Làm mới sản phẩm du lịch và 7 giải pháp thúc đẩy tăng trưởng

Sau dịch bệnh Covid-19, Việt Nam nói chung và Tp.Đà Nẵng nói riêng cần đi trước và đi nhanh trong việc kích cầu du lịch để thu hút du khách trong và ngoài nước.

Ngày 7/4, trong họp báo công bố chương trình kích cầu du lịch Tp.Đà Nẵng 2022, ông Phạm Văn Thuỷ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, dịch Covid-19, năm 2020 và 2021 là khoảng thời gian thực sự khó khăn, vất vả đối với ngành du lịch.

Là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, ngành du lịch miền Trung không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Hiện nay, ở Việt Nam, tình hình dịch bệnh trên cả nước cơ bản được kiểm soát tốt. Đó là cơ sở để chúng ta hy vọng các hoạt động du lịch cả nội địa và quốc tế sớm bình thường trở lại.

Kinh tế vĩ mô - Làm mới sản phẩm du lịch và 7 giải pháp thúc đẩy tăng trưởng

Ông Phạm Văn Thuỷ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng để kích cầu du lịch hiệu quả cần làm mới sản phẩm và làm sản phẩm mới.

Trong bối cảnh như vậy, kế hoạch phục hồi du lịch Việt Nam cần tính toán trên nhiều phương diện; tiếp tục đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa và có những bước chuẩn bị tích cực cho việc mở lại các hoạt động du lịch quốc tế. Điều quan trọng, để kích cầu du lịch hiệu quả cần làm mới sản phẩm và làm mới sản phẩm du lịch.

Thứ nhất, cần đẩy mạnh các hoạt động phục hồi và phát triển du lịch trong một bối cảnh mới. Hoạt động quản lý kinh doanh du lịch phải vừa đảm bảo mục tiêu phục hồi, phát triển, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, có phương án phản ứng nhanh với mọi tình huống khi dịch có nguy cơ bùng phát

Thứ hai, cần chú trọng phát triển sản phẩm mới, đổi mới sản phẩm hiện có phù hợp với nhu cầu thị trường thay đổi do dịch bệnh.

Các sản phẩm dành cho khách du lịch cá nhân hoặc theo nhóm nhỏ nhưng nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch sinh thái, đánh golf, du lịch cuối tuần dành cho gia đình, nhóm nhỏ, điểm đến gần trung tâm thành phố, có thể dễ dàng tiếp cận bằng xe tự lái.

Thứ ba, cần thắt chặt hơn nữa những mối liên kết đã và đang hình thành, tạo thành sức mạnh chung, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhân dịp này, Tp.Đà Nẵng đẩy mạnh hơn nữa liên kết với các địa phương khu vực miền Trung cũng như các tỉnh, thành trong cả nước, hình thành và triển khai hiệu quả các liên minh kích cầu, thu hút, trao đổi khách.

Thứ tư, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.

Thứ năm, một vấn đề cũng hết sức quan trọng là cần quan tâm, chuẩn bị nguồn nhân lực du lịch cả về số lượng và chất lượng.

Thứ sáu, cần quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là khuyến khích các doanh nghiệp sáng tạo phát triển sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường trong bối cảnh mới.

Kinh tế vĩ mô - Làm mới sản phẩm du lịch và 7 giải pháp thúc đẩy tăng trưởng (Hình 2).

Công viên khủng long tại khu du lịch suối khoáng nóng Núi Thần Tài là sản phẩm du dịch mới ở Tp.Đà Nẵng. 

Thứ bảy, đối với thị trường quốc tế, chúng ta cũng cần những bước chuẩn bị tích cực về sản phẩm, năng lực phục vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các hoạt động du lịch quốc tế.

Hầu hết các nước trên thế giới đều có xu hướng mở cửa du lịch, do đó, Việt Nam nói chung và Tp.Đà Nẵng nói riêng cần đi trước và đi nhanh trong việc kích cầu du lịch để thu hút du khách trong và ngoài nước, nếu không chỉ dậm chân tại chỗ hoặc tụt hậu.

“Để khôi phục ngành du lịch sau thời kỳ khủng hoảng do dịch Covid, cần có sự vào cuộc tích cực của tất cả các bên liên quan từ trung ương tới địa phương, Tổng cục Du lịch đang và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong cả nước, bao gồm Tp.Đà Nẵng, các doanh nghiệp cùng đẩy mạnh truyền thông kích cầu du lịch nội địa, sẵn sàng chào đón khách quốc tế trở lại Việt Nam”, ông Thuỷ nhấn mạnh.

 

Nguyễn Duy