Tác hại xấu đối với sức khoẻ
Ngày 20/2, Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế nhận được thông tin từ Mạng lưới các cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN) về sự cố một số trẻ nhỏ bị nhiễm Cronobacter sakazakii and Salmonella Newport liên quan đến việc sử dụng sản phầm dinh dưỡng công thức sản xuất tại nhà máy của Abbott Nutrition’s Sturgis, MI, Mỹ.
Tính đến nay, người tiêu dùng tại Mỹ đã thông báo về 4 trường hợp xảy ra ở trẻ nhỏ. Trong đó, một trường hợp đã tử vong (không được xác nhận là do nhiễm Cronobacter).
Nhà sản xuất ở Mỹ đã bắt đầu việc thu hồi tự nguyện các sản phẩm liên quan.
Trước thông tin, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo nguy cơ nhiễm vi khuẩn độc hại khi sử dụng sữa Abbott, không ít phụ huynh có con nhỏ sử dụng sữa bột bày tỏ sự lo lắng.
Vậy vi khuẩn được cảnh báo trong sữa Abbott nguy hại như thế nào? Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, sản phẩm nhập khẩu mà bị nhiễm khuẩn thì dù là khuẩn gì đi chăng nữa đều là không tốt, đặc biệt đó lại là sản phẩm cho trẻ em.
“Tất cả các loại vi khuẩn nhiễm vào thực phẩm, đặc biệt đối với sữa cho trẻ em thì sẽ gây ra những tác hại xấu đối với sức khoẻ. Khi phát hiện ra sản phẩm gây hại thì đề nghị Bộ Y tế không cho lưu hành trước khi sản phẩm đó được xử lý hoặc thay đổi”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.
Về quy trình thu hồi sản phẩm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng khi nhận được thông tin cảnh báo từ quốc tế, cơ quan chức năng trong nước cần xét nghiệm, kiểm tra lại, lấy mẫu ở các địa điểm khác nhau một cách đại trà và phát hiện ra thì cần nhanh chóng thu hồi và cảnh báo đến người tiêu dùng.
Cũng liên quan đến vấn đề nêu trên, Cục An toàn Thực phẩm thông tin, Cục đã liên hệ với công ty nhập khẩu các sản phẩm trên tại Việt Nam để yêu cầu làm rõ thông tin và khẩn trương thu hồi toàn bộ lô sản phẩm bị cảnh báo.
Cục cũng khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng các sản phẩm có thông tin trên và thông báo ngay cho cơ quan chức năng tại địa phương khi phát hiện.
Phải bồi thường thiệt hại
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý về việc người tiêu dùng có thể đòi được bồi thường khi sử dụng sản phẩm nhiễm khuẩn hay không? Trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Nguyễn Văn Thái, Công ty Luật BROSS & Partners cho biết, theo quy định tại Điều 608 Bộ luật Dân sự 2015 thì các cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường.
Tại khoản 1 Điều 23 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 cũng quy định các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật.
“Trong trường hợp người tiêu dùng muốn khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với các cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, thì phải tuân theo theo các nguyên tắc chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại chương XX Bộ luật dân sự 2015”, LS. Thái nói.
Tuy nhiên, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa 2018 cũng đã có những quy định rất chi tiết về vần đề “Bồi thường thiệt hại về chất lượng sản phẩm, hàng hóa”, theo đó người tiêu dùng cần phải chứng minh: “Có thiệt hại xảy ra được liệt kê ở điều 60 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa 2018; Chứng minh được lỗi của người sản xuất hàng hóa đã vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm/ Hoặc chứng minh sản phẩm bị khuyêt tật, không đảm bảo chất lượng thông qua giám định sản phẩm (Thông qua việc kiểm tra, thử nghiệm, giám định để giải quyết tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa); Mối quan hệ nhân quả giữa việc sử dụng hàng hóa kém chất lượng và thiệt hại xảy ra; Các thiệt hại đã xảy ra không thuộc các trường hợp không phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 62 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa 2018”.
Cùng trao đổi về nội dung này, Luật sư Ngô Thạnh (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) đồng tình, tại Điều 12 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định về “Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng”. Trong đó, quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 liên quan đến trách nhiệm của thương nhân trong lĩnh vực ATVSTP, đó là trách nhiệm “Ghi nhãn hàng hoá theo quy định của pháp luật” và “Cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa”.
Việc ghi nhãn mác hàng hoá là một hình thức đảm bảo cho thông tin về thực phẩm được cung cấp đầy đủ, tạo điều kiện cho người tiêu dùng dựa vào đó để lựa chọn thực phẩm phù hợp với nhu cầu của mình. Thực hiện cảnh báo về nguy cơ gây nguy hiểm của thực phẩm là trách nhiệm mà chỉ có nhà sản xuất hoặc kinh doanh thực phẩm có thể thực hiện, vì họ là chủ thể hiểu rõ nhất về thực phẩm mà mình đang sản xuất và kinh doanh.
Chiếu theo quy định pháp luật, Luật sư Thạnh cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định về các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ tại Điều 30. Theo đó, có bốn phương thức giải quyết tranh chấp đó là thương lượng, hoà giải, trọng tài và toà án. Luật còn quy định không được thương lượng, hoà giải trong trường hợp tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng và lợi ích công cộng.
“Các nguyên tắc chung về xử lý hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng thực phẩm được nêu tại Điều 11 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và Điều 6 Luật An toàn thực phẩm năm 2010. Theo đó, tổ chức, cá nhân, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ATVSTP thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (đối với cá nhân), nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”, Luật sư Thạnh cho hay.
Với mong muốn tìm hiểu rõ hơn về quy trình xử lý đối với các khách hàng đã mua sữa Abbott bị cảnh báo nguy cơ nhiễm vi khuẩn, Người Đưa Tin đã liên hệ với đại diện truyền thông của sữa Abbott tại Việt Nam, tuy nhiên chúng tôi chưa nhận được phản hồi.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả!
Tên công ty: Abbott
Nhãn hiệu: Similac, Alimentum, và EleCare
Mô tả sản phẩm: Sản phẩm dinh dưỡng công thức dạng bột cho trẻ nhỏ
Sản phẩm thuộc diện bị thu hồi có thông tin như sau:
- Hai số đầu tiên của mã số từ 22 tới 37
- Mã số trên bao bì chứa ký hiệu K8, SH, hoặc Z2
- Hạn sử dụng từ 1-4-2022 trở về sau.