Tiếp viên Vietnam Airlines được cách ly theo quy định nào?

Tiếp viên Vietnam Airlines được áp dụng chế độ cách ly riêng, song bệnh nhân 1342 đã không tuân thủ nghiêm quy định.

Việt Nam vừa công bố ca bệnh 1347 (nam, 32 tuổi) lây nhiễm Covid-19 từ bệnh nhân 1342 trong thời gian người này cách ly tại nhà.

Bệnh nhân 1342 là nam, 28 tuổi, tiếp viên hàng không Vietnam Airlines. Ngày 14/11 vừa qua, bệnh nhân 1342 cùng phi hành đoàn đáp chuyến bay VN5310 chở khách từ Nhật Bản về Cần Thơ.

Từ ngày 15/11, toàn bộ tổ bay được đưa về cách ly tập trung tại cơ sở cách ly riêng của Vietnam Airlines tại đường Hồng Hà, quận Tân Bình, TP.HCM. Sau 2 lần xét nghiệm âm tính, từ ngày 18/11, người này được về nhà trọ tại số 50 Bạch Đằng, quận Tân Bình tự cách ly theo quy định.

Theo điều tra, ngày 17/11, bệnh nhân 1342 có tiếp xúc với một đồng nghiệp nam, 30 tuổi là tiếp viên trên chuyến bay từ Rumania trở về. Đây là chuyến bay có nhiều hành khách dương tính, trong đó có 8 tiếp viên hàng không.

Tiếp viên nam 30 tuổi nói trên cũng được công bố mắc Covid-19 vào ngày 25/11, trở thành bệnh nhân 1325. Bệnh nhân 1342 có kết quả dương tính vào ngày 28/11.

Tiếp viên Vietnam Airlines được cách ly theo quy định nào?

Trên các chuyến bay chở khách về Việt Nam, toàn bộ thành viên tổ bay đều được mặc đồ bảo hộ 

Liên quan đến trường hợp bệnh nhân 1342, hiện có nhiều ý kiến về quy định cách ly đối với thành viên tổ bay cũng như quy định cách ly tại nhà.

Trong dự thảo mới nhất được Bộ Y tế xây dựng nhập về quy trình nhập cảnh, giám sát y tế với người nhập cảnh chia thành 3 nhóm để cách ly.

- Nhóm 1: Công dân Việt Nam, người nước ngoài là thân nhân của công dân Việt Nam

- Nhóm 2: Người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao, chuyên gia và thân nhân (cha, mẹ, vợ, chồng, con) nhập cảnh vào Việt Nam ở, lưu trú từ 14 ngày trở lên; học sinh, sinh viên quốc tế.

- Nhóm 3: Người nước ngoài nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ; chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam dưới 14 ngày.

Các đối tượng khác sẽ do Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho phép.

Các thành viên tổ bay được xếp vào “các đối tượng khác”, tuân thủ cách ly theo văn bản 3588/CV-BCĐ ngày 2/7 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Văn bản này nêu rõ, với các thành viên của tổ bay bao gồm tiếp viên, nhân viên kỹ thuật, mặt đất, điều phối bay trên các chuyến bay từ các nước về Việt Nam sẽ thực hiện cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định cùng với các thành viên ở tổ bay và hành khách trên chuyến bay.

Nếu tất cả hành khách và các thành viên tổ bay có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1, sẽ tiếp tục được lấy mẫu lần 2 (xét nghiệm lần 2 sau ít nhất 72 giờ kể từ lần lấy mẫu lần 1).

Nếu các thành viên còn lại của tổ bay có kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính thì các thành viên của tổ bay được rời khu cách ly và tiếp tục thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho đến khi thực hiện nhiệm vụ quốc tế tiếp theo (yêu cầu thực hiện xét nghiệm 24 giờ chuyến bay quốc tế tiếp theo.

Trường hợp có hành khách hoặc thành viên tổ bay nhiễm Covid-19 khi xét nghiệm lần 1, yêu cầu cách ly tạp trung đủ 14 ngày đối với tất cả thành viên còn lại của tổ bay. Nếu xét nghiệm lần 2 dương tính, sẽ tiếp tục cách ly tập trung 14 ngày tính từ thời điểm xét nghiệm lần 2 với các thành viên còn lại của tổ bay.

Như vậy, bệnh nhân 1342 rời khỏi khu cách ly tập trung sau 4 ngày khi có 2 lần xét nghiệm âm tính là đúng quy định vì toàn bộ chuyến bay từ Nhật Bản về nước không có ca mắc Covid-19.

Tuy nhiên khi trở về tự cách ly tại nhà đợi đủ 14 ngày, bệnh nhân 1342 đã không tuân thủ quy định, tiếp xúc với 3 người khác (bệnh nhân 1347, mẹ và em).

Hiện tại, tại Hà Nội và TP.HCM Vietnam Airlines có 2 khu cách ly riêng dành cho nhân viên. Tuy nhiên sau khi ghi nhận liên tiếp 8 tiếp viên từ Rumania trở về nhiễm Covid-19 và ca bệnh 1347, Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu Vietnam Airlines tạm dừng hoạt động cơ sở cách ly tại Sài Gòn.