“Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương” đến với người dân TP.HCM

Bộ TT&TT sẽ trao các gói quà là lương thực, hàng thiết yếu đến 533.000 người nghèo, lao động tự do hoặc chưa tiếp cận được gói hỗ trợ của TP.HCM, nhằm san sẻ khó khăn với người dân bị ảnh hưởng trong mùa dịch.

Hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân đoàn kết phòng, chống đại dịch Covid-19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phong trào thi đua đặc biệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ TT&TT tổ chức Chương trình “Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương” với kinh phí lên tới 160 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ các đối tượng khó khăn trong mùa dịch.

Chương trình diễn ra từ 17/8 - 15/9 với sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp như: Tập đoàn VNPT, Viettel Telecom, T&T Group, Ngân hàng MBank, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Viettel Post.

“Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương” đến với người dân TP.HCM
Chương trình “Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương” do Bộ TT&TT tổ chức.

Chương trình “Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương” hướng đến các đối tượng là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, chưa tiếp cận được với gói hỗ trợ của TP.HCM (lao động tự do, bán hàng rong, thu gom rác, bốc vác, vận chuyển bằng xe ba gác, bán vé số; người lao động làm thuê thời vụ tại cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch và một số lĩnh vực phải tạm ngừng hoạt động…).

Trên cơ sở danh sách thụ hưởng do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM lập, hai doanh nghiệp bưu chính là Vietnam Post và Viettel Post sẽ phối hợp với chính quyền và lực lượng chức năng của địa phương tổ chức phát quà tặng tại chốt kiểm dịch ở các tổ dân phố; bưu cục, điểm phục vụ của 2 doanh nghiệp hoặc phát lưu động.  

Mỗi người dân sẽ nhận được 1 túi hàng hóa trị giá 300.000 đồng gồm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu như: 5 kg gạo, dầu ăn, đường trắng, bột canh, nước tương, bí đỏ, khoai tây, trứng gà... nhằm đảm bảo bữa cơm của mọi người trong những ngày chống dịch luôn dẻo thơm, đầy đủ dưỡng chất và ấm tình đồng bào.

Dự kiến có hơn 533.000 người dân lao động tự do tại TP.HCM được nhận các suất quà này.

Để Chương trình “Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương” có cơ sở tiếp tục hỗ trợ bạn nhanh nhất, hiệu quả nhất, hãy nhắn tin tới tổng đài miễn phí của chương trình: Họ và Tên rồi gửi tới 8889.

Để các món quà đến tay được nhiều người dân, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với UBND thành phố thông tin tuyên truyền rộng rãi về chương trình, cách thức đăng ký nhận quà đến tận đối tượng thụ hưởng.  Bộ cũng chỉ đạo Vietnam Post và Viettel Post phối hợp chặt chẽ với UBND phường, xã đưa thông tin về chương trình trên hệ thống loa truyền thanh, bảng tin xã phường, các group của từng tổ dân phố để đông đảo người dân được biết và tới điểm nhận lương thực, thực phẩm.

Đối với những gia đình thuộc khu vực hạn chế đi lại, phong tỏa, Vietnam Post và Viettel Post tại TP.HCM sẽ phối hợp với lực lượng chức năng của địa phương nhanh chóng chuyển các suất quà tặng của chương trình đến người nhận an toàn và kịp thời.

Tại các điểm phát hàng, Vietnam Post và Viettel Post sẽ tổ chức phân luồng lối đi riêng cho từng người ra - vào nhận quà, tránh tối đa việc tiếp xúc. Nhân viên phục vụ tại điểm và người đến nhận đều được đo thân nhiệt, thực hiện các biện pháp khử khuẩn, khoảng cách theo quy định.

Bộ TT&TT đã ban hành hai kế hoạch lớn nhằm mục tiêu đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử tại 19 tỉnh phía Nam trong dịch Covid-19.
Tính đến ngày 16/8, đã có 4.346 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu; cung cấp 30.945 tấn hàng hóa; trị giá 828 tỷ đồng tại các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Các doanh nghiệp bưu chính lớn thực hiện Chương trình chung tay vì cộng đồng, cung cấp lương thực miễn phí cho người dân tại một số tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội. Tính đến ngày 16/8, VietnamPost và ViettelPost đã phát 509,7 tấn lương thực, trị giá hơn 8,68 tỷ đồng đến gần 233.000 người dân với các chương trình nổi bật như “Hạt vàng Bưu điện” (của Vietnam Post ) và “Trạm hạnh phúc - Chạm yêu thương” (của Viettel Post).

Theo: Vietnamnet