Tổ kiểm tra liên ngành vào cuộc
Trao đổi với PV, đại diện Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết, cơ quan này đang triển khai công tác kiểm tra, đánh giá các chung cư trên địa bàn từ giữa tháng 5 đến hết tháng 7/2022.
Công tác kiểm tra sẽ tập trung các nội dung cụ thể như pháp lý đầu tư xây dựng và hoàn thành công trình chung cư; tình hình quản lý, sử dụng chung cư; bảo trì, an toàn phòng cháy chữa cháy; hoạt động của ban quản trị; nghĩa vụ của chủ đầu tư trong quá trình bàn giao, quản lý, vận hành chung cư.
Đối tượng kiểm tra là chủ đầu tư, ban quản trị và các đơn vị vận hành nhà chung cư; chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư và các tổ chức, cá nhân liên quan. Phạm vi kiểm tra là các chung cư được xây dựng từ sau ngày Luật Nhà ở năm 2005 có hiệu lực thi hành.
Thống kê của Sở Xây dựng Tp.HCM cho thấy, Thành phố này có tổng cộng 1.518 nhà chung cư, trong đó chỉ 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, số còn lại đa phần được phê duyệt và xây dựng sau khi Luật Nhà ở năm 2005 và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực.
Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM Trần Hoàng Quân cho biết: “Trước thực trạng tiếp nhận ngày càng nhiều thông tin phản ánh, kiến nghị, tranh chấp liên quan chung cư mà chủ yếu là ở các chung cư được phê duyệt và xây dựng sau khi Luật Nhà ở năm 2005 và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực, Sở Xây dựng kiến nghị UBND Tp.HCM ban hành kế hoạch kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố năm 2022”.
Cũng theo ông Trần Hoàng Quân, việc kiểm tra nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về nhà chung cư trên địa bàn Tp.HCM. Đồng thời, thu thập các thông tin về tình hình quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố nhằm đánh giá thực trạng, xác định các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, vi phạm để kịp thời chấn chỉnh; đề xuất các giải pháp hướng dẫn, khắc phục thiếu sót.
Qua đề xuất, tổ điều hành việc kiểm tra gồm có lãnh đạo Sở Xây dựng, đại diện Sở Tài nguyên – Môi trường, chủ tịch UBND Tp.Thủ Đức và các quận, huyện.
Bức xúc về sổ hồng chiếm đa số
Trước đó, kết quả giám sát của Ban Đô thị, HĐND Tp.HCM trong tháng 3/2022 chỉ ra, tình trạng kiến nghị, tranh chấp tại các chung cư ở Tp.HCM ngày càng phổ biến nhưng lại không được giải quyết triệt để khiến người dân bức xúc kéo dài.
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng Ban Đô thị, HĐND Tp.HCM đánh giá: “Vấn đề nổi cộm, gây bức xúc nhiều nhất trong việc quản lý, sử dụng nhà chung cư là việc cấp sổ hồng cho cư dân. Nhiều nơi cư dân vào ở hơn chục năm nhưng vẫn chưa nhận được sổ hồng dù đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính”.
Bởi lẽ, có tình trạng một số chủ đầu tư không hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đã thế chấp dự án cho các tổ chức tín dụng hoặc đang chịu quyết định của cơ quan thi hành án. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp chủ đầu tư xây dựng sai thiết kế được duyệt, không liên hệ với cơ quan chức năng về việc cấp sổ hồng cho người dân theo quy định.
Liên quan việc nhiều chung cư đã lâu vẫn chưa có sổ hồng, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Tp.HCM cho hay: “Khi tổ chức xây dựng, chủ đầu tư có quyền thế chấp dự án để lấy nguồn vốn xây dựng nhưng phải bảo đảm khi xây dựng xong phải giải chấp ở ngân hàng và nộp hồ sơ cấp sổ hồng”.
Hiện, trên địa bàn Tp.HCM có 60 dự án thế chấp ngân hàng. Sở Tài nguyên – Môi trường đã đề nghị sớm giải chấp để nộp hồ sơ cho cơ quan nhà nước làm thủ tục cấp sổ hồng cho người dân.
Thêm nữa, từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, Tp.HCM có 232 dự án nhà ở và cơ quan chức năng đã cấp sổ hồng cho hơn 71.000 căn hộ. Đặc biệt, Sở Tài nguyên – Môi trường Tp.HCM đã xây dựng kế hoạch đến năm 2023 cấp khoảng 40.000 sổ hồng. Theo đó, từng vấn đề sẽ được cơ quan chức năng tháo gỡ, giải quyết để sớm cấp sổ hồng cho cư dân.