Cứ 6 người Hàn Quốc thì có một người thu nhập không đủ sống

Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á cũng phải vật lộn với sự bất bình đẳng kinh tế. Bộ phim “Squid Game” được cho là phản ánh vấn đề này.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc có tỷ lệ nghèo tương đối là 16,7% trong năm 2018-2019, cao thứ 4 trong số 38 quốc gia thành viên, The Korea Herald đưa tin.

Nhìn chung, hầu hết thành viên OECD là những nền kinh tế có thu nhập cao, được xếp vào nhóm các quốc gia phát triển.

Con số trên có nghĩa là cứ 6 người Hàn Quốc thì có một cá nhân sống trong tình trạng nghèo tương đối (thiếu thu nhập tối thiểu cần thiết để duy trì mức sống bình thường).

Năm nay, thước đo cho 50% thu nhập khả dụng trung bình ở xứ sở kim chi là 914.000 won (781,93 USD) đối với hộ gia đình một người và 2,4 triệu won cho hộ gia đình 4 người.

Tỷ lệ nghèo tương đối của Hàn Quốc cao hơn 5,6 điểm phần trăm so với mức trung bình hiện tại của OECD là 11,1 phần trăm.

Nhieu nguoi Han khon kho vi thu nhap khong du song anh 1

Cứ 6 người Hàn Quốc thì có một cá nhân có thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Ảnh: Yonhap.

Costa Rica - thành viên mới nhất của OECD, gia nhập tháng 5 năm nay - đứng đầu danh sách với tỷ lệ nghèo tương đối là 20,5%. Mỹ đứng thứ 2 với 17,8% và Israel ở vị trí kế tiếp với 16,9%.

Xếp ngay sau Hàn Quốc là Nhật Bản với 15,7%. Italy, Vương quốc Anh lần lượt ở vị trí thứ 6 và 7 với 14,2% và 12,4%.

Trong khi đó, Iceland đứng cuối với 4,9%, phản ánh sự bất bình đẳng về thu nhập tương đối thấp của đất nước này.

Dữ liệu trên khiến nhiều người nhớ đến loạt phim ăn khách Squid Game của Netflix. Trong đó, những người chơi có khoản nợ tài chính khổng lồ tham gia các trò chơi sinh tử để giành giải thưởng trị giá hàng tỷ won.

Sự chênh lệch thu nhập ở Hàn Quốc được nêu bật với các nhân vật thường bị xã hội xa lánh và rơi vào cảnh nghèo đói như người tị nạn Triều Tiên hay lao động nhập cư.

Các chuyên gia cũng trích dẫn xã hội già hóa là lý do bổ sung cho kết quả nghèo đói tương đối mới nhất.

Kim Sang-bong, giáo sư kinh tế tại Đại học Hansung, cho biết: “Mặc dù tỷ lệ việc làm cao và tỷ lệ thất nghiệp tương đối thấp của Hàn Quốc, số liệu mới nhất cho thấy phần lớn người dân không có công việc mang lại thu nhập đủ sống”.

Ông nói thêm: “Sự chuyển đổi nhanh chóng vào xã hội già hóa là yếu tố then chốt”.

Hàn Quốc trở thành xã hội già hóa vào năm 2017, khi 14% tổng dân số từ 65 tuổi trở lên. Năm 2025, những người trên 65 tuổi được dự đoán chiếm 20,3% dân số, tương đương 10,51 triệu người.

Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á cũng phải vật lộn với vấn đề nghèo đói ở người cao tuổi trong những năm gần đây. Tỷ lệ nghèo đói ở những người từ 65 tuổi trở lên đạt 43,4% vào năm 2018. Con số này cao nhất trong các thành viên OECD và gấp khoảng 3 lần mức trung bình của OECD.

Theo: Zing