Kon Tum: Khách hàng lo lắng khi mua tài sản đấu giá nhưng không có đường đi

17/07/2022 23:37

Trong phiên đấu giá, một khách hàng mua trúng tài sản đấu giá với số tiền hơn 12 tỷ đồng. Thế nhưng, khách hàng này vô cùng hoang mang khi hay tin không có đường đi vào tài sản này.

Mua tài sản đấu gia nhưng không có đường vào

Theo ghi nhận của PV, vào ngày 15/7, Công ty đấu giá Hợp danh Gia Lai Kon Tum (địa chỉ 444 Trần Phú, P.Quang Trung, Tp.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) tổ chức phiên đấu giá, người có tài sản đấu giá là Cục thi hành án Dân sự tỉnh Kon Tum. 
Tài sản đấu giá gồm 2 tài sản, nằm tại 6 thửa đất thuộc tờ bản đồ số 4, địa chỉ tiểu khu 305, 308, thôn Tu Dốp 2, xã Pô Kô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.

Tài sản 1: Vườn cây cao su diện tích 89,69 héc ta (giá khởi điểm là 10.951.668.000 đồng).

Tài sản 2 gồm: Khu nhà điều hành và các công trình phụ trợ xây dựng diện tích là 0,95 héc ta (giá khởi điểm là 552.340.874 đồng).

Tổng giá khởi điểm của 2 tài sản là 11.504.008.874 đồng.

Tại buổi đấu giá, theo đấu giá viên của Công ty đấu giá Hợp danh Gia Lai Kon Tum, tổng cộng có 8 hồ sơ hợp lệ (tương đương 8 khách hàng có mặt tham gia phiên đấu giá). 

Sau khi đấu giá viên phổ biến quy chế đấu giá nhiều khách hàng thắc mắc, người trúng đấu giá phải nộp đủ số tiền trúng đấu giá trong thời hạn 30 ngày (không được gia hạn thêm). 

anh-1a-1658075741.jpg
Phiên đấu giá tại Công ty đấu giá Hợp danh Gia Lai Kon Tum

Trong khi đó, chưa biết rõ ngày tháng nào được nhận bàn giao tài sản trúng đấu giá như thế là bất hợp lý. Bởi theo hầu hết khách hàng tham gia đấu giá khi nào giao tài sản thì khi đó người mua giao tiền mới hợp lý. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng cũng bức xúc bởi khi người mua trúng đấu giá tài sản là vườn cây cao su nhưng không có lối đi vào rất là vô lý.

Trả lời về vấn đề này, đấu giá viên lý giải, theo luật quy định, khi người người trúng đấu giá nộp đủ tiền thì khi đó, thi hành án mới thành lập hội đồng, phương án giao tài sản. Theo luật cũng quy định, thời gian giao tài sản là 30 ngày, trường hợp khó khăn, phức tạp là 60 ngày, kể từ ngày người trúng đấu gia nộp đủ tiền.

Tại phiên đấu giá, anh Trần Văn L. (khách hàng) bức xúc: “Mua trúng tài sản đấu giá nhưng không có đường vào, ai đâu bỏ ra hơn 10 tỷ đồng để làm gì. Một vấn đề hết sức vô lý ở chỗ, con đường đi vào tài sản ở đây là vườn cây cao su là đường dân sinh, tài sản của nhà nước.  Như vậy, tại sao thi hành án lại yêu cầu người mua trúng đấu giá phải đi thương lượng với người bị thi hành án tài sản thật là vô lý”. 
“Dù vậy, cá nhân tôi có nhu cầu mua tài sản đã trực tiếp gặp người có tài sản bị thi hành đưa ra mức giá thương lượng là 5 tỷ đồng nhưng họ không chấp nhận. Trong khi đó, tổng 2 tài sản đấu giá, giá khởi điểm gần 12 tỷ đồng. Trường hợp họ nhất quyết không đồng ý thương lượng về đường đi, vậy người mua trúng đấu giá phải làm thế nào, và cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm về vấn đề này”.

Thách thức cơ quan chức năng 

Trả lời về vấn đề này, ông Thái Văn Thiện, chấp hành viên Cục thi hành án Dân sự tỉnh Kon Tum khẳng định: “Tuyến đường đang xảy ra tranh chấp, thực chất là người dân hiến đất, còn Công ty Rạng Minh bỏ chi phí để làm, phân cấp quản lý là xã Pô Kô. Trước mắt người nào mua trúng đấu giá thì làm đơn khởi kiện. Bởi thi hành án cũng không biết khi nào mới có thể giao được tài sản cho người trúng đấu giá”.

Anh Lê Văn B. (khách hàng) bức xúc: “Cơ quan thi hành án đã khẳng định tuyến đường đang xảy ra tranh chấp là tuyến đường của nhà nước, thuộc phân cấp quản lý của xã. Như vậy, phía Công ty Rạng Minh muốn chiếm hữu con đường là không đúng quy định pháp luật”.

Trao đổi với PV, ông Cao Minh Hoàng Tùng, Cục trưởng thi hành án Dân sự tỉnh Kon Tum khẳng định: “Về con đường đang xảy ra tranh chấp, cái này tôi cũng biết. Người dân ở đó cũng biết là đường của nhà nước, xã đang quản lý nhưng Công ty Rạng Minh cứ ngang ngược như thế. Bên thi hành án đã nhiều lần đề xuất lực lượng công an đi cưỡng chế nhưng họ không hợp tác”.

Theo ông Tùng, người trúng đấu giá sau này cứ sử dụng con đường như bình thường, nếu xảy ra tranh chấp thì làm đơn khiếu nại. Tòa án sẽ trung dụng các cơ quan chuyên môn, lúc đó đường của ai sẽ rõ. Bên cạnh đó, đường dân hiến đất đã rõ, các cơ quan chuyên môn, tư vấn thiết kế sẽ thẩm định chi phí con đường, hết bao nhiêu, các đơn vị, công ty có trụ sở đang lưu thông trên con đường này và cả người trúng đấu giá sẽ đóng góp kinh phí trả tiền làm đường cho Công ty Rạng Minh.

Kết thúc phiên đấu giá, ông N. (khách hàng) trúng đấu giá 2 tài sản đấu giá ngao ngán: “Tôi bỏ ra hơn 12 tỷ đồng mua trúng tài sản đấu giá, giờ không có đường vào rất lo lắng. Theo dõi toàn bộ quá trình phiên đấu giá, nghe phản hồi từ công ty đấu giá, Cục thi hành án Dân sự tỉnh Kon Tum đều khẳng định tuyến đường đang tranh chấp là đường của nhà nước, người dân sử dụng chung. Do đó, tôi phần nào an tâm, tin tưởng vào pháp luật. Mong rằng các cơ quan ban ngành của tỉnh Kon Tum sớm vào cuộc để tôi sớm nhận được tài sản”. 

HỒ NAM
Bạn đang đọc bài viết "Kon Tum: Khách hàng lo lắng khi mua tài sản đấu giá nhưng không có đường đi" tại chuyên mục Xã hội. Thông tin liên hệ hotline: 0903.636.778 ; Email: toasoan.arttimes@gmail.com