Theo thông tin PV tìm hiểu, tại Văn bản số (34/2022/TBĐG-GLKT) ngày 8/6, Công ty đấu giá Hợp Danh Gia Lai Kon Tum (địa chỉ 444 Trần Phú, Phường Quang Trung, Tp.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) thông báo bán đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá là Cục thi hành án Dân sự tỉnh Kon Tum.
Tài sản đấu giá gồm 2 tài sản, nằm tại 6 thửa đất thuộc tờ bản đồ số 4 địa chỉ tiểu khu 305,308 thôn Tu Dốp 2, xã Pô Kô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.
Tài sản 1: Vườn cây cao su diện tích 89,69 héc ta (giá khởi điểm là 10.951.668.000 đồng).
Tài sản 2 gồm: Khu nhà điều hành và các công trình phụ trợ xây dựng diện tích là 0,95 héc ta (giá khởi điểm là 552.340.874 đồng).
Tổng giá khởi điểm của 2 tài sản là 11.504.008.874 đồng.
Sau khi Công ty đấu giá Hợp Danh Gia Lai Kon Tum phát đi thông báo đấu giá tài sản, nhiều khách hàng có nhu cầu đã tìm đến công ty này để mua hồ sơ, làm thủ tục tham gia buổi đấu giá. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu hồ sơ nhiều khách hàng tỏ ra bức xúc, bởi công ty đưa ra nhiều quy định bất hợp lý, nhằm làm khó khách mua.
Trao đổi với PV, anh Trần Văn H. (ngụ Tp.Pleiku, tỉnh Gia Lai) bức xúc cho biết: “Sau khi nắm được thông báo về việc bán đấu giá tài sản, tôi cũng có nhu cầu nên tìm đến công ty để mua hồ sơ tham gia đấu giá. Tuy nhiên, trong bảng thông báo công ty đưa ra nhiều điều khoản bất hợp lý, không đúng quy định đấu giá, cố tình làm khó khách theo kiểu “rao bán nhưng không muốn ai mua được”.
Theo anh H., công ty bán đấu giá tài sản 1 (vườn cây cao su) nhưng không có đường để đi vào vườn cây. Người mua được tài sản trúng đấu giá phải tự đi thỏa thuận với người có tài sản bị đấu giá về lối đi vào vườn cây.
Anh H bức xúc: “Công ty họ làm như thế chẳng khác nào làm khó, đánh đố khách mua. Bởi đơn giản như việc một người nào đó rao bán đất, bán nhà mà không có đường vào thì thử hỏi có ai dám bỏ ra vài chục tỷ đồng để mua. Phía công ty yêu cầu người mua trúng đấu giá phải đi thương lượng với người có tài sản bị đấu giá thật vô lý”.
PV trên cương vị môt khách hàng, đến trụ sở Công ty đấu giá Hợp Danh Gia Lai Kon Tum mua hồ sơ tham gia phiên đấu giá.
Theo ghi nhận của PV, khách hàng khi có nhu cầu tham gia mua một bộ hồ sơ giá 500 nghìn đồng/ bộ. Sau khi mua được hồ sơ các nhân viên tại đây hướng dẫn khách hàng điền thông tin, thủ tục cần thiết. Sau đó, điền vào một phiếu trả giá , mức giá do cá nhân tự đưa ra cho vào bì thư, ký niêm phong, dán băng keo nộp lại cho phía công ty.
Tại đây, trao đổi với PV anh N. một khách hàng tham gia đấu giá cho biết: “Tôi từng tham gia rất nhiều cuộc đấu giá có chút hiểu biết về luận, lần này tôi cũng đồng tình với phàn nàn của những khách hàng khác. Bởi Công ty bán đấu giá vườn cây không có đường vào thì làm khó cho người mua. Người mua được vườn cây phải đi thương lượng với bị bán thì thật vô lý.
Hơn nữa, đường đi vào vườn cây cao su là con đường người dân sinh sống tại khu vực này đã hiến đất, phía người có tài sản bị thi hành án là Công ty Rạng Minh chỉ san ủi, mở rộng ra. Do đó, đây là tuyến đường dân sinh, không phải của riêng cá nhân nào cả”.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Tuyết Trâm, Phó Giám đốc Công ty đấu giá Hợp Danh Gia Lai cho biết: “Công ty chỉ là đơn vị đứng ra thực hiện việc bán đấu giá tài sản. Mọi vấn đề liên quan PV liên hệ với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum”.
Liên quan đến vấn đề nhiều khác hàng bức xúc, trao đổi với PV, ông Thái Văn Thiện, Chấp hành viên Cục Thi hành án dân dự tỉnh Kon Tum cho biết: “2 tài sản chuẩn bị đưa ra bán đấu giá là của Công ty cổ phần Rạng Minh. Theo bản án của tòa, Công ty Rạng Minh nợ ngân hàng cả lãi cả gốc hơn 20 tỷ đồng, quá trình kê biên tài sản chỉ gồm vườn cây cao su và khu nhà điều hành”.
Theo ông Thiện, nếu đường riêng của Công ty Rạng Minh thì phía ngân hàng đã kê biên lâu rồi. Trước đây, cơ quan thi hành án đã bán được tài sản nhưng khi giao tài sản cho người mua thì Công ty Rạng Minh cho người ra chặn đường không hợp tác.
Trao đổi với PV, ông Cao Minh Hoàng Tùng, Cục trưởng Cục Thi hành án tỉnh Kon Tum cho biết, vấn đề nhiều khách hàng tham gia đấu giá đang thắc mắc về việc mua được tài sản đấu giá nhưng không có đường để vào mà phải thương lượng với bên Công ty Rạng Minh về lối đi.
Ông Tùng khẳng định: “Tuyến đường là người dân địa phương hiến đất, Công ty Rạng Minh chỉ bỏ chi phí để làm. Do đó, không thuộc sở hữu một cá nhân nào cả, hiện con đường này được giao cho xã quản lý. Khi bán thanh lý tài sản bên phía Công ty Rạng Minh đứng ra chống đối. Cơ quan thi hành án đã nhiều lần đề xuất Công an tỉnh cưỡng chế nhưng họ không cho lực lượng đi”.
Theo ông Tùng để giải quyết vấn đề này, trong các cuộc họp các ban ngành thống nhất phải thẩm định, đánh chi phí làm con đường hết bao nhiêu từ đó sẽ có phương án phù phợp. Thế nhưng, khi triển khai việc thực hiện thẩm định cơ quan thi hành án mời nhưng từ cấp xã, phòng kinh tế hạ tầng, UBND huyện không có cơ quan nào hợp tác”.
“Trước mắt, trong buổi đấu giá ngày 15/7 nếu khách hàng nào mua trúng đấu giá tài sản không có đường đi làm đơn khởi kiện. Lúc đó, tòa án sẽ căn cứ chứng cứ, tài liệu các cơ quan ban ngành xem xét tuyến đường thuộc sở hữu của cá nhân, hay cơ quan tập thể để giải quyết quyền lợi chính đáng của người mua trúng đấu giá”, ông Tùng nói.