Rủi ro thị trường chứng khoán nhìn từ vụ ông Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu "chui"

Chứng khoán Việt Nam đang được xem xét để nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi, những vụ việc như ông Trịnh Văn Quyết bán cp FLC sẽ làm thị trường thiếu minh bạch.

Thông tin vị đại gia Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC Group "bán chui" cổ phiếu đang là tâm điểm trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cụ thể, vị Chủ tịch này đã đăng ký bán ra 175 triệu cổ phiếu từ 10/1 đến 17/1. Văn bản này được ký ngày 5/1 nhưng chỉ được đăng lên website công ty vào tối ngày 10/1 (hiện đã gỡ bỏ) và chưa được gửi đến Sở giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE). Đến sáng hôm nay, ông Quyết lại đổi ngày giao dịch bán lô 175 triệu cổ phiếu thành 14/1-11/2 cho phù hợp với quy định của Luật chứng khoán.

Vị đại gia nhiều lần giao dịch "chui"

Thực tế, đây không phải lần đầu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết giao dịch hàng triệu cổ phiếu "họ FLC" mà không công bố thông tin hoặc công bố không chính xác.

Ông Quyết từng bị UBCKNN xử phạt hồi tháng 11/2017 vì không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bán 57 triệu cổ phiếu FLC trong khoảng thời gian 20-24/10/2017. Ông Trịnh Văn Quyết có thể đã thu về không dưới 400 tỷ đồng theo giá giao dịch mức 7.100-7.700 đồng từ đợt bán này.

Đây cũng là giai đoạn cổ phiếu FLC có thanh khoản cao vượt trội so với bình quân, lên tới hàng chục triệu đơn vị mỗi phiên, đỉnh điểm là phiên 23/10 lên đến 48 triệu đơn vị. Cổ phiếu FLC sau đó cũng rơi nhanh về khoảng giá 5.700 đồng, tương ứng giảm hơn 20% giá trị so với lúc Chủ tịch FLC bán ra. Số tiền mà ông Quyết bị xử phạt theo quy định là 65 triệu đồng.

Tài chính - Ngân hàng - Rủi ro thị trường chứng khoán nhìn từ vụ ông Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu 'chui'

Chủ tịch FLC từng nhiều lần "bán chui" cổ phiếu. (Ảnh minh họa)

Hồi tháng 6/2020, đại gia Trịnh Văn Quyết cũng phải đính chính thông tin liên quan đến lô cổ phiếu ROS sau khi từ nhiệm vị trí Chủ tịch doanh nghiệp này. 

Cụ thể, ngày 8/6/2020, ông Quyết công bố thông tin cho biết ông đã bán 162,3 triệu cổ phiếu ROS, giảm tỉ lệ sở hữu tại FLC Faros từ 35,98% xuống còn 7,38%. Ngày giao dịch làm thay đổi tỉ lệ sở hữu, theo báo cáo của ông Quyết khi đó là 1/6/2020.

Sau đó, ngày 19/6/2020, ông Quyết lại đính chính công bố. Theo báo cáo đính chính, tổng khối lượng giao dịch vẫn là 162,3 triệu đơn vị; tuy nhiên, ông Quyết liên tục giao dịch làm thay đổi tỉ lệ sở hữu trong các ngày từ 1/6 đến 5/6.

Công bố thông tin ban đầu của ông Trịnh Văn Quyết có phần vô lí vì tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu ROS trong ngày 1/6 chỉ là 82,2 triệu đơn vị, ông Quyết không thể bán toàn bộ 162,3 triệu cổ phiếu ROS chỉ trong một phiên này.

Ngay sáng nay (11/1), UBCKNN cũng thông báo đã nhận được báo cáo của HoSE đề ngày 10/1 về việc ông Trịnh Văn Quyết đã giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không báo cáo. UBCKNN đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của vị đại gia này. Chiều nay, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) thậm chí đã đề nghị SSC phải chỉ đạo công ty chứng khoán phong tỏa ngay tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết.

Nhà đầu tư mất niềm tin 

Trao đối với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Thế Minh - Giám Đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết việc giao dịch cổ phiếu không công bố thông tin gây ra nhiều rủi ro liên quan đến doanh nghiệp và nhà đầu tư. 

Về phía doanh nghiệp, ông Minh cho rằng việc bán cổ phiếu "chui" của cổ đông lớn làm uy tín doanh nghiệp giảm xuống. "Điều này khiến các quỹ đầu tư ngoại lo ngại khi mua cổ phiếu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp khó có thể hút dòng vốn đầu tư lớn từ nước ngoài" - ông Minh nói. Theo ông, chứng khoán Việt Nam đang được xem xét để nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi. Tuy nhiên, những thông tin như vậy sẽ làm thị trường chứng khoán trở nên thiếu minh bạch và khó được xem xét để nâng hạng. 

Về phía nhà đầu tư, theo ông Minh, việc mua bán cổ phiếu "chui" sẽ khiến các nhà đầu tư ở thế bị động khi không nắm bắt được thông tin trong khi những giao dịch nội gián như vậy ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giao dịch. "Nhà đầu tư sẽ mất niềm tin vào doanh nghiệp bởi minh bạch là yếu tố tối thiểu để nhà đầu tư quyết định có nên mua một cổ phiếu hay không" - ông Minh cho hay. 

Đơn cử, tâm điểm phiên giao dịch ngày 11/1 thuộc về nhóm cổ phiếu "họ FLC" (ROS, FLC, HAI, KLF, AMD, ART, GAB) khi đồng loạt bị bán tháo với khối lượng lớn. Các mã FLC, ROS, HAI, AMD, KLF đều có thời điểm giảm kịch sàn.

Tài chính - Ngân hàng - Rủi ro thị trường chứng khoán nhìn từ vụ ông Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu 'chui' (Hình 2).
5/7 thành viên "họ FLC" giảm sàn, trắng bên mua ngay khi mở phiên 11/1. 

Trong đó, riêng cổ phiếu FLC đã lập kỷ lục thanh khoản 155 triệu cổ phiếu - kỷ mục mới của sàn chứng khoán Việt Nam và tự phá kỷ lục thanh khoản gần 135 triệu cổ phiếu phiên ngày 10/1. Như vậy, khoảng 290 triệu cổ phiếu FLC, tương ứng hơn 40% vốn công ty đã được sang tay chỉ trong 2 ngày mã chứng khoán này bị bán tháo.

Cổ phiếu ROS cũng chứng kiến lượng bán ra gần 99 triệu đơn vị (tương đương với giá trị khớp lệnh 1.374 tỷ đồng), nhưng vẫn còn gần 6 triệu cổ phiếu ROS khác chất giá sàn.

Việc bán tháo xảy ra sau thời gian FLC tăng nóng trong giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022 khiến nhà đầu tư rất nhạy cảm trước những biến động giá xuống đột và thông tin lãnh đạo "bán chui" cổ phiếu. 

Nhiều nhà đầu tư đang có tâm lý bức xúc và không ít bình luận tiêu cực cũng đã xuất hiện. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ lỡ ôm cổ phiếu cho biết trải qua đêm không ngủ với cổ đông nhà FLC.

Liệu chế tài xử phạt còn nhẹ?

Thông tin vị đại gia FLC bán cổ phiếu chui làm thị trường dậy sóng với loạt câu hỏi: Liệu ông Trịnh Văn Quyết sẽ bị xử phạt bao nhiêu?

Theo Nghị định số 128 của Chính phủ sửa đổi bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, hành vi công bố thông tin không đúng về thời hạn về việc dự kiến giao dịch sẽ bị phạt 3-5% giá trị đăng ký giao dịch nhưng không quá 1,5 tỷ đồng (đối với cá nhân) nếu giao dịch có giá từ 10 tỷ đồng trở lên.

Với lượng đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC của ông Quyết, theo giá thị trường là hơn 3.700 tỷ đồng (tính giá chốt phiên 10/01). Như vậy, nếu 175 triệu cổ phiếu hoàn tất bán và bị UBCKNN xử phạt, khoản tiền tối đa ông Quyết bị phạt trong hành vi này chỉ là 1,5 tỷ đồng.

Trong nhiều năm qua, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm công bố thông tin trên thị trường nhưng mới chỉ dừng ở mức độ xử phạt hành chính. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi về sức nặng của tính răn đe. 

Theo ông Nguyễn Thế Minh, các vi phạm hành chính vẫn áp dụng chế tài xử phạt còn nhẹ nên nhiều cổ đông lớn sẵn sàng đánh đổi chi phí họ bỏ ra ứng phạt và lợi nhuận thu về. Ông Minh cho rằng cần phải nâng mức phạt cho hành vi không công bố thôn tin dự kiến giao dịch và không nên giới hạn mức tiền phạt là 1,5 tỷ đồng - mức nhỏ so với những phiên giao dịch thu về hàng nghìn tỷ đồng, gây ảnh hưởng đến thị trường. 

Ông Minh cho rằng mức xử phạt còn nhẹ sẽ khiến những sai phạm này có nhiều khả năng lặp lại trong tương lai. "Vì vậy, nhà đầu tư chỉ nên mua cổ phiếu của những doanh nghiệp có hoạt động minh bạch" - ông Minh cho hay. 

Tài chính - Ngân hàng - Rủi ro thị trường chứng khoán nhìn từ vụ ông Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu 'chui' (Hình 3).

Ông Minh cho rằng chế tài xử phạt liên quan đến giao dịch "chui" vẫn còn nhẹ sẽ khiến các vi phạm tiếp tục lặp lại trong tương lai.

Giám Đốc phân tích Chứng khoán Yuanta cũng chỉ ra 3 thước đo cơ bản để đánh giá sự minh bạch của một doanh nghiệp. Thứ nhất, ông Minh cho rằng nhà đầu tư phải xem xét hoạt động công tác quan hệ nhà đầu tư của doanh nghiệp. "Doanh nghiệp uy tín sẽ đăng tải, cập nhật các hoạt động của công ty đầy đủ. Ví dụ, cổ phiếu rổ VN30 là nhóm có hoạt động quan hệ nhà đầu tư tốt" - ông Minh cho biết.

Thứ hai, theo ông Minh, nhà đầu tư cần chú ý đến các hoạt động giao dịch nội gián của doanh nghiệp, cần cân nhắc liệu các cổ đông lớn có có từng giao dịch "chui" và bị UBCKNN xử phạt không.

Thứ ba, ông Minh cho biết nhiều doanh nghiệp sẽ có những thông tin về ước tính kết quả kinh doanh sau mỗi quý, năm. "Cần so sánh xem liệu có chênh lệch lớn giữa kết quả ước tính của công ty và sau kiểm toán. Đã có nhiều doanh nghiệp báo lãi nhưng sau kiểm toán lại xoay chiều thành lỗ. Số liệu không minh bạch sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư" - ông Minh nhấn mạnh.