọi điện thoại trong ngày không được, cô N.H.H. - một giáo viên tiểu học tại TP.HCM - mới trả lời điện thoại của tôi. Cô cho biết cả ngày qua cô vừa phải chấm bài và soạn bài cho những tiết dạy trong tuần. Những ngày cuối tuần là lúc cô dành thời gian để tập trung vào suy nghĩ những ý tưởng mới đưa vào soạn bài giảng, bài dạy trực tuyến để thu hút học sinh, để học sinh không nhàm chán, thích đi học khi cô dạy trực tuyến.
Chấm 1.000 bài tập mỗi tuần
Để soạn được bài giảng trực tuyến, cô H. cho biết phải đầu tư nhiều thời gian hơn so với dạy trực tiếp vì phải trau chuốt ngôn phong, suy nghĩ ra nhiều hình thức để làm mới bài giảng của mình. Vì học sinh không đi học trực tiếp, không có không khí bạn bè sôi nổi nên giáo viên phải luôn tạo bất ngờ cho các con để học sinh hứng thú học.
Cực nhất và tốn nhiều thời gian không kém công đoạn làm video dạy học là việc chấm bài của học sinh. Mỗi tuần như vậy cô H. sẽ chấm khoảng 1.000 bài tập của học sinh. Việc chấm bài online là chấm bài qua các hình ảnh học sinh chụp gửi lên cho giáo viên. Các hình ảnh này học sinh chụp mờ, xiên xẹo, không đủ bài, nộp bài không đúng thời gian... càng khiến giáo viên mất nhiều thời gian để chấm.
Chưa kể, dù có quy định về thời gian làm bài nhưng khi học online thì học sinh gửi bài trễ, không nộp bài, nộp bài lác đác rất nhiều, có học sinh 11h, 12h đêm mới nộp bài nên giáo viên lại tốn thêm thời gian vào sáng hôm sau để chấm bài cho học sinh.
Thầy Trần Ngọc Lượng - Trường tiểu học Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM - thừa nhận khâu chấm bài của học sinh là một khâu đầy "áp lực" của giáo viên khi dạy online. Cũng như cô H., thầy Trần Ngọc Lượng cho biết dù lớp của thầy có khoảng 35 học sinh, đỡ vất vả hơn so với những giáo viên phụ trách lớp 40 - 45 học sinh nhưng để hoàn thành nhiệm vụ trong ngày, thầy cũng thường soạn bài, chấm bài đến 10h, 11h đêm hoặc hơn.
Tìm cách giảm tải cho giáo viên
Thừa nhận thực tế khi dạy học online, giáo viên sẽ cực hơn rất nhiều, cô Nguyễn Đoan Trang - hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM - cho biết nhà trường có thể giảm tải cho giáo viên của mình bằng nhiều cách. Hiện nay, giáo viên cũng không thể dùng giáo án cũ khi dạy cho học sinh học trực tuyến vì những file PowerPoint này không có lồng tiếng, khiến học sinh không hứng thú khi học trực tuyến.
Để giảm tải cho giáo viên, nhà trường yêu cầu các tổ họp với nhau, phân công công việc chung, các thành viên của tổ có thể soạn giáo án chung và dùng chung cho các lớp trong khối. Bản thân mỗi giáo viên khi không dùng chung được giáo án đó mới cần thiết soạn giáo án của riêng mình. Đối với những môn học có thể dùng chung được thì giáo viên đỡ áp lực, đỡ tốn thêm thời gian soạn giáo án.
Tuy nhiên, cô Trang cũng thừa nhận nặng hơn cả soạn bài là việc chấm bài của giáo viên. "Khi giáo viên chấm bài bằng hình thức trực tuyến thì giáo viên không chấm trực tiếp bằng giấy bút được mà phải chấm qua phần mềm học sinh làm bài tập, như vậy thời lượng giáo viên ngồi trước máy tính sẽ tăng hơn rất nhiều so với trước. Đó là áp lực hơn rất nhiều vì giáo viên trước nay vẫn chưa quen ngồi suốt trên máy tính như vậy".
Nhà trường cần động viên
GS.TS Huỳnh Văn Sơn, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng việc định hướng công tác tổ chức dạy học của nhà trường dựa trên các yêu cầu chung về quản trị dạy học sẽ phần nào giúp giáo viên giảm tải được áp lực trong công việc bộn bề của dạy online hiện nay. Nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc động viên thầy cô, tư vấn cho thầy cô có những phương pháp dạy học hiệu quả, đỡ căng thẳng.
Làm việc từ sáng sớm tới đêm khuya
Thời lượng chương trình dạy học online đã được giảm tải hơn rất nhiều nhưng cô N.H.H. vẫn làm việc từ sáng tới khuya. Trừ thứ bảy, chủ nhật, mỗi ngày trong tuần của cô thường bắt đầu tư 8h sáng đến 12h đêm, gồm: sáng dạy online, trưa soạn bài cho hôm sau, chiều, tối chấm bài, nhận xét bài cho học sinh.
Ngoài chấm bài, soạn bài, giảng bài cô H. còn có công việc phải "lo" thêm như hồ sơ sổ sách học sinh, chuyên đề, cập nhật danh sách học sinh... "Công việc rất nhiều nên mỗi ngày trong tuần khi ít việc nhất thì tôi cũng chỉ được nghỉ lúc 10h đêm. Ngồi máy tính suốt khiến tôi, một giáo viên trên dưới 30 tuổi cũng cảm thấy đau lưng và mỏi mắt lắm" - cô H. tâm sự.
Theo: Tuổi Trẻ