Ngày 5/7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM (HCDC) công bố, thành phố ghi nhận hơn 2.400 ca mắc mới từ 24 đến 30/6, tăng gần 7% so với trung bình tháng trước.
Nhiều phường, xã có số ca bệnh tăng cao như phường Tân Hưng, Tân Kiểng (quận 7), phường 6 (quận 11), An Phú Đông (quận 12), phường An Lạc, Bình Trị Đông B (quận Bình Tân), xã Cần Thạnh (huyện Cần Giờ)...
Trong 6 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận 21.750 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 181% với cùng kỳ năm ngoái. Số ca sốt xuất huyết nặng gấp nhiều lần năm trước với 346 trường hợp. Nhiều bệnh viện tuyến cuối tại Tp.HCM quá tải, phải kê thêm giường ở hành lang vì bệnh nhân nặng dồn dập vào viện. Trong khi đó, số ca tử vong do căn bệnh này từ đầu năm đến nay là 11.
Ngành y tế tiếp tục tổ chức xử lý phun hóa chất các ổ dịch, thực hiện diệt loăng quăng tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ. Trong tuần, các địa phương xử lý phun hóa chất 347 ổ dịch (bao gồm ổ dịch chỉ định phun lần một, lần hai, lần ba), diệt loăng quăng 396 lượt. Nhiều địa phương tổ chức lễ phát động tổng vệ sinh triệt nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.
Đại diện HCDC cho biết: “Năm nay số ca mắc tăng cao, số bệnh nặng và tử vong nhiều do bác sĩ có kinh nghiệm điều trị sốt xuất huyết đã nghỉ việc, thiếu dịch truyền cao phân tử, chuyển viện không an toàn, bệnh nhân đến viện muộn, sự xuất hiện chủng virus D2, nhiều người lơ là phòng dịch”.
Thời gian qua, thành phố tăng cường nhiều biện pháp, tập huấn các bệnh viện, tuyến y tế cơ sở, nơi tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên đến khám, giúp tăng khả năng phát hiện và xử trí kịp thời những trường hợp trở nặng.
Theo HCDC, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch, lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Đến nay, sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch, mỗi người nên dành 10 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi làm việc, sinh sống, từ trong đến xung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh loăng quăng, muỗi. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến, cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất một lần mỗi tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,... Đậy kín lu, hồ, thùng chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh loăng quăng, muỗi.
Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt loăng quăng. Sử dụng bình xịt muỗi, nhang muỗi, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay... và ngủ màn kể cả ban ngày để phòng tránh muỗi đốt. Trường hợp bị sốt hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị và không tự ý điều trị tại nhà.