Cụ thể, trong thời gian vừa qua, tại đường link: https://quaythuoc.org/lehutra-curcumin-ho-tro-dieu-tri-day-hoi-o-chua-hieu-qua.html đã quảng cáo Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lehutra-Curcumin với nội dung gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lehutra-Curcumin do Công ty TNHH Dược Phẩm LEHUTRA, địa chỉ trụ sở chính: tổ dân phố Trại, phường Dị Sử, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm.
Tại buổi làm việc ngày 24/11/2023, Người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Dược Phẩm LEHUTRA là Ông Nguyễn Trọng Hòa khẳng định: Công ty không thực hiện và Công ty không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện quảng cáo Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lehutra-Curcumin tại đường link nêu trên.
Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo về sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lehutra-Curcumin trên đường link nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Tìm kiếm thêm thông tin về sản phẩm Lehutra-Curcumin, phóng viên ghi nhận sản phẩm này cũng đang được quảng cáo tại website, đường link: https://santhuoc.net/san-pham/lehutra-curcumin-ho-tro-dieu-tri-day-hoi-o-chua-hieu-qua.html với nội dung gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh.
Website http;//santhuoc.net cũng đang quảng cáo TPBVSK Lehutra-Curcumin gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh. (Ảnh chụp màn hình).
Theo tìm hiểu, TPBVSK Lehutra-Curcumin được địa chỉ trên quảng cáo là "hỗ trợ điều trị các triệu chứng rối loạn tiêu hóa: ợ chua, ợ hơi; hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng", "giúp bệnh nhân mau chóng hồi phục thể trạng sau điều trị".
Theo quy định tại Điều 20 Luật Quảng cáo 2012 quy định điều kiện quảng cáo mỹ phẩm như sau: Quảng cáo mỹ phẩm phải có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế.
Cùng với đó, Điều 4 Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với các tài liệu như: Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về dược; Tài liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả của mỹ phẩm và tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của hiệp hội quốc tế (cụ thể là theo Hiệp định về hệ thống hòa hợp ASEAN trong quản lý mỹ phẩm).
Theo Hiệp định về hệ thống hòa hợp ASEAN trong quản lý mỹ phẩm có hướng dẫn về cách nêu công dụng của mỹ phẩm, rằng: “Nguyên tắc chung là sản phẩm mỹ phẩm chỉ được nêu những công dụng có lợi như một mỹ phẩm, chứ không phải là công dụng có lợi về y học hay điều trị”.
Tại Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm, cùng với hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm cũng quy định rất rõ, rằng: mỹ phẩm là một chất hoặc chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông - tóc, móng, môi) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt. Mỹ phẩm không có tác dụng chữa bệnh hoặc thay thế thuốc chữa bệnh và không được phép kê đơn cho người bệnh. Và những từ ngữ như: đặc trị, điều trị, trị mụn, trị nám, chữa khỏi, làm lành mụn; ngăn chặn, làm giảm hoặc làm đảo ngược những thay đổi sinh lý và sự thoái hóa do tuổi tác; giảm/kiểm soát sự sưng tấy phù nề; loại bỏ/giảm mỡ/giảm béo; diệt nấm; diệt virus; kích thích,… không được chấp nhận dùng trong quảng cáo mỹ phẩm.