Ban quản lý vịnh Nha Trang nói nguyên nhân chính là do thiên tai
Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang (trước đây có tên gọi là Khu bảo tồn biển Hòn Mun) được thành lập năm 2001, có diện tích khoảng 160 km2, bao gồm khoảng 38 km2 mặt đất và khoảng 122 km2 vùng nước xung quanh 9 đảo: Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Cau, Hòn Vung, Hòn Rơm và Hòn Ngọc.
Nơi đây có hệ sinh thái đa dạng từ san hô, thảm cỏ biển, cho tới rừng ngập mặn, vùng đáy mềm hoặc vách đá, trong đó san hô cứng được ghi nhận tập trung nhiều ở Hòn Mun. Ngoài san hô, khu bảo tồn còn có nhiều loài cá rạn, thân mềm, giáp xác, da gai, rong và cỏ biển…
Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều người dân và du khách tỏ ra bất ngờ khi tham gia các tour lặn biển tại vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vì những rạn san hô đẹp hút hồn ngày nào ở khu bảo tồn biển hiện nay trong tình trạng tan hoang, xơ xác.
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện bài viết “Vì sao khu bảo tồn biển Hòn Mun xác xơ?” của tài khoản N.S. Bài viết nói về tình trạng thực trạng rạn san hô ở Khu bảo tồn biển trong vịnh Nha Trang bị tàn phá nghiêm trọng. Theo bài viết thì dưới đáy biển tan hoang, xơ xác và không còn những đàn cá, không còn nhiều san hô, hải quỳ, các loài sinh vật biển.
Chủ tài khoản cũng đặt câu hỏi “Mình không hiểu, Ban quản lý khu bảo tồn biển Hòn Mun làm gì để giờ biển xơ xác đến vậy?”.
Trao đổi với PV, ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang thừa nhận có tình trạng san hô chết hàng loạt xảy ra ở các đảo trong vịnh Nha Trang chứ không riêng gì khu vực Hòn Mun.
Về góc độ ban quản lý, ông Thái cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến san hô chết ở vịnh Nha Trang, trong đó chủ yếu là do thiên tai. Cụ thể là cơn bão số 12 vào cuối năm 2017 và bão số 9 năm 2021.
“Sau cơn bão số 12 năm 2017, các rạn san hô có dấu hiệu phục hồi tốt. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, cơn bão số 9 đã đánh bay san hô lên bờ. Không chỉ nằm chết ở dưới biển mà san hô còn bị đánh bay lên bờ thành một bãi san hô chết trắng. Các rạn san hô ở các đảo trong toàn vịnh Nha Trang bị bão số 9 làm hư hại. Trong đó, các rạn san hô ở mặt phía Tây bị bão số 9 làm hư hại nhiều hơn phía Đông” – ông Thái nói.
Bên cạnh đó, hiện tượng san hô chết còn do ảnh hưởng của một số loài địch hại san hô là sao biển gai. Năm 2020, 2021 loài này phát triển nhiều. Ban quản lý vịnh cũng phối hợp với các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động du lịch trong vịnh thường xuyên tổ chức nhặt rác, bắt sao biển gai. Nhờ đó, sự tàn phá san hô do sao biển gai rất ít xảy ra.
“Về mặt quản lý tài nguyên và các nguyên nhân khác do con người tác động cũng ảnh hưởng ít nhiều đến san hô. Tuy nhiên, đa phần là do thiên tai gây ra” – ông Thái cho biết.
Còn về hình ảnh tàu cá đánh bắt trong Khu bảo tồn biển, ông Thái cho hay hình ảnh này đã được một đơn vị lặn chụp lại và gửi cho ban quản lý vào khoảng tháng 5/2022. Sau đó, Ban quản lý vịnh đã lập biên bản xử phạt hành chính và đề nghị cấp trên ra quyết định xử phạt. Lúc này, lực lượng tuần tra của vịnh đã phát hiện và di chuyển tới để xử lý nhưng do góc chụp đã gây hiểu nhầm cho người xem.
Đối với vấn đề liên quan đến lời đồn “bán bãi, đánh bắt tận diệt”, ông Thái khẳng định đơn vị luôn cương quyết xử lý triệt để tất cả các hành vi không được phép thực hiện trong khu bảo tồn biển.
“Mức xử phạt khi khai thác ở khu bảo tồn thiên nhiên rất cao (hơn 100 triệu đồng), người dân khó có thể đóng phạt. Với mức phạt đầy tính răn đe này, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền pháp luật cho bà con biết không được đánh bắt trong vùng cấm”, ông Thái nói.
Lãnh đạo Ban quản lý vịnh Nha Trang cũng cho biết sẽ làm việc với chủ tài khoản N.S. trong thời gian tới vì bài viết có nhiều thông tin tiêu cực, khiến người đọc hiểu lầm do công tác bảo tồn chứ không phải do thiên nhiên. Hình ảnh trong bài viết không phải của chủ tài khoản mà sử dụng hình ảnh từ một đơn vị lặn.
Các giải pháp để bảo vệ rạn san hô
Trong công tác bảo vệ khu bảo tồn biển, ông Thái cho biết Ban quản lý vịnh tổ chức tuần tra 24/24 và xử lý các trường hợp vi phạm. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng tuần tra nhiều lần phải đối đầu với sự manh động, liều lĩnh của một số ngư dân cố tình đánh bắt trong vùng cấm.
Mới nhất, cách đây vài ngày, lực lượng tuần tra đã bị một tàu đánh bắt trái phép dùng cả dao uy hiếp. Hiện nay, ban quản lý chỉ có 1 chiếc tàu tuần tra và có khoảng 6 thành viên làm nhiệm vụ, không được trang bị dụng cụ hỗ trợ. Lực lượng mỏng trong khi diện tích tuần tra lớn với hơn 296 km2 trên toàn vịnh nên nhiều trường hợp vi phạm phải nhờ đến biên phòng, hải đội kết hợp mới xử lý được.
Riêng khu vực Hòn Mun, sắp tới, Ban quản lý vịnh Nha Trang đang có phương án lắp camera quan sát ở toàn bộ nơi đây để quan sát hình ảnh tàu thuyền. Nếu tàu vào khu vực cấm thì Ban quản lý sẽ trích xuất camera để đề nghị lực lượng biên phòng xử phạt, khi không có lực lượng tuần tra tại chỗ.
Đồng thời, quan sát và thường xuyên phối hợp các câu lạc bộ lặn thực hiện lặn đúng vùng biển, không giẫm lên san hô. Đặc biệt là nhờ sự chung tay của các doanh nghiệp khai thác dịch vụ trong vùng tuyên truyền, nâng cao ý thức của khách du lịch để bảo vệ các rạn san hô trong vịnh.
Lãnh đạo UBND Tp.Nha Trang cho biết Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có chỉ đạo về vấn đề này. Ban quản lý vịnh Nha Trang cũng đã có báo cáo, tuy nhiên còn một số nội dung cần làm rõ. Vì vậy, trong tuần tới, thành phố sẽ có cuộc họp về việc này.