Kỳ 3: “Mê hồn trận” thẩm mỹ viện: Quảng cáo thổi phồng, có dấu hiệu trốn thuế?

18/07/2023 18:25

Viện Thẩm Mỹ Sline Korea, Viện Thẩm Mỹ Quốc Tế Số 1 Hà Nội - Kaengnam Internationnal Clinic, Thẩm Mỹ Viện GangNam S+ đều có số tài khoản cá nhân cùng chung một tên.

Thế nào là trốn thuế, gian lận thuế?

Như Người Đưa Tin đã phản ánh, thời gian gần đây, nhắm vào nhu cầu giảm mỡ thừa không cần ăn kiêng, không cần tập luyện…, trên mạng xã hội facebook nhiều fanpage của các thẩm mỹ viện đã tung hình ảnh, clip giảm mỡ với lời quảng cáo có cánh “kiến tạo vòng eo con kiến”.

Theo đó, tại các thẩm mỹ viện: Viện Thẩm Mỹ Sline Korea (Số 269 Trần Quốc Hoàn, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy), Thẩm Mỹ Viện GangNam S+ ((51 Trung Hoà, Yên Hoà, Cầu Giấy), Viện Thẩm Mỹ Quốc Tế Số 1 Hà Nội - Kaengnam Internationnal Clinic ((206A- Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Cầu Giấy) đều tung chiêu quảng cáo giảm béo với các công nghệ đến từ Hoa Kỳ giá chỉ từ 499.000 đồng cùng với đó là những lời tư vấn khẳng định chắc nịch của nhân viên không giảm được “sẽ hoàn lại tiền”, "cam kết giảm 7-12cm..."...

Ngoài ra, ghi nhận của Người Đưa Tin, tại 3 cơ sở thẩm mỹ viện: Viện Thẩm Mỹ Sline Korea; thẩm Mỹ Viện GangNam S+; viện Thẩm Mỹ Quốc Tế Số 1 Hà Nội - Kaengnam Internationnal Clinic đều yêu cầu khách hàng chuyển khoản vào số tài khoản cá nhân (khác ngân hàng-PV) nhưng cùng chung một tên "Tran Tuyet Le". 

Cũng theo tìm hiểu của PV, các thẩm mỹ viện này thường nhận chuyển khoản cá nhân, khi khách hàng yêu cầu xuất hóa đơn thì nhân viên nói đơn vị không xuất hóa đơn. Điều này đặt ra một nghi vấn liệu đây có phải là hành vi trốn thuế (?!).

Hồ sơ điều tra - Kỳ 3: “Mê hồn trận” thẩm mỹ viện: Quảng cáo thổi phồng, có dấu hiệu trốn thuế? (Hình 2).

Viện Thẩm Mỹ Sline Korea, Viện Thẩm Mỹ Quốc Tế Số 1 Hà Nội - Kaengnam Internationnal Clinic, Thẩm Mỹ Viện GangNam S+ đều có số tài khoản cá nhân cùng chung một tên "Tran Tuyet Le" để khách hàng chuyển khoản vào.

Vậy, thế nào là hành vi trốn thuế?, trả lời về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn luật sư Tp. Hà Nội cho biết, lỗi không xuất hóa đơn đầu ra là một trong những lỗi vi phạm điển hình hành chính về hóa đơn, thuế của một số doanh nghiệp.

“Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn và giao hóa đơn cho người mua. Tuy nhiên như các thẩm mỹ viện thường không xuất hóa đơn mà thường nhận chuyển khoản cá nhân. Hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Hành vi không xuất hóa đơn đầu ra khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có thể bị liệt kê vào hành vi trốn thuế, gian lận thuế”, LS. Tuấn nói.

Cũng theo LS. Tuấn, trốn thuế được hiểu là hành vi không nộp thuế cho Nhà nước theo quy định về quản lý thuế của Nhà nước. Thủ đoạn trốn thuế được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: Không làm sổ sách ghi chép đầy đủ, không kê khai đúng số lượng hàng, tiền để làm cơ sở tính thuế, sửa chữa, làm sai lệch sổ sách, sử dụng hóa đơn, chứng từ giả để trốn thuế, đăng ký kê khai gian dối…Cụ thể, hành vi trốn thuế là thực hiện một trong các hành vi được quy định tại Khoản 1 Điều 200 Bộ Luật Hình sự 2015.

Những lỗ hổng trong công tác quản lý

Trước thực tế nhiều thẩm mỹ viện tung chiêu quảng cáo, LS. Tuấn cho rằng, các thẩm mỹ viện cạnh tranh nhau và đưa ra các chiêu thức quảng cáo như giảm béo nhanh, giảm mỡ siêu tốc trong vòng một lần,… nhằm thổi phồng sự thật, giá trị nhằm thu hút khách hàng.

Tuy nhiên, hành vi sử dụng clip giảm béo không đúng sự thật là vi phạm quy định về quảng cáo. Theo quy định Luật quảng cáo năm 2012 thì hành vi quảng cáo sai sự thật  là hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật. Cụ thể khoản 9, Điều 8 của luật này quy định các hành vi bị cấm gồm: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.”

Theo quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018 quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm gồm: “Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác” là hành vi lôi kéo khách hàng bất chính.

Như vậy, hành vi quảng cáo sai sự thật là hành vi bị cấm, một khi đã thỏa mãn các yếu tố được quy định trong Luật Quảng cáo và Luật Cạnh tranh năm 2018.

Hồ sơ điều tra - Kỳ 3: “Mê hồn trận” thẩm mỹ viện: Quảng cáo thổi phồng, có dấu hiệu trốn thuế? (Hình 3).

Theo LS. Nguyễn Văn Tuấn hành vi sử dụng clip giảm béo không đúng sự thật là vi phạm quy định về quảng cáo.

Mặt khác, hành vi sử dụng những hình ảnh, clip không đúng sự thật để câu khách hàng sử dụng dịch vụ có thể bị xem xét điều tra dấu hiệu của tội lừa dối khách hàng theo quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự 2015 (Sửa đổi bổ sung năm 2017).

Trong trường hợp phát hiện các đơn vị thẩm mỹ viện có hành vi thổi phồng sự thật, quảng cáo không đúng sự thật để lôi kéo khách hàng thông qua đơn trình báo của người dân hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan chức năng có quyền thanh tra, kiểm tra để làm rõ sự việc trên, đồng thời có những chế tài xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật.

Cũng theo vị luật sư này, hiện nay, nhiều cơ sở thẩm mỹ viện, spa hoạt động kinh doanh khi không có giấy phép kinh doanh hoặc sử dụng các sản phẩm, công cụ làm đẹp không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo về chất lượng. Sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng chưa được cấp phép, nhân viên không được đào tạo và không có chứng chỉ hành nghề,… Đã có không ít người cả tin vào những chiêu quảng cáo của các dịch vụ làm đẹp, không tìm hiểu về các cơ sở thẩm mỹ khiến “tiền mất, tật mang”.

Thực trạng này đã nói lên những lỗ hổng trong công tác quản lý và cần phải siết chặt công tác quản lý này hơn. Đồng thời, cần phải có những chế tài xử lý mạnh những hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh loại hình dịch vụ này.

"Các cơ quan chức năng cũng như cá nhân có thẩm quyền cần phải tăng cường kiểm tra xử phạt, chấn chỉnh. Tổ chức rà soát, kiểm tra các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ; xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân cố tình vi phạm pháp luật", LS. Tuấn nhấn mạnh. 

Để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra LS. Tuấn cho rằng công tác quản lý Nhà nước cần phải được siết chặt. Việc kiểm tra, phát hiện những cơ sở thẩm mỹ viện không đạt tiêu chuẩn, yêu cầu cần phải thực hiện chặt chẽ ở các địa phương.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, rà soát việc quảng cáo của các cơ sở làm đẹp cũng cần phải được tăng cường, nhằm loại bỏ dạng quảng cáo “thổi phồng”, vượt quá phạm vi cho phép.

Hồ sơ điều tra - Kỳ 3: “Mê hồn trận” thẩm mỹ viện: Quảng cáo thổi phồng, có dấu hiệu trốn thuế? (Hình 4).

Một thiết bị giảm béo được sử dụng tại Thẩm Mỹ Viện GangNam S+.

Cũng theo Luật sư Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang (đoàn Luật sư Tp.Hà Nội), cần xem xét các cơ sở thẩm mỹ viện có được đăng ký hành nghề đúng hay không. Trong đăng ký hành nghề có được phép thực hiện dịch vụ giảm béo hay không?

Hiện nay, rất nhiều nghệ sĩ quảng cáo các loại, các quảng cáo thường quảng cáo vống. “Tất cả các cơ sở thẩm mỹ hiện nay đều quảng cáo vống, sai sự thật gây hậu quả khá nghiêm trọng cho nhiều người”, ông Vinh nói.

Nếu quảng cáo gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng thì người tiêu dùng đứng ra trình báo cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc thanh kiểm tra, nếu vi phạm tùy mức độ vi phạm có thể đình chỉ giấy phép hoặc tước giấy phép. Còn vi phạm ở mức độ nghiêm trọng hơn thì xử lý hình sự theo đúng quy định.

Có thể thấy, hầu hết các cơ sở thẩm mỹ quảng cáo đều nhằm một mục đích là câu khách. “Quảng cáo quá mức để lôi kéo khách hàng thì đó là lừa dối khách hàng”, ông Vinh nói và cho rằng từ các hành vi này, cơ quan chức năng có thể xem xét điều tra dấu hiệu của tội lừa dối khách hàng theo Bộ luật Hình sự.

Trao đổi thêm với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng phòng Quản lý hành nghề Y dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) khẳng định các thiết bị giảm béo tại các thẩm mỹ viện như tần sóng, RF… Sở Y tế không cấp phép.

Theo ông Trung, thiết bị trong danh mục trang thiết bị y tế thì bắt buộc phải ở cơ sở khám bệnh chữa bệnh.

“Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không phải là cơ sở khám bệnh chữa bệnh, nên Sở Y tế không cấp phép, mọi dịch vụ trong đó Sở Y tế không cấp phép, Sở cũng không cấp phép cho bác sĩ nào ngồi làm ở các cơ sở thẩm mỹ. UBND quận, huyện sẽ kiểm tra, xác định cơ sở đó có khám chữa bệnh khi không được cấp phép hay không”, ông Trung cho hay.

Quỳnh Anh
Bạn đang đọc bài viết "Kỳ 3: “Mê hồn trận” thẩm mỹ viện: Quảng cáo thổi phồng, có dấu hiệu trốn thuế?" tại chuyên mục Y tế. Thông tin liên hệ hotline: 0903.636.778 ; Email: toasoan.arttimes@gmail.com