Sáng 3/9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Huyện Bình Chánh hiện có 1.273 F0 cách ly tại nhà, 10.560 F0 cách ly tập trung; 693 trường hợp trở nặng (tỷ lệ chưa tới 6%). Số ca tử vong đến nay ở địa bàn này là gần 400 trường hợp.
Địa phương than thiếu thuốc
Lãnh đạo huyện Bình Chánh cho biết thời gian qua, huyện có thuốc kháng viêm, kháng đông để điều trị bệnh nhân Covid-19, nếu có đủ thuốc sẽ giảm được số bệnh nhân chuyển nặng. Từ 23/8 đến nay, huyện không còn tình trạng tử vong tại nhà. Các trường hợp test nhanh dương tính sẽ được cấp thuốc ngay.
Bí thư huyện Bình Chánh Trần Văn nam cho biết khi số ca nhiễm tăng mạnh, huyện đã tự thành lập bệnh viện dã chiến với công suất 1.200 giường, có lúc tiếp nhận 1.500 đến 1.700 bệnh nhân. Nhờ vậy, từ 23/8 tới nay, tỷ lệ tử vong ở Bình Chánh thấp hơn tỷ lệ trung bình của thành phố.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam liên tục đi thị sát những ngày qua. Ảnh: VGP/Đình Nam. |
Huyện Bình Chánh hiện có 750.000 người, trong đó, 128.000 công nhân ở các khu nhà trọ. Địa phương này thiếu bác sĩ và phải tự xoay sở nhiều thứ như bồn oxy, máy X-quang.
"Tới giờ chúng tôi mới nhận được 2.000 gói thuốc từ Sở Y tế. Huyện đa phần phải tự chủ động. Trước 23/8, huyện vận động được khoảng 3.000 gói thuốc. Sở Y tế đáp ứng được 20% nhu cầu, còn 80% là huyện tự vận động", lãnh đạo huyện báo cáo với Phó thủ tướng.
Ông Vũ Đức Đam nói quá trình ông đi thị sát thấy đa phần các quận, huyện đã phải "tự xé rào" để chủ động cứu dân. Nếu có sớm các thuốc sẽ giảm được đáng kể tỷ lệ chuyển nặng, tử vong của F0.
Không để trẻ em 2 tháng không biết mùi thịt cá
Về an sinh, lãnh đạo huyện Bình Chánh cho biết vấn đề lo lắng lớn nhất là 128.000 người dân trong các khu nhà trọ. Huyện đã trao trợ cấp 1,5 triệu đồng cho 86% người dân, tuy nhiên một số xã mới đạt tỷ lệ 50%. "Huyện rất khổ sở vì chính sách lúc thì theo hộ, lúc thì theo khẩu. Nếu thống nhất từ đầu thì đỡ khổ hơn", lãnh đạo huyện chia sẻ.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị huyện hỗ trợ đúng đối tượng nhưng phải làm nhanh, đừng để bà con nghe trên tivi mà đợi mãi không thấy tiền đâu.
"Bà con công nhân mất việc 3 tháng thì còn ai không nghèo nữa", Phó thủ tướng đặt câu hỏi và nhấn mạnh tinh thần người dân gặp khó khăn, chính quyền cần hỗ trợ ngay, ưu tiên cấp gói an sinh, tiền hỗ trợ cho người lao động tự do, công nhân gặp khó khăn.
Tương tự, nếu xét nghiệm phát hiện dương tính, chính quyền phải trao thuốc ngay cho người dân, không chờ xét nghiệm RT-PCR. "Nếu cứ chờ mới có thuốc thì tâm lý người dân cũng suy sụp. Thấy có thuốc người ta yên tâm hơn", ông Đam nói.
Tại buổi kiểm tra, Phó thủ tướng cũng yêu cầu địa phương đặc biệt lưu ý, ưu tiên chăm lo cho những gia đình có trẻ em, không để xảy ra tình trạng các cháu "2 tháng chưa biết mùi thịt cá". Ông Đam cho biết đã đề nghị thành phố rà soát lại việc hỗ trợ tiền điện, nước vì 10% mà Trung ương hỗ trợ là không đủ.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: VGP/Đình Nam. |
Về giáo dục, Phó thủ tướng bày tỏ băn khoăn về việc TP.HCM sắp bước vào năm học mới nhưng nhiều gia đình không đủ điều kiện để cho con học trực tuyến.
Bí thư Huyện ủy Bình Chánh chia sẻ đây là vấn đề "con gà quả trứng". Do học sinh không thể tới trường nên nhà trường cũng không biết rằng gia đình các em có đảm bảo kết nối mạng và các điều kiện để học trực tuyến hay không.
Lãnh đạo địa phương chia sẻ nhiều giáo viên hiện "giỏi chống dịch hơn đi dạy" khi huyện điều động khoảng 228 viên chức giáo dục tham gia chống dịch trong thời gian qua. Còn về tâm trạng, nhiều giáo viên hiện không có tâm trí chuẩn bị cho năm học mới.
"Đang đi chống dịch mà xã bắt các giáo viên về đi dạy thì vừa hỏng việc chống dịch, cũng chẳng xong được việc dạy. Các gia đình khó khăn thì rất mệt việc học", lãnh đạo huyện lo lắng.
Ngày 6/9, học sinh THCS, THPT, giáo dục thường xuyên của TP.HCM sẽ chính thức bước vào năm học mới. Ngày 8/9, học sinh tiểu học sẽ làm quen với lớp mới, được hướng dẫn cách thức học tập trước khi bắt đầu chương trình năm học từ ngày 19/9.
Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết khoảng 4% học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 không có điều kiện tham gia việc học trực tuyến. Ở bậc tiểu học, con số này là khoảng 8,5%. Cụ thể, trong tổng số gần 700.000 học sinh trung học, khoảng 17.000 học sinh không có thiết bị, không có đường truyền Internet, hơn 5.000 học sinh có thiết bị nhưng lại không có Internet.