Tp.HCM chủ động giám sát bệnh đậu mùa khỉ từ sân bay đến các cơ sở y tế

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM cho biết, ngành y tế địa phương đã được tập huấn để tăng cường các biện pháp ứng phó và xử lý đối với bệnh đậu mùa khỉ.

Chiều 6/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và phục hồi kinh tế Tp.HCM tổ chức buổi họp báo định kỳ về các thông tin được dư luận quan tâm trên địa bàn, trong đó có vấn đề về tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ.

Bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM (HCDC) cho biết, ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên trên địa bàn được phát hiện cuối tháng 9 khi người này đến khám bệnh vì biểu hiện bệnh lý khác, nhưng được bác sĩ đánh giá có yếu tố nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ.

"Ngay khi có kết quả xét nghiệm bệnh phẩm, người này đã được cách ly. Những trường hợp tiếp xúc gần được lập danh sách, theo dõi và chăm sóc sức khỏe trong 21 ngày", bà Lê Thị Hồng Nga cho hay.

Phó Giám đốc HCDC phân tích thêm, bệnh nhân này đi nước ngoài từ tháng 7 đến cuối tháng 9/2022, nhập viện ngay sau khi về nước và có biểu hiện bệnh lý. Do đó, cơ quan y tế đánh giá, người này bị phơi nhiễm trong thời gian ở nước ngoài.

Thời gian trước khi cách ly, số ca tiếp xúc, mức độ tiếp xúc của người này không nhiều và đã được kiểm soát. Sau 11 ngày kể từ khi cách ly, Tp.HCM chưa ghi nhận thêm ca bệnh đậu mùa khỉ mới từ những người tiếp xúc.

Sự kiện - Tp.HCM chủ động giám sát bệnh đậu mùa khỉ từ sân bay đến các cơ sở y tế

Bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM tại họp báo.

Tuy nhiên, với mức độ giao lưu, tiếp xúc và nguy cơ hiện hữu, hệ thống giám sát dịch bệnh của Tp.HCM tiếp tục được tăng cường, củng cố từ khu vực cửa khẩu, sân bay đến hệ thống phòng khám, bệnh viện.

Ngành y tế Tp.HCM đã có các kế hoạch, hoạt động phòng chống, điều trị bệnh đậu mùa khỉ như: Tập huấn hướng dẫn, chẩn đoán, điều trị, giám sát ca bệnh cho các bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám tư nhân... trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Song song đó là giám sát người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải. Cụ thể, giám sát thuyền viên trên tàu khi neo đậu tại cảng thông qua máy đo thân nhiệt để phát hiện sớm; tiếp nhận thông tin từ người có triệu chứng nghi ngờ như tiếp viên hàng không hoặc người nhập cảnh khai báo.

Ngoài ra, công tác truyền thông phòng chống cho nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam và nhóm chuyển giới các dấu hiệu cũng như cách phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ cũng được chú trọng.

Liên quan đến ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Tp.HCM, HCDC đã giám sát, điều tra dịch tễ có 9 người tiếp xúc gần. Trong đó có 4 nhân viên y tế và 5 người thân của bệnh nhân để theo dõi sức khỏe trong 21 ngày. Đến ngày 6/10 (sau 11 ngày), những người tiếp xúc gần không xuất hiện triệu chứng nghi ngờ. 

Trước đó, tại buổi giao ban của Sở Y tế Tp.HCM về tình hình dịch bệnh và hoạt động trọng tâm quý IV, diễn ra sáng 3/10, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM báo cáo, qua công tác kiểm soát và sàng lọc giám sát, địa phương này phát hiện một ca bệnh đậu mùa khỉ.

Theo Bộ Y tế, các triệu chứng thường thấy của bệnh đậu mùa khỉ là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.

Bệnh đậu mùa khỉ có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to kéo dài 2-3 tuần. Bệnh thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch.

Các biến chứng có thể xảy ra của đậu mùa khỉ gồm nhiễm trùng thứ phát, viêm phế quản phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực. Bệnh có tỉ lệ tử vong dao động 0-11%.

Trần Hào