Vụ tai nạn liên hoàn tại Hà Đông: Có khởi tố vụ án?

Vào khoảng 20h45 ngày 28/7, một vụ TNGT nghiêm trọng đã xảy ra tại nút giao Ngô Thì Nhậm - Quang Trung. Tại hiện trường, 1 phụ nữ tử vong, 5 người khác bị thương.
hien-truong-vu-tai-nan-tai-quan-ha-dong-nguoiduatin-1659176867.jpg
 

Khoảng 20h45 ngày 28/7, tại đường Ngô Thì Nhậm, phường Quang Trung, quận Hà Đông, Tp. Hà Nội đã xảy vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng giữa ô tô Santa Fe mang BKS 30E- 455.34 do Hà Thanh Hưng điều khiển với xe ô tô BKS: 29E-022.83, nhãn hiệu: Hyundai i10.

Vụ tai nạn đã khiến một người phụ nữ tử vong tại chỗ là, 5 người bị thương được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Thiệt hại tài sản gồm 4 xe ô tô, 5 xe mô tô và một xe máy điện bị hư hỏng.

Nhằm đưa tới bạn đọc các thông tin khách quan về vụ việc này, Người Đưa tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Tùng – Giám đốc Công ty Luật TNHH ICC Việt Nam.

Theo đánh giá của luật sư Tùng với vụ việc trên, Cơ quan điều tra cần xác minh, làm rõ một số nội dung liên quan đến người điều khiển phương tiện gây tai nạn như: Có giấy phép lái xe theo quy định hay không, có sử dụng rượu, bia hoặc chất ma túy, chất kích thích mạnh khác khi điều khiển phương tiện hay không.

Quá trình điều khiển phương tiện có hành vi vi phạm quy định nào của luật Giao thông đường bộ dẫn đến gây tai nạn không. Trên cơ sở đó mới xác định được trách nhiệm cụ thể của người vi phạm, Luật sư Tùng chia sẻ.

Góc nhìn luật gia - Vụ tai nạn liên hoàn tại Hà Đông: Có khởi tố vụ án?

Luật sư Nguyễn Thanh Tùng – Giám đốc Công ty Luật TNHH ICC Việt Nam

Luật sư Thanh Tùng nhận định, nếu xác định người điều khiển phương tiện có hành vi vi phạm quy định của Luật giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả làm chết 01 người hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì sẽ bị khởi tố về “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Khoản 1 Điều 260 Bộ Luật Hình sự với khung hình phạt là phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Luật sư Tùng phân tích, nếu người điều khiển phương tiện gây tai nạn mà có thêm các tình tiết như: Không có giấy phép lái xe theo quy định; Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; Làm chết 02 người; Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng thì người đó sẽ bị khởi tố về “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Khoản 2 Điều 260 Bộ Luật Hình sự với khung hình phạt từ 03 năm đến 10 năm tù.

Tương tự như vậy, nếu có các tình tiết tăng nặng định khung như: Làm chết 03 người trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên thì người đó sẽ bị khởi tố về “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Khoản 3 Điều 260 Bộ Luật Hình sự với khung hình phạt từ 07 năm đến 15 năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Cùng quan điểm với Luật sư Thanh Tùng, Luật sư Lê Thị Xuân – Giám đốc Công ty TNHH ALBE cho biết, đây là một vụ TNGT nghiêm trọng vì đã làm một người tử vong tại chỗ, 5 người còn lại bị thương khá nặng, chưa kể đến thiệt hại về phương tiện.

Ở một khía cạnh khác, Luật sư Lê Xuân cho biết, các cơ quan chức năng cần xem xét và căn cứ khách quan tại hiện trường xảy ra tai nạn, cũng như lấy lời khai từ nhân chứng có mặt tại thời điểm xảy ra tai nạn, camera của các hộ dân nếu có ghi lại được hình ảnh tai nạn.

Luật sư Lê Xuân phân tích thêm, tình trạng sức khỏe của tài xế gây ra TNGT (xem tài xế có mắc các bệnh liên quan tới thần kinh hay không? Có gây TNGT trong trạng thái bị kích thích hay không?). Ở đây không liên quan đến việc chất kích thích mà là trạng thái cảm xúc và tinh thần, Luật sư Xuân nói.

Vị luật sư này chia sẻ, việc xác minh đối với tài xế gây TNGT xem anh ta có phải là nhân viên của Công ty nào không? Chiếc xe đó thuộc sở hữu của ai cũng là các công việc mà cơ quan chức năng cần tìm hiểu, điều tra thêm.

Về áp dụng hình phạt theo quy định của Pháp luât, Luật sư Xuân thông tin, khi xảy ra TNGT, Luật Giao thông đường bộ có quy định: Điều 38. Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra TNGT.

Nếu vi phạm Luật ATGT dẫn đến thiệt hại về người và của, tại Điều 202, Bộ Luật Hình sự quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó, Luật sư Xuân còn phân tích thêm, nếu vi phạm Luật ATGT dẫn đến gây thiệt hại về người và của thì việc bồi thường căn cứ vào Luật Dân sự 2005, cụ thể:

Áp dụng Điều 589 - 591 (xác định mức độ thiệt hại);

Áp dụng Điều 594 - 597 (Tùy vào từng trường hợp);

Nếu tài xế là nhân viên của một công ty, phương tiện tham gia giao thông là của công ty đi thực hiện nhiệm vụ thì áp dụng Điều 597 Luật Dân sự. 

Đại diện Công an quận Hà Đông thông tin, lời khai ban đầu của Hà Thanh Hưng và các tài liệu, chứng cứ thu thập cho thấy, nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng trên do tài xế đã cố vượt sai quy định, từ đó không làm chủ được tốc độ.

Ngày 29/7, thông tin từ Công an quận Hà Đông, Hà Nội, do điều kiện phương tiện và nạn nhân vụ việc liên quan đến cơ quan quân đội, nên đơn vị này sẽ thu thập, củng cố hồ sơ ban đầu và bàn giao cho Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng để xử lý theo quy định.