“Nữ chiến binh” áo trắng: Nguyện ở lại đến khi Thành phố "khỏe mạnh”

Mặc dù đã xa nhà đi chống dịch đã gần 3 tháng, song nữ điều dưỡng vẫn viết đơn tình nguyện ở lại, đợi ngày chứng kiến thành phố mang tên Bác “khỏe mạnh trở lại".

Có những ngày không quên

Đó là cảm nhận của nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Ngà (SN 1980), từ bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vào TP.Hồ Chí Minh chi viện.

Chị cho biết: “Đây là lần thứ hai tôi đến TP.HCM, nhưng lần này với một tư cách khác, một trách nhiệm khác, một cảm xúc khác. Lần đầu tiên, tôi đến mảnh đất này để du lịch".

Đời sống - “Nữ chiến binh” áo trắng: Nguyện ở lại đến khi Thành phố 'khỏe mạnh”

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Ngà.

Những ngày đầu vào chi viện “tâm dịch”, chị Ngà cùng các đồng nghiệp nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 6. Hơn một tuần sau, toàn bộ y bác sĩ từ Quảng Ninh vào chi viện được chuyển sang nhận nhiệm vụ mới tại Bệnh viện Dã chiến số 12.

Nữ điều dưỡng nhớ lại: “Khi vừa sang Bệnh viện Dã chiến số 12, nhân lực cũng chưa nhiều, một mình tôi phụ trách 4-6 tầng (gần 200 bệnh nhân), bởi vừa vào nên phải lấy thông số bệnh nhân và đến đâu lại luôn miệng giải đáp những thắc mắc đến đó. Thời kỳ đầu, do giọng nói khác nhau nên nhân viên y tế và bệnh nhân thường phải trao đổi nhiều lần mới hiểu được nhau. Thậm chí, tôi phải kết bạn Zalo để bệnh nhân nhắn tin cho dễ hiểu, dễ tư vấn.

Chứng kiến bệnh nhân ở đây có thể chuyển biến rất nhanh, đôi khi, chỉ trong khoảng 30 phút đã có nguy cơ tử vong, tôi cũng cảm thấy rất khác so với những nhiệm vụ trước đây. Với những bệnh nhân khác, chúng tôi điều trị theo quy trình, nhưng ở đây, y bác sĩ phải thực sự nhanh, phản ứng kịp thời để giành giật sự sống, nếu không sẽ không thể cứu được bệnh nhân”.

“Ngoài công tác chuyên môn, những ngày đầu, chúng tôi phải lo cả chuyện chăm sóc, cho bệnh nhân ăn uống, vệ sinh và dọn dẹp…, luôn chân luôn tay. Tôi là người thuộc diện khỏe trong đoàn mà còn có lúc choáng váng, sau ca làm việc, phải chạy vội ra đầu cầu thang, vịn tay vào lan can, cố trụ cho vững.

Nhớ nhất là những ngày tháng 7, ai nấy nhễ nhại mồ hôi, lưng áo ướt đầm đìa, găng tay cũng ướt sũng nước…Đồng nghiệp của tôi, có cậu thanh niên to khỏe mà vừa hết ca trở về là phải nằm vật ra sàn, tu một hơi gần hết chai nước lọc to, mà đồ ăn có khi lại chẳng muốn ăn gì, bởi khi mới vào, chúng tôi chưa quen với vị đồ ăn ở đây. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sợ bỏ ăn là đề kháng giảm, nên lại động viên nhau cố gắng ăn dù ít dù nhiều, để đảm bảo sức khỏe chăm người bệnh”, chị Ngà bộc bạch.

Đời sống - “Nữ chiến binh” áo trắng: Nguyện ở lại đến khi Thành phố 'khỏe mạnh” (Hình 2).

Điều dưỡng Ngà chăm sóc F0. Ảnh: NVCC.

Ấm áp tình người

Bắt nhịp dần với những điều kiện mới, chị Nguyễn Thị Ngọc Ngà đã quen với môi trường làm việc ở Bệnh viện dã chiến và chứng kiến nhiều hình ảnh, câu chuyện khó quên.

Đời sống - “Nữ chiến binh” áo trắng: Nguyện ở lại đến khi Thành phố 'khỏe mạnh” (Hình 3).

Niềm vui của người bệnh được về nhà khiến các y bác sĩ cũng mừng không kém.

Những ngày sát cánh cùng nhau vượt qua ranh giới sinh tử, đã khiến nhân viên y tế và các F0 dần trở nên thân thiết, quý mến nhau. Nhiều bệnh nhân khỏi bệnh cứ luôn miệng cảm ơn, về nhà còn quay clip hoặc gọi điện thông báo tình hình và động viên để y bác sĩ vững vàng hơn trong “cuộc chiến”.

Một trong những câu chuyện ấn tượng trong thời gian chống dịch Covid-19 với chị Ngà chính là gia đình một bé F0 nhập viện trong tình trạng bị đói: “Nhìn những bệnh nhân nhí, lòng tôi không khỏi xót thương, có cháu bé mới hơn 1 tuổi, cả gia đình 5 người kéo nhau vào viện, do vội không chuẩn bị được đồ ăn cho con. Do con còn nhỏ, lại bị Covid-19 làm mất vị giác, nên con bỏ bữa khóc ngằn ngặt trên tay mẹ, vậy mà lại không lạ lẫm khi tôi chìa tay bế. Tôi mang sữa cho bé uống, uống xong bịch sữa, con ngả vai cô say giấc.

Người mẹ lâu ngày chăm con cũng thiêm thiếp lúc nào không hay, người bố dắt anh chị ngồi vào giường mà đôi mắt to tròn của 2 bé vẫn dán chặt vào túi sữa của em. Thấy vậy, tôi vẫy tay ra hiệu cho 2 con lại gần, đưa cho các con quả lê, bánh mì, sữa và trứng... Nhìn những hoàn cảnh ấy, mà lòng quặn thắt, mong sao dịch bệnh qua nhanh, người bệnh được khoẻ mạnh để sớm được về nhà.

Những điều tưởng chừng rất nhỏ nhoi đơn giản mà giờ đây trở lên xa xôi đến thế!”.

Đời sống - “Nữ chiến binh” áo trắng: Nguyện ở lại đến khi Thành phố 'khỏe mạnh” (Hình 4).

Chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, chị Ngà vận động đồng nghiệp trong đoàn cùng nhường những suất cơm của mình cho bệnh nhân, rồi gom thêm đồ ăn dự trữ của bản thân cùng những đồ được “hậu phương” gửi vào “tiếp tế”..., để gửi đến các gia đình bệnh nhân, san sẻ thêm một phần nỗi lo giữa đại dịch.

Hằng ngày, sau mỗi ca làm chuyên môn, chị Ngà cùng đồng nghiệp đi phát những món quà nho nhỏ, hết tòa nhà này sang tòa nhà khác. Ban đầu, chị còn xin danh sách bệnh nhân để đảm bảo không “bỏ sót” bất cứ ai.

Đời sống - “Nữ chiến binh” áo trắng: Nguyện ở lại đến khi Thành phố 'khỏe mạnh” (Hình 5).

Y bác sĩ tổ chức Trung thu cho bệnh nhi.

Chị Ngà nói, mọi vất vả, cực nhọc tan biến khi chị và đồng nghiệp nhận được sự yêu thương của bệnh nhân: “Chỉ cần nhìn thấy dáng người mặc bảo hộ đi qua là bệnh nhân lại reo lên “Cô Ngà đến, cô Ngà đến“, “Chị ơi, hôm nay, em đỡ nhiều rồi, đỡ ho, còn ngạt mũi xíu à”... Và những giây phút ấy thực sự ấm áp đến ngọt ngào. Đó cũng chính là động lực mạnh mẽ để chị muốn tiếp tục ở lại chăm sóc F0, dù đã xa gia đình gần 3 tháng.

Nguyện ở lại đến khi thành phố "khỏe mạnh”

Mới đây, được sở Y tế tỉnh Quảng Ninh rút về sau gần 3 tháng đi chi viện cho TP.Hồ Chí Minh, đưa nhóm khác vào thay thế, nhưng 28 nhân viên y tế xuất phát từ ngày 13/7 đã viết đơn tình nguyện xin ở lại để tiếp tục chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Chị Ngà cũng là một trong số những nhân viên y tế nguyện gắn bó với nhiệm vụ đến cùng.

Đời sống - “Nữ chiến binh” áo trắng: Nguyện ở lại đến khi Thành phố 'khỏe mạnh” (Hình 6).

 Các y bác sĩ nguyện ở lại đến ngày TP.Hồ Chí Minh hết dịch.

“TP.Hồ Chí Minh đang khỏe lại từng ngày. Tôi rất muốn tận mắt chứng kiến hình ảnh TP.Hồ Chí Minh năng động như trước đây, muốn nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của người dân. Và đó là lý do tôi quyết định ở lại đến ngày hết dịch, mới trở về”, chị Ngà nở một nụ cười rạng rỡ.

Theo: Người Đưa Tin