Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 8857/CĐ-VPCP, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã thanh tra đột xuất hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng tại 8 ngân hàng.
Trong đó, có Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank), Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Trước đó, ngày 3/12/2021, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công điện số 8857/CĐ-VPCP về tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện và cảnh báo các rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ngoài 4 ngân hàng trên, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng còn tiến hành thanh tra hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại các ngân hàng Đại chúng Việt Nam, Việt Nam Thương Tín, Đông Nam Á và Bảo Việt.
Đến thời điểm tháng 4/2022, Cơ quan Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã tiến hành thanh tra tại 7 ngân hàng. Riêng Ngân hàng Bảo Việt không thực hiện thanh tra với lý do Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra với ngân hàng này.
Sau thanh tra, đoàn thanh tra giám sát đã báo cáo người ra quyết định thanh tra và trình Thống đốc NHNN báo cáo kết quả thanh tra, bổ sung nội dung thanh tra hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan đến đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng.
Hơn 90% trái phiếu doanh nghiệp phát hành tháng 4 đến từ ngân hàng
Đồng thời, kết quả thanh tra cũng được gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để xử lý các sai phạm liên quan đến việc sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu của các tổ chức phát hành.
Cũng trong những tháng đầu năm nay, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng còn thực hiện cuộc thanh tra chuyên ngành đối với Ngân hàng TNHH MTV United Overseas Bank Việt Nam và thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Lạng Sơn, Nam Định.
Theo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, hoạt động thanh tra chuyên ngành nhằm mục đích phát hiện những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng để kiến nghị cấp có thẩm quyền chấn chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước và ngành Ngân hàng.
Đồng thời, phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các rủi ro có nguy cơ gây mất an toàn trong hoạt động; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong ngành Ngân hàng và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng.
Góp phần đảm bảo việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiền tệ, ngân hàng, phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của Ngân hàng Nhà nước; đảm bảo sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các các tổ chức tín dụng.
Theo thống kê của VBMA, trong tháng 4/2022, có 23 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị 16.472 tỷ đồng. Phần lớn doanh nghiệp phát hành trong tháng 4 đến từ các ngân hàng thương mại với 14.940 tỷ đồng, chiếm 90,7% tổng giá trị phát hành.
Trong nhóm này, Ngân hàng TMCP Quân Đội phát hành nhiều nhất với 4.600 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín đứng sau ở mức 2.500 tỷ đồng, trái phiếu cũng đều có kỳ hạn 3 năm.
Còn tính từ đầu năm đến hết tháng 4/2022, có tổng cộng 97 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 68.566 tỷ đồng (chiếm 88,74% tổng giá trị phát hành) và 9 đợt phát hành ra công chúng giá trị 8.696 tỷ đồng (chiếm 11,26% tổng giá trị phát hành).
Tổng giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng từ đầu năm tới nay tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 22%. Nhóm bất động sản dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng là 28.856 tỷ đồng, chiếm 37,35%. Kỳ hạn từ 1-3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong nhóm này với 21.559 tỷ đồng, tương đương 74,71%.
Nhóm ngân hàng đứng ở vị trí thứ hai với 24.393 tỷ đồng, chiếm 31,57% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn phát hành bình quân của các ngân hàng thương mại là 4,03 năm, lãi suất phát hành thường đường thả nổi theo lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng quốc doanh.