Nét kiến trúc nhà ở độc đáo của người Mông ở Hà Giang

27/09/2020 09:32

Sống trên đá, xây nhà bằng đá, đặc biệt là bờ rào đá là một trong những nét kiến trúc độc đáo của đồng bào người dân tộc Mông sinh sống ở Cao nguyên đá Đồng Văn và ở huyện Mèo Vạc, Hà Giang.

Trên những con đường men theo sườn núi lên cao nguyên đá, Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang, du khách luôn bị thu hút bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Không những vậy, họ còn bị lôi cuốn bởi cảnh đẹp của những bản làng đồng bào các dân tộc mang lối kiến trúc độc đáo, trong đó nổi bật nhất là những ngôi nhà trình tường của đồng bào Mông.Các ngôi nhà đều có màu nâu vàng của tường đất, nổi bật giữa những hàng rào đá màu xám tạo nên một bức tranh hoang sơ, kỳ bí, khiến bất cứ ai khi đi ngang qua cũng muốn dừng lại ngắm nhìn.

Bờ rào đá bao quanh nhà trình tường của đồng bào người Mông ở thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn (Hà Giang)

Dân tộc Mông đã hàng trăm năm nay sống trên các triền núi đá cao, khí hậu lạnh khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến kiến trúc nhà ở truyền thống của người Mông. Từ quan niệm sống, môi trường sống đã hình thành nên nét độc đáo trong văn hóa kiến trúc của ngôi nhà trình, tường bằng đất, lợp ngói hay lợp lá tranh phù hợp với cuộc sống của họ, với ưu điểm vừa giữ ấm về mùa đông, mát mẻ trong mùa hè và lại có thể chống được kẻ gian, thú dữ…

Nhà trình tường theo cách giải thích của người dân ở đây có nghĩa là có tường nhà làm bằng đất. Để trình tường nhà, bà con phải làm những chiếc khuôn gỗ có chiều dài 1,5 m, rộng 0,45 m – 0,5 m. Khi trình tường, người ta đổ đất đầy khuôn gỗ, dùng những chiếc vồ nền chặt đất. Đất dùng để trình tường phải được loại bỏ sạch rễ cây, đá to, cỏ rác. Khi tiến hành trình tường, người ta huy động vài chục thanh niên trai tráng trong làng đến giúp; cứ như vậy khuôn nọ nối tiếp khuôn kia cho đến khi hoàn thành.

Bờ rào đá ở thôn Ca Ha, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc (Hà Giang)

Những bức tường nhà được đập bằng phẳng, vuông vức, chắc chắn. Sau khi trình tường xong, gia chủ mới tiến hành chọn ngày tốt, hợp với tuổi chủ nhà mới để vào rừng chặt hạ cây cột cái, cây đòn nóc và tiến hành lợp mái. Về tổng thể, kiến trúc ngôi nhà của người Mông, dù to hay nhỏ đều phải có 3 gian 2 cửa (gồm một cửa chính, một cửa phụ và thường có 2 cửa sổ. Ngôi nhà có thể có một hoặc 2 chái nhà. Ba gian nhà chính của người Mông được sắp xếp hợp lý. Gian bên trái dùng để đặt bếp nấu nướng và buồng ngủ của vợ chồng gia chủ; gian bên phải dùng để đặt bếp sưởi và giường khách; gian giữa thường rộng hơn 2 gian bên và là gian để bàn thờ tổ tiên, đồng thời cũng là nơi tiếp khách, ăn uống của gia đình.

Sống trên đá, xây nhà bằng đá, đặc biệt là bờ rào đá là một trong những nét kiến trúc độc đáo của đồng bào người dân tộc Mông sinh sống ở Cao nguyên đá Đồng Văn nói chung và ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang

Vào thăm nhà trình tường của anh Giàng Mí Sử dân tộc Mông ở huyện Mèo Vạc, chị Hà Thị Liên du khách ở tỉnh Tuyên Quang nhận xét: "Khi mà bước vào cửa ngôi nhà này cho tôi cảm giác rất thoải mái, không gian khá rộng. Đặc biệt ở giữa sân có một khoảng sân lát đá cho trẻ con vui đùa tạo nên cảm giác ấm áp, bình yên."

Cửa chính nhà của ngưòi Mông thường làm bằng gỗ tốt. Cửa bao giờ cũng mở vào trong chứ không mở ra ngoài. Người Mông không sử dụng bản lề, then chốt cửa làm bằng sắt mà làm hoàn toàn bằng gỗ, bởi người Mông coi cánh cửa mở ra đóng vào là lòng bụng con người, nếu làm bản lề sắt thép là những vật cứng được ví như dao kiếm, như thế không thể hiện lòng tốt, sự hiếu khách của chủ nhà. Ngoài cửa chính, nhà của người Mông còn có cửa phụ, là lối để đưa đồ dùng cho người chết vào nhà lúc tang ma. Chỉ khi đưa ra nghĩa địa mới đi qua cửa chính. Một nét độc đáo nữa trong cấu trúc nhà truyền thống của người Mông là tất cả các ngôi nhà thường được xếp đá làm hàng rào.Để có được hàng rào đá hoàn chỉnh bao quanh ngôi nhà và mảnh đất rộng chừng 200 – 300 m2, gia chủ cùng với người thân có khi phải mất hàng tháng trời nhặt những mảnh đá vỡ quanh nhà về xếp thành hàng rào đá. Những viên đá có kích cỡ khác nhau với nhiều góc cạnh được xếp lèn vào nhau, tạo nên bức tường bao kiên cố, phẳng mà không cần sử dụng chất kết dính nào. Chiếc cổng gỗ có mái và dán giấy đỏ xen giữa bờ rào đá trước nhà, được người Mông trang điểm tạo nên vẻ ấm cúng giữa cái lạnh mùa đông ở Cao nguyên đá.

Bờ rào đá của gia đình anh Vừ Mí Sử thôn Ca Ha, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc (Hà Giang)

Đứng bên hàng rào đá trước ngôi nhà của mình, anh Thà Minh Chơ dân tộc Mông ở huyện Mèo Vạc, giải thích: "Đồng bào Mông mình xếp hàng rào đá rộng như vậy để bảo vệ. Vào mùa nắng không nóng, còn mùa lạnh thì bớt rét. Mà các tường đá nó cũng che được gió".

Điều ấn tượng nhất trong kiến trúc nhà của người Mông là bên những hàng rào đá, đồng bào luôn trồng những cây đào, cây mận, cây mơ. Khi mùa xuân đến, nét đẹp nguyên sơn, thơ mộng màu xám của hàng rào đá và màu nâu vàng của ngôi nhà trình tường lại được tô điểm bởi màu đỏ của hoa đào, màu trắng muốt của hoa mơ, hoa mận, hoa lê…tất cả như hòa quyện tạo thành một bức tranh thiên nhiên độc đáo giữa cao nguyên đá.

Trải qua hàng thế kỷ, người Mông Hà Giang ngày nay vẫn không ngừng sáng tạo để cải tiến ngôi nhà truyền thống của mình cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, cũng như trong sinh hoạt, lao động sản xuất mà vẫn không quên gìn giữ những nét đặc trưng truyền thống của dân tộc.

Kiến trúc nhà ở của người Mông ở Hà Giang - ảnh 4

Hàng rào đá rộng để bảo vệ, mùa nắng không nóng, mùa lạnh bớt rét

Bờ rào đá còn có thể được ví cho sự chu đáo của người đàn ông trong gia đình người Mông, bờ rào càng to, càng đẹp, càng vững chắc thì càng chứng tỏ người đàn ông trong gia đình đó càng chu đáo, là trụ cột giỏi của gia đình

Ngọc Anh (t/h)
Bạn đang đọc bài viết "Nét kiến trúc nhà ở độc đáo của người Mông ở Hà Giang" tại chuyên mục Xã hội. Thông tin liên hệ hotline: 0903.636.778 ; Email: toasoan.arttimes@gmail.com