Ngày 6/10, bác sĩ Phan Đình Thảo, Phó Trưởng khoa Ngoại tim mạch - Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết, đơn vị vừa cấp cứu thành công, cứu sống cụ bà Võ T.B. (78 tuổi, ngụ huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) bị phình động mạch chủ bụng, vỡ trong tình trạng rất nguy kịch.
Trước đó, lúc 2h26 ngày 28/9, bà B. được Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam chuyển cấp cứu tới Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng đau bụng dữ dội quanh rốn. Bệnh nhân không có tiền sử đau bụng, chỉ đột ngột đau bụng trước khi vào viện 5 tiếng đồng hồ.
Tại Bệnh viện Đà Nẵng, qua thăm khám cho thấy, bệnh nhân có phản ứng thành bụng, huyết áp tụt nên được nghi ngờ phình động mạch chủ bụng đã vỡ. Ngay lập tức, các bác sĩ chuyên khoa Ngoại tim mạch, Ngoại tiêu hóa, Chẩn đoán hình ảnh và Gây mê hồi sức tiến hành hội chẩn, thống nhất chỉ định mổ cấp cứu cho bệnh nhân.
Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển vào phòng mổ cấp cứu. Ê-kíp các bác sĩ Ngoại tim mạch, Ngoại tiêu hóa, Gây mê hồi sức tiến hành gây mê, mở bụng, phát hiện khối máu tụ sau phúc mạc rất lớn chiếm gần hết ổ bụng do phình động mạch chủ bụng vỡ. Bệnh nhân được mở khối máu tụ lấy ra máu cục và máu tươi khoảng 1.500ml.
Tiếp đó, các bác sĩ vừa hồi sức truyền máu vừa phẫu thuật thay thế đoạn động mạch chủ bụng đã vỡ cho bệnh nhân. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa kíp phẫu thuật và gây mê hồi sức, sau gần 5 giờ phẫu thuật, ca mổ đã thành công. Hiện tại, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, bụng không còn đau, tự ăn uống và đi lại được.
Theo bác sĩ Thảo, đây là trường hợp hết sức nguy kịch, có khả năng tử vong cao nếu đến bệnh viện chậm trễ. Bệnh nhân đau bụng ngay đêm bão số 4 đổ bộ nhưng rất may mắn đã được Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng nhanh chóng. Hơn nữa, nhờ sự chẩn đoán kịp thời và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa đã cứu sống bệnh nhân một cách ngoạn mục.
Bác sĩ Thảo cho biết thêm, phình động mạch chủ bụng vỡ là một trong những bệnh lý tối cấp cứu, tỉ lệ tử vong rất cao mặc dù đã được phẫu thuật. Nếu chẩn đoán không kịp thời để thực hiện phẫu thuật sẽ đe dọa đến tính mạng người bệnh.
“Phình động mạch chủ bụng là bệnh lý rất nguy hiểm, ít gặp vì khối phình động mạch nằm sâu trong bụng. Bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng đau bụng mơ hồ trong suốt quá trình ủ bệnh, cho đến khi các triệu chứng đột ngột xuất hiện khi khối phình dọa vỡ hoặc vỡ. Đặc biệt, ở những bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nhân mắc các bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch… cần lưu ý và nên đi khám sức khỏe định kỳ, siêu âm bụng để giúp phát hiện và điều trị bệnh sớm”, bác sĩ Thảo khuyến cáo.
Bên cạnh đó, bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, tình hình bệnh nhân B. lúc vào viện hết sức nguy cấp. Bệnh nhân vào cấp cứu lúc 2h26 ngày 28/9, ngay lúc bão số 4 đổ bộ. Lúc này, bệnh viện đã bố trí sẵn nhân lực trực cấp cứu và chuyên môn nên đã kịp thời huy động lực lượng cứu sống bệnh nhân.
Bệnh viện luôn sẵn sàng phương châm “4 tại chỗ” phòng chống thiên tai. Đợt bão số 4 vừa qua, ngoài nhân lực trực bão, mỗi khoa, phòng còn bố trí 2 kíp trực tại bệnh viện vào ngày 27, 28/9 để đảm bảo hoạt động chuyên môn. Bên cạnh đó, bệnh viện còn thành lập tổ cấp cứu nội viện và ngoại viện sẵn sàng phương án cấp cứu bệnh nhân và phương án cấp cứu lưu động.