Đau đáu lo cho bệnh nhân xuất viện
Tp. Hồ Chí Minh những ngày oằn mình chống lại cơn càn quét của dịch Covid-19, đâu đó vẫn có hình ảnh những bệnh nhân mắc Covid-19 xuất viện, được bố trí xe đưa về nhà.
Khi sự sống và cái chết trở thành lắn ranh mong manh trong đại dịch, những chiếc xe chở bệnh nhân xuất viện đem lại tín hiệu lạc quan, niềm tin chiến thắng dịch bệnh. Xin được gọi đó là “những chuyến xe hồi sinh”.
Cổng bệnh viện Hồi sức Covid-19 Tp. Hồ Chí Minh (số 12, đường 400, phường Tân Phú, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh), mỗi ngày đều chuẩn bị sẵn phương tiện, tài xế đưa những bệnh nhân điều trị Covid-19 xuất viện về nơi cư trú.
Đây là hoạt động do bệnh viện Chợ Rẫy, Tp. Hồ Chí Minh, bệnh viện Hồi sức Covid-19 phối hợp hội Phụ nữ Hội và hội Bảo vệ quyền trẻ em Tp. Hồ Chí Minh thực hiện.
Để lên ý tưởng, phương án, triển khai hoạt động thật không hề đơn giản trong thời điểm Tp. Hồ Chí Minh đang căng thẳng vì dịch Covid-19. Mọi hoạt động từ y tế, đời sống dân sinh, kinh tế, xã hội gặp muôn vàn khó khăn.
Th.s Lê Minh Hiển, phòng Công tác Xã hội, Cán bộ quản lý bệnh viện Chợ Rẫy nhớ lại, khi thiết kế quy trình làm việc tại bệnh viện Hồi sức Covid-19, ban Giám đốc đưa ra quy trình, trước khi bệnh nhân xuất viện, phòng Công tác xã hội sẽ điện thoại báo tin vui cho gia đình bệnh nhân.
Đồng thời, mời gia đình đến đón và nhắc họ chuẩn bị 1 bộ quần áo sạch mang theo. Mục đích đảm bảo tuyệt đối kiểm soát nhiễm khuẩn, bệnh nhân sẽ không mang bất cứ đồ dùng, vật dụng gì từ nơi điều trị ra khu vực bên ngoài.
Tuy nhiên, thực tế không diễn ra như kế hoạch. Ngày 26/7, 17 bệnh nhân được bệnh viện gọi điện cho người thân, có đến 16 người gia đình không thể đón bệnh nhân về.
Nguyên nhân do gia đình họ đang trong khu cách ly tập trung, bị phong tỏa, người nhà cũng đang nằm viện điều trị. Có trường hợp đồng ý đến đón nhưng lại không thuê xe được.
Câu chuyện ngày 26/7 này khiến ban Giám đốc, các bác sĩ trăn trở, vì bệnh nhân xuất viện chưa được lo chu toàn.
Ngay sau đó, một lộ trình, kế hoạch hoạt động mang tính chiến lược lâu dài được ban Giám đốc, phòng Công tác xã hội bệnh viện Chợ Rẫy tỉ mỉ vạch ra.
Tuy nhiên, thời điểm này mọi việc không hề dễ dàng, Tp. Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều hoạt động phải tạm ngưng trong đó có các dịch vụ vận chuyển hành khách. Do đó, việc tìm đối tác là cá nhân, đơn vị hỗ trợ đưa đón bệnh nhân không hề đơn giản.
Thông qua đài, báo, phòng Công tác xã hội liên hệ với luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư hội Bảo vệ quyền trẻ em Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ khó khăn.
Qua đó, hai bên bàn bạc và thống nhất phối hợp cùng thực hiện. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Tp. Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ phương tiện, tài xế và lên phương án thực hiện kế hoạch đưa bệnh nhân về nhà.
“Tôi được biết các bác sĩ bệnh viện Hồi sức Covid-19 rất lo lắng, thương bệnh nhân xuất viện trong thời điểm giãn cách xã hội chưa biết về nhà bằng cách nào. Sau đó, Chi hội luật sư bên tôi được đề nghị giúp đỡ việc đưa đón bệnh nhân. Vì trước đó chúng tôi có nhiều hoạt động từ thiện cho trẻ em.
Tôi gặp anh Hiển thống nhất, bước đầu bên hội sẽ hỗ trợ 2 chiếc xe, do 2 luật sư cầm lái. Tiếp theo, tôi sẽ vận động bên hội Phụ nữ Tp. Hồ Chí Minh để tìm cách hỗ trợ thêm.
Tôi gọi điện cho chị Trân, Chủ tịch hội Liên hiệp phụ nữ Tp. Hồ Chí Minh và may mắn bên đó họ đồng ý hỗ trợ thêm ô tô cùng tài xế”, luật sư Ngọc Nữ kể.
Được sự đồng ý của ban Giám đốc bệnh viện, phòng Công tác xã hội tiến hành làm việc với các cơ quan chức năng để thực hiện thủ tục pháp lý, đảm bảo cho phương tiện hoạt động, lưu thông trong thời điểm có dịch Covid-19.
“Chúng tôi cố gắng nhanh nhất, để sáng hôm sau triển khai thực hiện được. Những ngày sau đó, chúng tôi mời lãnh đạo các khoa trong bệnh viện Hồi sức Covid-19 họp, ban hành quy trình xuất viện mới, đạt mục tiêu giảm thời gian chờ cho bệnh nhân.
Tất cả bệnh nhân được xuất viện phải thông tin cho phòng Công tác xã hội, hội Bảo vệ quyền trẻ em Tp. Hồ Chí Minh (trực tiếp là luật sư Nữ) biết để sắp xếp, điều xe hợp lý”, Th.s Hiển cho biết.
Khó khăn nào rồi cũng qua
Th.s Hiển cho biết, trong quá trình triển khai, khó khăn nhất là nguồn nhân lực. Lực lượng mỏng, thời gian này công việc, nhân sự được phân chia nhiều việc. Trong đó, nặng nề nhất là công việc trực online trả lời cho bệnh nhân, tìm thân nhân cho họ trong lúc nằm viện.
“Bệnh nhân đi điều trị thân nhân đâu được theo. Trong khi, có thể thân nhân của họ cũng đang điều trị tại bệnh viện khác, bị cách ly. Trường hợp xấu nhất là đã mất. Do đó, phải cung cấp cho bệnh nhân biết thân nhân họ đang ở đâu, tình trạng ra sao”, ông Hiển cho biết.
Khó khăn nữa là việc đưa những bệnh nhân lớn tuổi về nhà. Những trường hợp này bệnh nhân thường bị lẫn, không nhớ địa chỉ, liên hệ với người thân bệnh nhân không được. Do đó, việc tìm địa chỉ rất lâu, phải nhờ sự hỗ trợ từ quản lý khu phố, rất vất vả cho tài xế.
Công tác chở bệnh nhân xuất viện sẽ bắt đầu từ sáng sớm. Sau khi chuẩn bị xe, khử khuẩn, mặc đồ bảo hộ, đến 10h sáng, tài xế sẽ đón bệnh nhân tại cổng bệnh viện.
Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, đến 15h chiều công việc này kết thúc. Tuy nhiên, không phải ngày nào, chuyến xe nào cũng thuận lợi.
Luật sư Ngọc Nữ cho biết, những người thực hiện công việc này phải hy sinh rất nhiều, nhất là lợi ích bản thân.
“Nhiều người đồng ý cho mượn xe còn tài xế phải tự lo. Mặc dù, tài xế được chích ngừa, khử khuẩn đầy đủ, nhưng tâm lý vẫn không yên tâm, bởi sự an toàn là rất mong manh. Khi về nhà, họ không dám tiếp xúc gần người thân”, luật sư Nữ chia sẻ.
Đồng cảm cùng bệnh nhân
Tính nhân văn của hoạt động này trên tất cả là tình người trong cơn hoạn nạn.
Anh Thái Quang Luật, tài xế chở bệnh nhân xuất viện cho biết, do dịch bệnh nên gia đình anh phải ly tán. Anh đang sống tại huyện Hóc Môn với người con đầu 15 tuổi.
Còn bé gái thứ hai mới 1 tuổi đang ở cùng mẹ tại huyện Cần Giờ. Tuy nhiên, khi nghe nhận thông tin cần tài xế chở bệnh nhân Covid-19 xuất viện về nhà từ hội Phụ nữ, anh Luật xung phong lên đường.
“Công việc rất áp lực, bởi ngoài bản thân mình, còn con cái và an toàn cho cộng đồng. Trong khi những người mình chở là bệnh nhân mới điều trị xong Covid-19, vẫn cần cách ly thêm 2 tuần”, anh Luật cho biết.
Do đó, để đảm bảo an toàn, bản thân tài xế phải thực hiện các biện pháp khử trùng, khử khuẩn theo đúng quy định. Các biện pháp bảo vệ, phòng hộ bản thân phải tuân thủ nghiêm ngặt.
“Trước khi về nhà tôi tắm rửa, khử khuẩn sạch sẽ. Về đến nơi, tôi không dám gặp con, chui vô góc phòng nằm ngủ. Nghĩ cũng chạnh lòng, nhưng hình ảnh những nụ cười khi bà con được xuất viện về đến nhà khiến tôi thấy vui và có động lực, để ngày mai lại tiếp tục công việc”, anh Luật tâm sự.
Anh Luật cho biết thêm, trên những chuyến xe ấy có nhiều kỷ niệm vui buồn đáng nhớ.
Có trường hợp éo le, như một bệnh nhân ở ấp Mỹ Hòa 3, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn. Khi anh gọi điện báo người nhà chuẩn bị đón thì không ai nghe máy.
Anh Luật tìm đến ấp nhờ hỗ trợ nhưng lại hết giờ làm việc. Khi cán bộ ấp có mặt lại không biết bệnh nhân là ai vì người này ở trọ.
May mắn gặp người dân xung quanh biết nơi bệnh nhân ở trọ nên hỗ trợ gọi người thân. Hóa ra, con của bệnh nhân “ngủ quên”, không nghe điện thoại.
Nhiều bệnh nhân xuất viện với tâm trạng vui vẻ khi được sống lại lần thứ hai. Nhưng khi đến nhà, cả khu họ ở phong tỏa, nhà họ bị giăng dây không vào được. Họ buồn vì không biết đi đâu, ở đâu.
Đau lòng hơn, có trường hợp cụ ông lớn tuổi không còn minh mẫn, khi về đến nhà nhìn lên bàn thờ thấy hình người thân mới mất do Covid-19 nhưng không biết đó là ai, chỉ đứng cười một mình.
Hơn 20 năm kinh nghiệm lái xe, trong đó 11 năm làm việc ở hội Liên hiệp phụ nữ Tp. Hồ Chí Minh, anh Luật tâm sự: “Có lẽ trong đời tài xế, đây là những chuyến xe tôi nhớ mãi. Cảm giác hồi hộp, lo lắng, vui mừng, hạnh phúc đan xen. Rồi đau lòng khi bệnh nhân không được gặp lại người thân sau khi ra viện.
Tôi chỉ mong chúng ta sớm vượt qua đại dịch. Những bệnh nhân xuất viện về nhà cần tuân thủ các quy định cách ly tại cơ sở. Họ cũng nên tuyên truyền cho những người khác kinh nghiệm trong việc điều trị khi mắc Covid-19”.
Còn đối với những bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi, khi xuất viện họ vừa vui mừng, vừa biết ơn đội ngũ y, bác sĩ.
Chị N.H.N, 25 tuổi, bệnh nhân điều trị Covid-19 tại bệnh viện Hồi sức Covid-19 cho biết: “Em bị bệnh rất nặng nên phải chuyển vào đây và được các bác sĩ tận tình cứu kịp. Ở đây em các bác sĩ, tình nguyện viên quan tâm, chăm sóc kể cả việc vệ sinh cá nhân cho em và các bệnh nhân khác rất chu đáo.
Mọi người không nên nghe, tin những thông tin không chính xác trên mạng xã hội mà nên yên tâm tin tưởng vào bác sĩ, bệnh viện”.
Niềm vui của bệnh nhân cũng là niềm vui của bác sĩ, cán bộ y tế, những người tổ chức, điều hành hoạt động chương trình đưa đón bệnh nhân Covid-19 về nhà.
“Chúng tôi thấy hạnh phúc khi các bệnh nhân xuất viện được trở về nhà. Mỗi khi bệnh nhân xuất viện, thấy họ chia tay tạm biệt bệnh viện trong niềm vui, chính là động lực để chúng tôi tiếp tục "chạy… chạy… và chạy" nhiều hơn.
Bởi trong những ngày này, nhiều gia đình đã không còn trọn vẹn với nỗi mất mát người thân vì dịch bệnh, vì thế mỗi bệnh nhân được xuất viện là niềm an ủi động viên với đội ngũ bác sĩ, nhân viên bệnh viện. Chúng tôi chỉ mong dịch bệnh sớm kết thúc”, Th.s Hiển không giấu nổi xúc động nói.
Hình ảnh những chuyến xe như con thoi đưa bệnh nhân Covid-19 xuất viện về nhà mỗi ngày, không chỉ là niềm vui, còn là niềm tin dịch bệnh sẽ được đẩy lùi, sự sống lại hồi sinh.
Từ ngày 1 đến 15/8, có 151 bệnh nhân Covid-19 xuất viện, được đưa về tận nhà với sự hỗ trợ của hội Bảo vệ quyền trẻ em Tp. Hồ Chí Minh. Chuyến xe xa nhất là chở bệnh nhân về xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, cách bệnh viện Hồi sức Covid-19 gần 50km.
Bệnh nhân xuất viện được tặng quần áo, giày dép mới. Ngoài ra, họ sẽ được hỗ trợ thực phẩm “đặc biệt”, vì mới ra viện, sức khỏe còn yếu.
“Đây là chương trình nhân văn, mang ý nghĩa tỏa sáng giữa mùa dịch. Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Hồi sức Covid-19, hội Bảo vệ quyền trẻ em, hội Phụ nữ Tp. Hồ Chí Minh cùng tất cả đội ngũ quản lý, vận hành sẽ tiếp tục duy trì cho đến hết thời gian giãn cách xã hội. Bệnh nhân được đi lại thuận lợi mới ngưng”, Th.s Lê Minh Hiển cho biết.
Theo: Người Đưa Tin Pháp Luật