Mía đắng Gia Lai - Bài 1: Vạc nông dân từ "nạc đến xương"!

05/03/2022 21:49

Nhiều năm qua, người nông dân trồng mía ở vùng nguyên liệu phía Đông tỉnh Gia Lai "khóc không thành tiếng" bởi giá bán mía rẻ mạt và thiệt đơn thiệt kép khi Nhà máy đường An Khê "mập mờ" trong cách tính chữ đường, tạp chất, khối lượng.

Vạc nông dân từ nạc đến xương!

Hơn 20 năm về trước, bà con nông dân trồng mía ở phía Đông Gia Lai vui mừng khôn siết khi hay tin Nhà máy đường An Khê với quy mô rất lớn sắp được xây dựng trên vùng đất này. Thế nhưng…!

mia-7-895-1646467658.jpg

Người nông dân vùng nguyên liệu mía phía Đông Gia Lai "khóc không thành tiếng" bởi thu nhập từ mía ngày càng thấp

Rời quê đi trồng mía

Nhà em bây giờ không còn trồng mía nữa, chỉ có một ít ớt thôi. Nhưng mà gần đây có chú Thiện (tên nhân vật được thay đổi vì một vài lý do khách quan - PV) rất hiểu về mía, chú ấy vừa thu hoạch xong 1ha mía phía trước nè. Kìa kìa, chú ấy kìa…!”, chị Nguyễn Thị Lài (32 tuổi, ở Đắk Pơ, Gia Lai) vừa nói vừa chỉ tay về phía mặt trời lặn, nơi có hai vợ chồng nông dân đang cặm cụi tưới ruộng ớt cao hơn đầu gối đang bắt đầu ra trái.

Chúng tôi vội vã băng qua cánh đồng mía vừa chặt xong còn trơ gốc trên mảnh đất khô cằn phủ một lớp lá héo úa để đến gặp chú Thiện đang tắt máy bơm, thu ống nước vào chòi, chuẩn bị lên chiếc xe wave cũ về nhà sau một ngày “phơi nắng”. Biết chúng tôi về ghi nhận vụ mía, chú dựng xe, đá chóng rồi ngồi lên yên, cười mấy tiếng và bắt đầu kể.

Khoảng hơn 20 năm trước, chú để lại vợ con ở quê khăn gói một mình lên Đắk Pơ, Gia Lai làm nông nghiệp. Kinh tế địa phương khi đó chẳng có gì, nơi này cũng ít người sinh sống, đa phần đều bà con tứ xứ đến lập nghiệp rồi tụm lại cùng nhau, thành xóm thành làng. Ban đầu, chú khẩn hoang một vài mảnh đất trồng mía trồng mì nuôi thân.

Thời điểm năm 2000, mía được trồng chủ yếu để chế biến đường thủ công phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương hoặc bán cho các nhà máy đường ở tỉnh lân cận. Thu nhập từ mía không mấy ổn định, hiệu quả thấp, giá cả rẻ mạt. Một số người bỏ mía để trồng các loại hoa màu ngắn ngày khác. Diện tích mía toàn vùng Đông Gia Lai gồm các huyện Kbang, Kông Chro, Đak Pơ và Thị xã An Khê thời điểm ấy chỉ chừng hai ba ngàn hecta. “Hồi đó ở đây bà con sống tạm bợ bằng mía bằng mì. Khi Nhà máy đường An Khê đến, bà con phấn khởi lắm. Từ đó, nhiều người quay lại với cây mía, riêng nhà chú có khoảng 1ha”, chú Thiện nhớ lại.

mia-8-9451-1646467832.jpg
Ruộng mía vừa mới bán của chú Thiện

Theo nghề mía được một thời gian, sẵn biết chút chữ nghĩa cộng thêm tài buôn bán, chú bắt đầu làm quen với một vài thương lái lớn của nhà máy đường, học nghề rồi kết nối với những nông dân có đất để mở rộng việc trồng mía. Đến khoảng năm 2006-2007, có ít vốn trong tay, chú bắt đầu nghĩ lớn rồi kết hợp cùng người dân để trồng mía theo giao khoán từ nhà máy. Lúc đỉnh điểm, diện tích mía do chú quản lý lên đến 10ha, mỗi năm đảm bảo đáp ứng 500 tấn mía nguyên liệu cho nhà máy đường.

Chú lo việc tìm hiểu kỹ thuật trồng mía, chịu trách nhiệm nhận khoán giống, phân bón… từ nhà máy rồi làm việc cùng các thương lái lớn để đảm bảo đầu ra. Bà con nông dân thì giao đất “nhàn rỗi” cho chú rồi bỏ công làm lời. Ai muốn tự trồng mía nhưng không có vốn, không có kiến thức đều được chú hướng dẫn rồi hỗ trợ làm giấy tờ, thủ tục vay vốn từ Ngân hàng. Chỉ một hai năm sau, khu vực nơi chú sinh sống bạt ngàn mía, đến mùa vụ, cờ lau trổ trắng cả một góc trời.

Mỗi ruộng mía từ lúc bắt đầu xuống giống đến khi thu hoạch kéo dài tròn một năm, cho ăn liên tiếp 3 đến 5 năm vụ thì phải cày lên, làm đất lại và thay giống mới. Những ruộng mía mới trồng lần đầu ngốn rất nhiều chi phí bởi việc cày xới, mua giống…, những vụ sau tốn nhiều tiền cho phân bón, thuốc men để đảm bảo sức sống cho cây mía sau khi chặt vụ đầu.

Tháng Chạp là tháng người dân Đắk Pơ bận rộn nhất trong năm, nhiều loại cây lương thực hoa màu vào vụ Tết và mía cũng không là ngoại lệ. Do vùng trồng mía thường là trên đồi đất cao, không có nước tưới nên chất lượng mía phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Năm nào mưa nhiều thì mía cao, to, nhiều nước, nặng ký và ngược lại sẽ lùn, nhỏ, ít mật, nhẹ cân.

mia-3-6643-1646467922.jpg
Mía là cây trồng chủ lực cho thu nhập chính của người dân Đông Gia Lai

Theo chú Thiện, việc thu hoạch mía, vận chuyển về nhà máy mất nhiều thời gian và cực lắm, từ chặt mía, róc lá, cột thành bó rồi vác lên xe tải đều phải làm thủ công. Thời điểm hơn 10 năm trước, nguồn cung mía còn ít trong khi nhu cầu cho nhà máy cao nên bà con thi nhau xuống giống, từ vài chục rồi lên cả trăm hecta mía, chỉ tính riêng ở xã Tân An. Khu vực phía Đông Gia Lai trở thành vùng nguyên liệu khổng lồ với diện tích mía lúc đỉnh điểm lên đến hàng chục ngàn hecta mía.

Mía vươn lên là cây trồng chủ lực cho thu nhập chính của người dân quê. Bấy giờ đất đai tuy không màu mỡ nhưng chưa bị bạc màu, mất dưỡng chất, mía lớn lên thân dài, đốt rộng, cứng cáp, nhiều nước. Diện tích mía còn ít nên được nhà máy thu mua giá cao. Người trồng mía sau một vụ cũng dư giả ít đồng, cuộc sống tương đối ổn định, có vốn tiếp tục đầu tư vụ sau, vài người tích lũy tiền một thời gian thì xây cất được nhà, mua xe, mua máy móc làm mía tiếp…

Buông bỏ sau 20 năm sống chung với mía

Thế nhưng, ngày vui không kéo dài được quá lâu. Nhiều năm gần đây, người trồng mía ở vùng nguyên liệu phía Đông Gia Lai liên tục phá ruộng mía bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngay đến cả chú Thiện, người gắn bó 20 năm với cây mía cũng nản lòng mà buông bỏ. Bởi thu nhập từ cây mía ngày càng teo tóp, khá lắm cũng chỉ dư được mấy đồng.

mia-4-9330-1646468193.jpg
Nhiều khu vực ở Đắk Pơ, người dân chấp nhận phá mía để trồng loại cây khác

Cuộc trò chuyện kéo dài đến chạng vạng, chú Thiện thở dài mấy lần rồi dẫn chúng tôi ra ruộng mía vừa thu hoạch. Nhìn từ trên cao xuống cả một khu vực rộng lớn chẳng còn mía là bao, bắt đầu xuất hiện thêm mì và ớt. “Giờ chú chỉ còn làm 1ha này thôi, xe mới vào chặt chở đi mấy ngày. Chú nghe nhà xe báo về là được 100 tấn nhưng mà chú chưa nhận được phiếu cân mía từ nhà máy gửi cho nhà xe”.

100 tấn trên 1ha là hiệu quả hay không ha chú?”, chúng tôi hỏi?

Hiện nay, giá đường trên thị trường đã hơn 20.000 đồng/kg.

Theo ghi nhận của phóng viên, đường trắng An Khê được Bách Hoá Xanh bán với giá 24.000 đồng/kg. Nhiều cửa hàng, tiệm tạp hoá khác có giá hơn 20.000 đồng.

Các loại đường khác như Biên Hoà, Xuân Hồng, Nghệ An có giá dao động từ 20.000 đồng - 35.000 đồng/kg.

Trong khi đó, người nông dân Gia Lai đang bán mía cho Nhà máy với giá tương đương chỉ trên dưới 1.000 đồng/kg.

Như vậy là hiệu quả, nhưng còn giá cả thì khó nói vì tuỳ thuộc vào chữ đường (CCS - là đơn vị khối lượng đường - PV) trong mía. Chữ đường cao thì giá cao và ngược lại. Nếu chữ đường là 10 thì 100 tấn mía được 100 triệu đồng, nhưng đa phần khó đạt được điều này, mặt bằng chung là 7, tức 100 tấn được 70 triệu đồng, nếu chữ đường 6 thì nông dân được 60 triệu đồng. Như hiện nay (cuối 1/2022), mía của chú được chữ đường 7 hay 7,5 gì đó. Do chú chưa nhận được hoá đơn nên khó mà giải thích cặn kẽ”, chú Thiện nói rồi than thở:

Nhưng mà không phải một năm lời được nhiêu đó đâu con. Thực tế là chú đây, 100 tấn mà chữ đường là 7,5 thì chú nhận được 75 triệu đồng (tương đương 1kg đường được mua với giá 750 đồng), về trừ chi phí các thứ ra chỉ còn chừng 30 triệu thôi, đó là nhà chú có sẵn máy móc để tưới nước bón phân. Nhà nào phải thuê máy móc vào làm thì chỉ còn 20-25 triệu, mà đó là mía đạt năng suất cao (khoảng 100 tấn/ha) chứ năng suất thấp thì tầm 5-10 triệu là mừng.

Trong 75 triệu chú cầm về thì phải trừ khoảng 38% cho chi phí vận chuyển (16%) và bốc vác (22%). Tiền cho vận chuyển và bốc vác thì người dân có thể thoả thuận với nhà xe, thường nhà xe do các thương lái cử vào, có thể dao động từ 36-38%. Chưa hết, tiền phân bón giờ cao lắm, gần 1 triệu đồng/bao. Mà một hecta không biết bao nhiêu phân cho đủ, một năm xuống 2 lần. Rồi chi phí chăm sóc cả năm, nhà nào lấy công làm lời thì dư chút đỉnh ăn Tết. Sau đó lại phải đi vay để tiếp tục đầu tư hoặc hợp tác góp đất - bỏ tiền”.

mia-9-6090-1646468398.jpg
Một hóa đơn thu mua mía của Nhà máy đường An Khê

Rời ruộng mía, chúng tôi cùng về nhà chú Thiện cách đó chừng một cây số đường đất. Chú đi ra đi vô mấy vòng rồi dẫn chúng tối ra một thùng giấy đặt bên hông nhà. “Giấy tờ, biên lai mua mía chú nhiều lắm, mà đợt Tết vừa rồi chú dọn đâu hết, để chú tìm lại cho tụi con xem. Làm mía cực lắm, lúc chú còn làm 10ha thì kinh tế cũng khá, nhưng giá mía ngày càng đi xuống, năm được mùa thì mất giá, lúc giá cao thì hiệu quả chẳng bao nhiêu. Có năm chú đổi giống mía, năng suất cao lắm 150 tấn/ha nhưng mà chữ đường lại thấp nên phải bỏ. Chú cố gắng một thời gian rồi rút, chỉ giữ lại 1ha trồng mía mấy năm nay”.

Loay hoay một lúc không tìm thấy những mẩu giấy như ý muốn, chú vội gọi điện rồi đưa chúng tôi sang nhà chú Ba (tên nhân vật được thay đổi - PV) - là anh em làm nghề với nhau. Chú Ba vừa bán được khoảng hơn 63 tấn mía. Mượn hoá đơn của nhà máy gửi cho chú Ba, chú Thiện giải thích: “Trong phiếu này nói, mía qua cân là hơn 29.000kg, tạp chất 3 phẩy tức sẽ bị trừ ra gần 900kg (còn khoảng 28.100kg), CCS là chữ đường được hơn 9 phẩy tức hơn 900.000 đồng/tấn (tương đương 900 đồng/kg đường). Thành tiền là hơn 28 triệu đồng. Nhà máy sẽ chi trả lại cho người dân một phần tiền vận chuyển là 140.000 đồng/tấn (tức 14%, trong khi nhà xe “chặt” đến 16%), với xe chở 28.100kg sẽ được trả khoảng 4 triệu đồng. Cộng cả hai lại, chú Ba được hơn 32 triệu đồng”.

Tương tự với xe còn lại đạt hơn 34.000kg khi qua cân, chú Ba bán được hơn 38 triệu đồng với chữ đường hơn 9 phẩy. Cả thảy hơn 63 tấn mía, chú Ba có được hơn 70 triệu đồng. Chú Ba lấy ra một tờ giấy tính toán thu chi nói thêm: “Sau khi trừ chi phí vận chuyển, tiền công, phân, thuốc và tiền mượn, thì chú còn khoảng 20-25 triệu gì đó thôi, tức một năm làm được nhiêu đó thôi, không có nhiều đâu”.

Trong khi đó, chị Hiền ở Thị trấn Đắk Pơ (huyện Đắk Pơ) lắc đầu ngao ngán khi nhìn ruộng mía đang thu hoạch. "Ruộng mía này là nhiều khả năng sẽ lỗ. Em nhìn đi, mía lùn vậy thì bán không được bao nhiêu đâu. Nếu may mắn lắm thì chỉ có lời cỡ 5 triệu đồng thôi em", chị Hiền nói tiếp:

Hiện nay, giá đường ngoài thị trường đã hơn 20.000 đồng/kg. Nhưng nhà máy mua mía đầu vào, tính ra mỗi ký đường chỉ trên dưới 1.000 đồng. Người trồng mía như chị nhìn giá đường mà rớt nước mắt. Làm mía bao năm nay, chị càng cảm thấy bị ép đủ đường. Cả năm trời vất vả, lấy công làm lời, cuối cùng cũng chẳng được bao nhiêu, bù qua bù lại là hết. Thật sự rất muốn bỏ”.

Tất cả những nông dân khi gặp chúng tôi đều chung nỗi niềm, mấy năm nay thu nhập từ trồng mía vô cùng bấp bênh. Nhiều người mạnh dạn buông bỏ để tìm đến loại cây trồng khác nhưng cũng có không ít bà con không thể thoát ra được vòng xoáy của “cuộc chơi” mang tên chữ đường, tạp chất, khối lượng.

Tây Côn - Đỗ Hưng - Tiến Đạt
Bạn đang đọc bài viết "Mía đắng Gia Lai - Bài 1: Vạc nông dân từ "nạc đến xương"!" tại chuyên mục Xã hội. Thông tin liên hệ hotline: 0903.636.778 ; Email: toasoan.arttimes@gmail.com