Nghệ sĩ Tuyết Liên năm nay 77 tuổi. Hình ảnh của bà thường gắn với những vai diễn bà mẹ nông dân trong các phim đề tài làng quê nhưng ngoài đời, nghệ sĩ Tuyết Liên là phụ nữ gốc Hà Nội, lớn lên trong gia đình khá giả. Bà nói chuyện dí dỏm, vô tư khiến người đối diện luôn thoải mái.
Dù quen mặt với khán giả truyền hình, nhưng bà vốn xuất thân là nghệ sĩ chèo. Bà theo học tại trường Ca kịch dân tộc năm 1959 khi 13 tuổi và được nhận vào đoàn chèo Trung Ương sau khi tốt nghiệp. Không sở hữu chất giọng cao vút để hát chèo nhưng sở hữu khả năng diễn xuất linh hoạt, NSND Phạm Thị Thành yêu thích nên sau 3 năm công tác tại đoàn chèo bà về đoàn kịch nói Trung Ương (này là Nhà hát Kịch Việt Nam) gắn bó cho tới khi nghỉ hưu.
Về với kịch nói, “như cá gặp nước” nghệ sĩ Tuyết Liên thỏa sức thể hiện tài năng nhưng cái duyên thực sự của bà là truyền hình. “Tôi làm ở Đoàn kịch trung ương nhưng nghề tay trái là đóng phim. Tôi có duyên truyền hình hơn là kịch”, bà chia sẻ.
Nhiều phim truyền hình bà góp mặt như: Tình xa, Người đợi ở Pờ Sa,Bão qua làng, Bản tình ca mùa đông, Bó tay chấm com, sitcom Gái ngoan truyền kỳ…. Kể từ Bão qua làng (2014), mới đây bà trở lại màn ảnh nhỏ với phim truyền hình Thông gia ngõ hẹp với hình ảnh một bà mẹ chồng hiện đại nhưng tính cách khó chịu, có nhiều chiêu trò đối phó với con cháu.
Chia sẻ với phóng viên về việc trở lại đóng phim, nghệ sĩ Tuyết Liên cho hay: "Trong phim mới, tôi vào vai bà Thập mẹ của Phúc (do NSƯT Chí Trung đóng), vai này tôi cũng thấy vui và hay, vai diễn khác tôi về hình thức lẫn tính cách ngoài đời. Đây là một bà mẹ chồng sành điệu kiểu "dân chơi phố cổ", biết dùng smartphone, sành sỏi mạng xã hội, sẵn sàng nhảy disco với các cháu… Đạo diễn và chuyên gia trang điểm đã xây dựng hình ảnh cho tôi hoàn toàn phù hợp với tính cách đó.
Ở phim này, tôi cũng diện hơn, tôi thấy mình “vịt hóa thiên nga” bởi đời thường tôi không hề nhuộm tóc hay sơn móng tay, móng chân bao giờ. Ngoài đời, tôi giản dị, xởi lởi, hàng xóm cũng rất quý tôi, nhiều khi ra đường có người hỏi: Chị có phải nghệ sĩ Tuyết Liên không? Ra chợ nhiều người nhận ra nên cũng được ưu ái nhiều".
Kể về việc làm phim, nghệ sĩ Tuyết Liên cho hay: "Tôi không bị choáng ngợp vì cách làm phim bây giờ, tôi tự nhận mình là "con ong chăm chỉ", cần cù bù thông minh. Tôi nhớ đến một vai diễn tôi đóng bà điên trong cảnh quay tốt nghiệp của các em sinh viên, trong phim có cảnh vô cùng vất vả: Tôi phải lăn lộn, gào thét ngụp lặn trong ngòi nước ngập ngụa phân gà, vịt, thậm chí bị tét nước lạnh đổ ào xuống đầu giữa tiết trời mùa đông nhiệt độ hơn 10 độ C… Quay xong phim này tôi nghỉ mất một tuần vì bị sái chân, khản đặc cả cổ... Đó là sự hy sinh của người diễn viên.
Tôi là diễn viên kịch nên đài từ tốt, giọng vang to, diễn xong, ê kíp thường nói: Cô là số 1, nên tôi vui lắm, các cháu yêu quý nên cũng động viên mình vậy. Tôi đóng mẹ hiền cũng được, mẹ ác cũng được... Với phim Thông gia ngõ hẹp, tôi cũng cố gắng nhiều, 2h đêm còn ngồi trong màn học kịch bản, viết xem mai nên đóng thế nào. Tôi không thích đóng hời hợt. Tôi muốn vào vai... lên đồng luôn. Tôi làm việc với 40 đạo diễn rồi mà không ai chê. Cái "say" của tôi không ai là không công nhận".
Nhận xét về cách diễn của NSƯT Chí Trung, nghệ sĩ Tuyết Liên cho hay: "Chí Trung rất thông minh, diễn hài rất duyên, diễn mà như không diễn. Cái hài phải tự nhiên chứ không phải "rặn" ra để cười, để hài. Nếu diễn quá thành kịch. Không riêng gì các diễn viên đóng chung như Chí Trung hay Trọng Trinh, cá nhân tôi đánh giá lớp diễn viên truyền hình trẻ bây giờ rất có tài, có đam mê và tinh thần cầu thị".
Nghệ sĩ Tuyết Liên bộc bạch: "Nhiều người hỏi tôi: Sao bà không làm đơn để xin danh hiệu NSƯT, NSND? Tôi không quan trọng cái đó, tôi không đi xin danh hiệu NSƯT, NSND. Kể cả khi anh Văn Hiệp còn sống, tôi bảo: Anh em mình giống tính nhau, không quan trọng việc đó. Mọi người thấy tôi đủ tiêu chuẩn thì cho, chứ tôi không xin. Cố NSND Trọng Khôi (Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, Trưởng Ban đối ngoại Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) từng nói với tôi: Liên ơi, em đủ tiêu chuẩn để làm danh hiệu NSƯT sao em không xin? Tôi bảo anh ấy: Khó quá anh nhỉ, em không khoái kiểu xin- cho như vậy.
60 năm công tác, tôi có huy chương vàng, lý lịch tốt, hoàn thành vai diễn... Ra đường được khán giả nhận ra. Đấy là cái sướng nhất của người nghệ sĩ. Tôi chỉ là nghệ sĩ của nhân dân, được khán giả nhớ mặt, biết tên là vui rồi".