Loạt cơ sở sai phạm bị xử lý
Theo thông báo từ Cổng thông tin điện tử ngành Y tế Bắc Ninh (https://syt.bacninh.gov.vn) ngày 27/10/2023, các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân đã và đang có những đóng góp không nhỏ, đồng hành cùng hệ thống y tế công. Tuy nhiên, nếu không có sự quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở này, nguy cơ xảy ra sự cố sẽ gây ảnh hưởng lớn trực tiếp đến sức khỏe và kinh tế của người dân…
Xác định bên cạnh việc quản lý, tuyên truyền, ngành y tế Bắc Ninh cũng trọng tâm vào thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, chuyên đề, thường kì và đột xuất để kịp thời phát hiện các sai phạm, chấn chỉnh và xử lí vi phạm nếu có.
Thời gian qua, Sở Y tế Bắc Ninh đã phối hợp với các đơn vị liên quan, thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất một số cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh… Đặc biệt, trong năm đã triển khai 09 cuộc kiểm tra, giám sát công tác hành nghề Y, Dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền là 844.100.000 đồng.
Ngành cũng duy trì làm tốt công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo theo đúng trình tự thủ tục của pháp luật quy định. Với những cơ sở hành nghề y, dược tư nhân có sai phạm và bị người dân khiếu nại, tố cáo, Sở Y tế Bắc Ninh sẽ trực tiếp thành lập đoàn thanh, kiểm tra hoặc phối hợp, đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố trực tiếp quản lý cơ sở hành nghề vi phạm đó đến kiểm tra, xác thực và xử lí vi phạm nếu có.
Gần đây nhất, đoàn kiểm tra Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh đã kiểm tra đột xuất việc thực hiện chế độ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại: Công ty Cổ phần Bệnh viện quốc tế Nhân Đức (phòng khám đa khoa Nhân Đức) phát hiện nhiều vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT.
Theo đó, Phòng khám đa khoa Nhân Đức trực thuộc Công ty Cổ phần Bệnh viện quốc tế Nhân Đức được xếp hạng IV và được cấp giấy phép hoạt động từ năm 2018.
Thực hiện kiểm tra, đoàn đã phát hiện các tình trạng như: Một số hồ sơ bệnh án điều trị ngoại trú chỉ định của bác sĩ còn chưa phù hợp với diễn biến bệnh trong điều trị y học cổ truyền hoặc một số chỉ định cận lâm sàng của bác sĩ còn rộng rãi; Thực hiện chưa đảm bảo về thời gian, vượt định mức các dịch vụ kỹ thuật theo Quy định kỹ thuật chuyên môn ngành Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng được Bô Y tế và Phòng khám đã xây dựng; Một số bác sĩ làm việc quá số thời gian làm ngoài giờ theo quy định…
Liên quan đến nội dung trên, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh yêu cầu Phòng khám Đa khoa Nhân Đức không lập thanh toán đối với hồ sơ bệnh án thiếu chỉ định, chỉ định có rộng rãi, chưa rõ ràng, chưa phù hợp với với diễn biến bệnh; Kiên quyết không thanh toán đối với các trường hợp bác sĩ thực hiện dịch vụ kỹ thuật không đảm bảo về thời gian, vượt định mức trong Y học cổ truyền và phục hồi chức năng.
Đồng thời, tổ chức thu hồi về quỹ BHYT của BHXH tỉnh Bắc Ninh năm 2022 số tiền là hơn 43 triệu đồng và giảm chi năm 2023 số tiền hơn 200 triệu đồng đối với các trường hợp thanh toán không đúng, thanh toán thừa theo quy định.
Ngoài ra, đề nghị phòng Giám định BHYT, BHXD tỉnh Bắc Ninh kiên quyết từ chối thanh toán từ quỹ BHYT đối với các bệnh án có biểu hiện lạm dụng chỉ định cận lâm sàng rộng rãi, không phù hợp chẩn đoán bệnh chính hoặc các trường hợp bác sĩ thực hiện dịch vụ kỹ thuật không đảm bảo về thời gian, vượt định mức; quá thời gian làm ngoài giờ theo quy định của pháp luật...
Trước đó, trong tháng 4, Thanh tra Sở Y tế Bắc Ninh thông tin đã xử phạt 2 phòng khám là: Phòng khám Đa khoa quốc tế Nhân Ái bị xử phạt 136 triệu đồng; Phòng khám đa khoa Thành Đô bị phạt 152 triệu đồng do loạt sai phạm trong quá trình hoạt động.
Loạt dấu hiệu vi phạm tại Phòng khám Đa khoa Bắc Ninh
Thời gian qua, báo chí nhận được thông tin về việc Phòng khám Đa khoa Bắc Ninh tại đường Lý Anh Tông, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh) có dấu hiệu hoạt động không đúng quy định, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người bệnh.
Mục sở thị tại cơ sở này, ngày 22/11/2023 phóng viên đã trải nghiệm dịch vụ tại cơ sở này. Tại đây, một nữ nhân viên lễ tân tiến hành kiểm tra thông tin, sau đó dẫn phóng viên lên phòng khám treo biển “Phòng Khám Nội 202”. Khoảng 10 phút sau, một nhân viên nam mặc áo Blouse trắng (đeo biển tên không có thông tin) gọi phóng viên vào phòng khám, trong phòng có 1 nữ nhân viên khác cũng đeo biển tên không thể hiện thông tin.
Sau khi hỏi thông tin cá nhân, nam nhân viên bắt đầu hỏi đến tình trạng sinh lý đang gặp phải. Tiếp đến, người này yêu cầu phóng viên để điện thoại lên bàn và nằm lên chiếc giường đặt trong phòng khám. Sau đó, nam nhân viên tiến hành khám phần bộ phận sinh dục, người này sử dụng bông tăm chọc sâu vào trong niệu đạo để lấy dịch.
Kiểm tra qua loa xong, nam nhân viên và nữ nhân viên tại phòng này tiếp tục yêu cầu người khám xuống tầng 1 để đóng tiền và đưa ra hàng loạt danh mục xét nghiệm như: Máu, Dịch, Vi sinh, nước tiểu, HIV, viêm gan B, tinh dịch đồ, nước tiểu, siêu âm…
Sau khi nộp số tiền gần 1,2 triệu đồng, phóng viên được hướng dẫn đến các phòng chức năng để xét nghiệm máu, siêu âm, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm tinh dịch…
Khoảng hơn 1 tiếng, sau khi được thăm khám, xét nghiệm, phóng viên được yêu cầu trở lại “Phòng Khám Nội 202” để nghe thông báo kết quả xét nghiệm cũng như tình trạng bệnh. Vừa đọc tệp giấy kết quả khám bệnh trên tay, nam nhân viên tại phòng này bắt đầu “phán bệnh” và chỉ ra một loạt bệnh nam khoa (mặc dù phóng viên nhận thấy cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh).
“Dịch niệu đạo có bạch cầu 2+, khi bạch cầu xuất hiện thì có cái viêm nhiễm ở đường niệu. Ở đây có cầu khuẩn, nó gây ra cái viêm đường tiết niệu. Cái này của em là viêm đường tiết niệu, viêm niệu đạo do cầu khuẩn. Cái viêm niệu đạo nó cũng ảnh hưởng đến vấn đề ham muốn và cương cứng” – nam thanh niên nói với vẻ mặt nghiêm trọng.
Điều đáng nói, sau khi “phán bệnh” như bác sĩ và “vẽ ra” nhiều bệnh nam khoa, nam nhân viên này và nữ nhân viên cùng phòng đã yêu cầu phóng viên phải lấy thuốc tại phòng khám về nhà uống mới khỏi bệnh.
Sau đó, nam nhân viên này đọc cho nữ nhân viên kê đơn, bán cho phóng viên 4 loại thuốc, bao gồm: Levofloxacin, cefuroxim, alphachymotrypsin, Luc Khang với tổng số tiền gần 1,3 triệu đồng.
Đặc biệt, trong 4 loại thuốc này có 84 viên nén màu vàng cam, được cho là thuốc “Luc Khang”, được phòng khám này bán ra không có bất kỳ thông tin sản phẩm hay tem mác, nội dung thể hiện nguồn gốc, xuất xứ… , giá thành lên tới 15 nghìn đồng/1 viên nhưng những viên nén này chỉ được đóng gói sơ sài vào túi bóng.
Phòng khám Đa khoa Bắc Ninh thực hiện luôn việc bán thuốc cho khách hàng tại phòng khám, nhiều loại thuốc không có bất kỳ thông tin về sản phẩm.
Ngoài những biểu hiện vi phạm kể trên, việc treo biển hiệu thiếu thông tin tại Phòng khám Đa khoa Bắc Ninh cũng có dấu hiệu sai quy định.
Cụ thể, qua khảo sát ngày 22/11/2023, phòng khám này được Sở Y tế Bắc Ninh cấp phép ngày 24/10/2023 với tên đầy đủ là “Phòng khám Đa khoa Bắc Ninh thuộc Công ty cổ phần đầu tư phát triển DA Group”, nhưng trên biển thực tế 2 tấm biển lớn treo bên ngoài phòng khám chỉ thể hiện dòng chữ “Phòng khám Đa khoa Bắc Ninh”. Việc thiếu một phần thông tin tên cơ sở thể hiện trên biển tại phòng khám cũng dễ gây hiểu nhầm cho người bệnh.