Vụ dùng súng cướp ngân hàng mua 'siêu xe': Chiếc 'thần sấm' Kawasaki có thể được xử lý thế nào?

Theo luật sư, cơ quan điều tra sẽ làm rõ một số vấn đề như: Bên bán xe có biết rõ số tiền nghi phạm dùng để mua xe là do phạm tội mà có, hay không biết chuyện này.

Trước vụ cướp ngân hàng 3 tỷ đồng tại TP Hải Phòng, cơ quan điều tra bước đầu xác định nghi phạm là Nguyễn Văn Nam (SN 1998, trú huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng).

 
Vụ dùng súng cướp ngân hàng mua 'siêu xe': Chiếc 'thần sấm' Kawasaki có thể được xử lý thế nào? Ảnh 1
Nghi phạm cầm súng uy hiếp nhân viên, cướp ngân hàng.

 

Sau khi gây án, Nam đã lên một cửa hàng mô tô phân khối lớn ở Hà Nội mua chiếc xe Kawasaki ZX 10R giá khoảng 700 triệu đồng. Người này điều khiển xe di chuyển lên TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, rồi tiếp tục lên Thái Nguyên và bị bắt giữ.

Theo quan điểm của Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, đối với những vụ án liên quan đến nhiều quan hệ pháp luật, nhất là giữa quan hệ pháp luật hình sự và dân sự, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhiều cá nhân thì việc điều tra vụ án phải được tiến hành hết sức thận trọng.

 

Điều này dựa trên nguyên tắc ưu tiên giải quyết quan hệ pháp luật hình sự, đảm bảo tính khách quan, toàn diện.

Vì vậy, với chiếc xe phân khối lớn là tài sản do phạm tội mà có, cơ quan điều tra sẽ tiến hành tịch thu để xử lý tang vật của vụ án, sau đó căn cứ vào kết quả điều tra để có phương án giải quyết cụ thể.

Đồng thời, cơ quan điều tra sẽ làm rõ một số vấn đề khác như: Bên bán xe có biết rõ số tiền nghi phạm dùng để mua xe là do phạm tội mà có, hay không biết chuyện này; thủ tục mua bán chiếc xe thực hiện như thế nào; đã hoàn thành hay chưa,…

Vụ dùng súng cướp ngân hàng mua 'siêu xe': Chiếc 'thần sấm' Kawasaki có thể được xử lý thế nào? Ảnh 2
Nam (bên trái ảnh) đã dùng tiền cướp ngân hàng đi mua xe sang trị giá 700 triệu đồng.
 

Trường hợp bên bán biết rõ thì có thể sẽ bị khởi tố hình sự về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thể hiện ở việc chuyển dịch quyền sở hữu tài sản (bán chiếc xe máy) cho người khác mà mình biết rõ tài sản này là do người đó phạm tội mà có.

Chiếc xe có giá trị khoảng 700 triệu đồng, nên theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 323 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, mức hình phạt đối với người phạm tội là phạt tù từ 7 – 10 năm. 

Đồng thời, có thể xem xét xử lý về Tội không tố giác tội phạm theo Điều 390 Bộ luật này với chế tài phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trường hợp bên bán không biết số tiền mua xe là do hành vi cướp ngân hàng của đối tượng thì phải căn cứ vào việc thủ tục mua bán giữa cửa hàng và nghi phạm đã hoàn thành hay chưa.

Nếu như hai bên đã ký hợp đồng bằng văn bản có công chứng/chứng thực, đã đăng ký theo quy định thì hợp đồng mua bán đã có hiệu lực và bên bán được xác định là người thứ ba ngay tình theo quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật phải bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình.

Nếu việc mua bán chưa hoàn thành về mặt thủ tục, tài sản là chiếc xe chưa được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền thì giao dịch dân sự này vô hiệu, các bên phải trả lại tài sản cho nhau để khắc phục hậu quả.  

“Cũng cần lưu ý, nếu như người bán biết rõ đây là tài sản do phạm tội mà có thì việc mua bán này cũng sẽ bị hủy bỏ, mà không phụ thuộc vào việc thủ tục mua bán có hợp pháp hay không”, Luật sư Trần Xuân Tiền chia sẻ.

Do đó, việc mua bán chiếc xe mô tô này có hiệu lực pháp luật hay không, ý chí của các bên như thế nào là những căn cứ quan trọng để cơ quan tố tụng quyết định sẽ tịch thu chiếc xe vào ngân sách nhà nước, tịch thu tiêu huỷ, hay trả lại cho cơ sở kinh doanh.