Tp.HCM: Chủ động tăng cường phân tuyến điều trị sốt xuất huyết

Khi tình hình dịch sốt xuất huyết đang khó lường, ngành y tế Tp.HCM đã chủ động các giải pháp cùng với sự hướng dẫn từ cơ quan Trung ương.

Ngày 1/7, trao đổi với PV về công tác phòng chống sốt xuất huyết, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm cho biết, ngành y tế Tp.HCM đã có kế hoạch và triển khai đồng bộ giải pháp thực hiện.

Tuy nhiên, để phòng chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả hơn, HCDC đề nghị người dân phải chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp phòng chống trong bản thân, gia đình và tại nơi sinh sống.

“Việc phòng chống sốt xuất huyết không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng, của từng người dân cũng như các đơn vị, ban ngành”, ông Tâm nhấn mạnh.

Về khả năng thu dung điều trị sốt xuất huyết, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh văn phòng Sở Y tế cho biết, để tránh tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến cuối, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp.HCM sẽ điều trị cho các trường hợp sốt xuất huyết nặng ở người lớn.

Sở này sẽ tăng cường việc phân tuyến điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết cho tất cả các bệnh viện quận huyện, bệnh viện đa khoa.

Ngoài ra, nhằm nâng cao hiệu quả điều trị bệnh sốt xuất huyết, Sở Y tế phối hợp Hội Y học Tp.HCM cùng các bệnh viện đầu ngành tổ chức các lớp tập huấn cập nhật liên tục việc chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết cho các bác sĩ và điều dưỡng.

Sức khỏe - Tp.HCM: Chủ động tăng cường phân tuyến điều trị sốt xuất huyết

Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Tp.HCM.

Ngày 30/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kiểm tra thực tế công tác phòng chống và tình hình điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại địa bàn quận 8 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp.HCM.

Báo cáo với đoàn, ông Hoàng Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Y tế quận 8 cho biết từ đầu năm đến nay, quận 8 có 497 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 89% so với cùng kỳ năm ngoái chỉ có 62 ca.

“Năm nay dịch tới sớm hơn, số ca tăng nhanh, dự báo số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng, bắt buộc có các giải pháp khẩn trương kịp thời” - ông Cường trình bày.

Còn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp.HCM, ông Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp.HCM cho biết, đơn vị đang gặp nhiều khó khăn do quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết.

Bệnh viện này có 550 giường nhưng hiện có hơn 700 bệnh nhân nội trú và một nửa là bệnh nhân sốt xuất huýet. Hiện, nơi đây đang điều trị cho 363 bệnh nhân ở tất cả các khoa, trong đó có gần 50% là bệnh nhân từ tuyến tỉnh chuyển lên. Số giường hồi sức tại Khoa cấp cứu Hồi sức tích cực chống độc người lớn luôn trong tình trạng thiếu trầm trọng.

Ông Dũng nói thêm: “Bệnh viện cũng thiếu một số thuốc do nhập khẩu thuốc bị chậm. Chúng tôi đề xuất các bệnh viện tuyến dưới hạn chế chuyển những bệnh nhân có khả năng điều trị tại chỗ. Đồng thời đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ tiếp nhận một số bệnh lý nặng từ tuyến tỉnh như uốn ván để bệnh viện tập trung tiếp nhận, điều trị bệnh nhân sốc, tái sốc sốt xuất huyết”.

Từ tháng 1/2022, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Tp.HCM đã tiếp nhận khám cho 1.258 ca sốt xuất huyết là người lớn và 399 ca sốt xuất huyết là trẻ em. Số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết ngày càng gia tăng và "bùng phát" vào tháng 5, tháng 6. Đặc biệt, tháng 6/2022 có 3.961 người lớn và 1.464 trẻ em, gấp 4 lần tháng 1.

Khối nội trú cũng gia tăng bệnh nhân sốt xuất huyết, tháng 1 có 216 ca sốt xuất huyết người lớn, 4 ca trẻ em nhưng tới tháng 6/2022 có 1.334 ca sốt xuất huyết người lớn và 298 ca là trẻ em.

Theo báo cáo của Sở Y tế Tp.HCM, từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam đã có 42 ca tử vong do sốt xuất huyết, tăng gấp 7 lần so với năm 2021. Trong đó có 24/42 là trẻ từ 15 tuổi trở xuống.

Phân bố ca mắc sốt xuất huyết theo tỉnh thành cho thấy Tp.HCM có số ca mắc, tử vong cao nhất trong số 20 tỉnh thành khu vực phía Nam.

Tính đến ngày 29/6, Tp.HCM có hơn 20.900 ca mắc sốt xuất huyết tích lũy, tăng 172,5% với cùng kỳ năm 2021. Có 10 ca tử vong do sốt xuất huyết, trong đó huyện Củ Chi (3 ca), huyện Bình Chánh (2 ca), quận Bình Tân (2 ca), huyện Hóc Môn (1 ca), quận 11 (1 ca), Tp.Thủ Đức (1 ca).

Hải Yến