Từ trước năm 1960, gia đình người chị gái đã sinh sống trong căn nhà cổ, đến khi đăng ký kê khai nhà đất thì có người em trai trong họ tộc về tranh chấp.
Người em trai đi kiện rồi bị kiện từ hồi 59 tuổi đến nay 81 tuổi vẫn còn phải chống gậy đến tòa. Còn người chị gái nay 88 tuổi cũng chưa thể yên lòng với mong muốn được sống những ngày cuối đời trên mảnh đất ông cha để lại.
Các bên đã kiện tụng lẫn nhau và được các cấp tòa án từ cấp huyện đến cấp tòa tối cao giải quyết, có 5 bản án đã được tuyên. Có những căn nhà, tài sản trên đất đã bị tháo dỡ, có người phải ra lò gạch sinh sống khi không còn nơi ở... để thi hành theo bản án dù sau đó bản án này đã bị tòa tối cao tuyên hủy án.
Văn bản của gia tộc có giá trị pháp lý hay không
Từ trước năm 1960, bà Nguyễn Thị Hui, sinh năm 1936 cùng các con sinh sống trên nhà và đất do cha mẹ bà Hui là ông Nguyễn Duy Lương có cha là ông Nguyễn Duy Vĩnh để lại.
Đất này có diện tích gần 5.000 m2, trên đất có ngôi nhà cổ lâu đời. Gia đình bà Hui ở vậy nhưng không làm giấy tờ. Đến năm 1993, trên đất này có xây dựng thêm căn nhà của ông Võ Ngọc Vàng, con trai bà Hui được chính quyền xã xác nhận.
Đến năm 2000, khi chính quyền bắt đầu tiến hành thủ tục kê khai nhà đất thì có ông Nguyễn Duy Đạt về địa phương nhận mình là người được quyền thừa kế tất cả nhà đất này dựa vào tờ Hội đồng gia tộc năm 1970. Từ đó, gia đình bà Nguyễn Thị Hui và ông Nguyễn Duy Đạt bắt đầu xảy ra chấp.
Các bên đã ký biên bản ngày 7/9/2000 với nội dung thỏa thuận là bà Hui được tiếp tục sinh sống trong căn nhà cổ, 1 bên của căn nhà. Trong khi đó, ông Đạt được thân tộc cắt cử là người quản lý trông coi căn nhà cổ, được quyền đăng ký xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hằng năm, ông Đạt được thu huê lợi trên diện tích đất này dùng vào việc cúng kiến và tu sửa phủ thờ,… nhưng không được cầm cố, sang nhượng.
Nhưng khi đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà thì ông Đạt lại kê khai nguồn gốc đất là của cha mẹ cho năm 1970. Sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Đạt đã chuyển nhượng một phần đất cho người khác.
Thêm nữa, ông Đạt không cho gia đình bà Hui sinh sống trên nhà, đất đã thỏa thuận và gửi đơn kiện đến TAND huyện Chợ Mới yêu cầu ông Vàng tháo dỡ nhà trên đất vào năm 2008.
Vụ án này được TAND tỉnh An Giang xét xử bằng bản án phúc thẩm số 203/2008 với nội dung giữ nguyên án sơ thẩm là chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đạt. Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện đã tiến hành thi hành án bản án này, cưỡng chế yêu cầu tháo dỡ hoàn toàn nhà của ông Vàng, con trai bà Hui.
Tuy nhiên, TAND Tối Cao ra quyết định giám đốc thẩm số 709/2011/DS-GĐT ngày 20/09/2011 với nội dung tuyên hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm số 203/DSPT ngày 24/4/2008 của TAND tỉnh An Giang để xét xử lại.
Trong nhận định giám đốc thẩm, TAND Tối cao chỉ ra, đất mà ông Đạt được chia thừa kế có phải là đất do ông cố Nguyễn Duy Vĩnh để lại hay không? Bởi lẽ, các cấp xét xử trước chưa xác định được ông Đạt có phải là người thuộc hàng thừa kế của ông cố Nguyễn Duy Vĩnh hay không.
Thêm nữa, vì sao trên đất có nhà của bà Hui và anh Vàng nhưng chính quyền địa phương lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Đạt? Đồng thời, cần phải xem xét rõ về giá trị pháp lý của tờ Hội đồng gia tộc năm 1970 để làm căn cứ xét xử.
Kết cục cho tranh chấp hơn 20 năm
Dựa vào quyết định giám đốc thẩm số 709/2011/DS-GĐT ngày 20/09/2011 của TAND Tối Cao nên bà Hui khởi kiện yêu cầu ông Đạt yêu cầu trả lại toàn bộ đất và hủy giấy chứng nhận đất đã cấp. Khi TAND tỉnh An Giang đã ra bản án sơ thẩm số 45/2020/DS-ST ngày 21/9/2020 bác yêu cầu của bà Hui thì nguyên đơn này đã kháng cáo đến cấp phúc thẩm là TAND Cấp cao Tp.HCM.
Đầu năm 2022, TAND Cấp cao tại Tp.HCM đã tổ chức xét xử phúc thẩm và tuyên án vào ngày 26/4 vừa qua. Trong đó, cấp phúc thẩm nhận thấy, biên bản thoả thuận giữa nguyên đơn và bị đơn thể hiện rằng ông Đạt được kê khai đăng ký đất với tư cách đại diện gia tộc. Nhưng khi thực tế thì ông Đạt lại kê khai nguồn gốc đất là của cha mẹ cho năm 1970 và đăng ký cho cá nhân ông Đạt là không đúng thỏa thuận.
Tại thời điểm ông Đạt kê khai đăng ký trên đất có nhà của bà Hui, ông Vàng nhưng UBND huyện Chợ Mới lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất toàn bộ cho ông Đạt là không đúng trình tự, thủ tục và không đúng biên bản thỏa thuận.
Cũng theo biên bản thỏa thuận thì bà Hui được ở tại nhà, đất tranh chấp, trong khi ông Đạt không được cầm cố, sang nhượng đất nhưng ông Đạt đã không thực hiện đúng các thỏa thuận này.
HĐXX TAND Cấp cao Tp.HCM cũng xác định, nhà đất tranh chấp là của cụ Nguyễn Duy Vĩnh để lại chưa chia thừa kế. Tờ hội đồng gia tộc ngày 27/8/1970 mà ông Đạt dùng để đòi quyền sỡ hữu là không có giá trị với bà Hui. Phần diện tích đất ông Đạt đã chuyển nhượng người khác vẫn là di sản nằm trong phần diện tích đất là di sản của cụ Vĩnh để lại, chưa chia thừa kế.
Do đó, bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Tp.HCM chấp nhận một phần kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm số 45/2020/DS-ST ngày 21/09/2020 của TAND tỉnh An Giang. Trong đó, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 04067/QSDĐ/kB ngày 19/12/2002, diện tích 3.927,6m2 do UBND huyện Chợ Mới cấp cho ông Đạt.
Đáng chú ý, TAND Cấp cao tại Tp.HCM còn đưa ra phương án, nếu bà Hui có khởi kiện yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật thì giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế. Và khi tính thời hiệu khởi kiện thừa kế theo pháp luật thì khoảng thời gian từ ngày 24/3/2017 đến ngày xét xử phúc thẩm 26/4/2022 không tính vào thời hiệu khởi kiện 30 năm, do đây là trở ngại khách quan.
Hòa giải tranh chấp bằng tình cảm gia đình
Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật, Đoàn Luật sư Tp.HCM đánh giá: “Bản án phúc thẩm đã nêu các nhận định cụ thể, cũng như làm sáng tỏ nhiều vấn đề mà lâu nay chưa được giải quyết, đồng thời chỉ ra các sai sót của bản án sơ thẩm và đã tuyên sửa án sơ thẩm”.
Hiện nay, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Chợ Mới cấp cho ông Đạt đã bị tòa án tuyên hủy. Bà Hui có quyền yêu cầu chia thừa kế đối với phần tài sản này. Tuy nhiên, các bên trong vụ án cũng đều là người thân trong cùng họ tộc, đều là người cao tuổi, cùng chung sống tại 1 địa phương, các bên đã có nhiều mâu thuẫn, định kiến, hiểu lầm dẫn đến việc đã kiện tụng lẫn nhau trong hơn 20 năm dài đã qua.
Bây giờ, các bên có thể cùng ngồi lại để có thể hàn gắn lại tình cảm, mối quan hệ trong gia đình, trong họ tộc đồng thời có thể thỏa thuận với nhau để giải quyết vụ việc phù hợp với phần quyền lợi của mỗi bên.