Sự thật không cần thô tục

Những người ăn nói vô văn hóa được mời đến các diễn đàn để tung tẩy câu chữ, tạo cá tính, tạo ấn tượng bằng những ngôn từ thô tục có phải là nguyên nhân khiến cho xã hội có thêm những trào lưu chửi bậy, hành xử thiếu văn hóa cả trên mạng và ngoài đời?

Khi những buổi livestream bóc phốt giới showbiz của CEO Nguyễn Phương Hằng có tới nửa triệu người theo dõi và chia sẻ rầm rộ trên các mạng xã hội, cùng với tâm trạng háo hức của những người được "khai sáng" về góc tối của những hành trình thiện nguyện, người ta hả hê ngóng chờ những sự thật sắp bị phơi bày. Dư luận của cộng đồng mạng chia làm hai phe: Phe ủng hộ, ngóng chờ những buổi livestream và thuộc làu những câu chửi rất vần vè của bà; phe phản đối, chỉ trích bà vì cách ăn nói thô tục, miệt thị người khác.

Câu chuyện chưa lắng xuống thì lại rộ lên sự bất bình của cư dân mạng về những lời miệt thị của một người nổi tiếng về Hoa hậu và đại gia. Đây không phải lần đầu nữ Tiến sĩ khoa học có những lời lẽ thiếu chuẩn mực như vậy. Nếu như CEO ở trên xuất hiện với tư cách một người kinh doanh, những lời lẽ nặng nề phần nào được đám đông bỏ qua hoặc tạm chấp nhận thì những phát ngôn của vị Tiến sĩ khoa học Ngữ Văn khiến cho không chỉ đám đông mà những người cùng giới trí thức cảm thấy hổ thẹn vì có một đồng nghiệp như bà.

Phát ngôn gây "sốc" từ lâu đã trở thành thương hiệu của bà và có lẽ nhờ thế mà bà trở nên đắt "show" trên truyền hình, trên các buổi tọa đàm không chỉ ở môi trường học đường mà còn ở các doanh nghiệp. Lối tếu táo có phần sống sượng, nhiều câu chữ phản cảm cho những giờ giải trí có thể tạo ấn tượng nhưng để đưa lên một buổi thuyết trình, tọa đàm hướng nghiệp với sinh viên thì lại không phù hợp. Ngay sau đó, nhiều báo đã đưa tin về buổi nói chuyện này, nhân tiện nhắc đến những sự cố "sảy miệng" trước đây của bà.

Cho dù có lên mặt báo thanh minh là bị cắt ghép phát ngôn song clip được tung lên mạng là bằng chứng không thể phủ nhận về những câu từ đáng xấu hổ từ một bậc cao niên trong giới trí thức khi giao tiếp với thế hệ trẻ. Bà trong vai một người hướng nghiệp, bậc tiền bối, người thầy nhưng có lẽ đã lờ đi những chuẩn mực cần có và thể hiện một thái độ thiếu độ lượng với những người đẹp đáng tuổi con cháu.

Nhiều cựu sinh viên của bà hiện đang làm báo chí đã viết trên Facebook của họ: "Không còn lời nào để biện minh cho cô"; "Cô tưởng diễn đàn hướng nghiệp giống như giảng đường báo chí mà cô vốn quen với việc phát ngôn tùy tiện ư?",... Hóa ra, không phải ở các buổi chạy "sô" kiếm tiền, bà mới có lối phát ngôn như vậy?

Những lời bà thanh minh trên mặt báo còn cho thấy thái độ quanh co, bảo thủ và thiếu trung thực. Bà cho rằng phóng viên đã tự ý biên tập, cắt ghép lời của bà. Bà nghĩ rằng những lời bà nói là sự thật, sẽ gây mất lòng. Người ta vẫn nói "sự thật trần trụi", "thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng", và đúng là "Hoa hậu không phải là một nghề", nó chỉ là một danh hiệu cao nhất từ cuộc thi nhan sắc. Cho dù tâm ý của bà không phải là hạ nhục danh hiệu đó nhưng trong đoạn thoại ngắn, bà nhắc lại nhiều lần từ "con điên" để nói về họ thì không phải là một sự vô tình lỡ miệng nữa.

Đời sống - Sự thật không cần thô tục

Từ khóa "ăn nói có duyên" (hastag "#annoicoduyen") bỗng trở thành hottrend sau khi hàng loạt các Hoa hậu, Á hậu Việt Nam đăng đàn trên trang Facebook.

Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả chính là phản ứng của hàng loạt những Hoa hậu, người đẹp – những người bị bà gọi là "con điên" – trên mạng xã hội trong một ngày qua. Họ đồng loạt đăng status là những câu ca dao ý nhị nói về văn hóa giao tiếp kèm theo hastag "Ăn nói có duyên". Những Hoa hậu khi đã thành người của công chúng là đại diện cho cái Đẹp, qua vòng thi ứng xử, dù ít, dù nhiều, họ cũng hiểu mỗi hành vi, lời nói đều bị đám đông soi xét khắt khe. Cách đáp trả của các Hoa hậu rất nhẹ nhàng, tinh tế, đủ cho Tiến sĩ khoa học Ngữ Văn nếu đọc được sẽ tự thấy hổ thẹn.

Qua những chuyện này, một lần nữa chúng ta đặt câu hỏi vì sao giới trẻ (đặc biệt là tuổi học trò) bây giờ thích nói tục chửi bậy? Liệu việc những người ăn nói vô văn hóa được mời đến các diễn đàn để tung tẩy câu chữ, tạo cá tính, tạo ấn tượng bằng những ngôn từ thô tục có phải là nguyên nhân khiến cho xã hội có thêm những trào lưu chửi bậy, hành xử thiếu văn hóa cả trên mạng và ngoài đời?

Những người có tầm ảnh hưởng trong xã hội nên chăng cần nhìn lại chính mình khi phát ngôn, bởi thời nay, với nhiều thiết bị truyền thông trong tay, bất cứ lúc nào hình ảnh, lời nói của họ cũng có thể bị phát tán lên mạng internet ngay lập tức. Chúng ta hướng tới bộ ba Chân – Thiện – Mỹ chứ không cần một sự thật thô thiển, tục tằn.

Theo: Người Đưa Tin