Sáng 7/6, Thanh tra Tp.Cần Thơ công bố kết luận thanh tra về việc mua sắm và sử dụng các trang thiết bị, vật tư, phương tiện phòng, chống dịch, các loại xét nghiệm chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định Covid-19 tại Sở Y tế và cơ quan, đơn vị có liên quan.
Thanh tra Thành phố này tiến hành thành lập Đoàn thanh tra thực hiện thanh tra tại Sở Y tế, các đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân quận, huyện. Kết quả thanh tra, trong năm 2020 và năm 2021 các đơn vị đã thực hiện mua sắm 576 gói thầu, tổng giá trị là 276.567.700.000 đồng.
Tại Sở Y tế, đơn vị mượn hàng và ký hợp đồng nguyên tắc tạm ứng hàng theo doanh số với nhà thầu sau đó chỉ định thầu sau là chưa phù hợp với các nguyên tắc về đấu thầu được quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật Đấu thầu.
Một số gói thầu không tổ chức thuê đơn vị thẩm định giá mà tự thành lập Tổ mua sắm là chưa đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật giá số 11/2012/QH.13.
Việc lựa chọn nhà thầu của một số gói chưa đáp ứng năng lực thực hiện ngay gói thầu là không đúng với quy định tại khoản 1 Điều 56 Nghị định 63/2014/NĐ-CP.
Một số gói thầu không thực hiện đủ các bước đối với chỉ định thầu theo quy trình rút gọn, không có ba bảng báo giá để làm cơ sở chỉ định thầu và xác định giá gói thầu, chưa đăng tải công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo đấu thầu,...
Hồ sơ đấu thầu của một số gói thầu không thể hiện việc gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu để thương thảo, hoàn thiện hợp đồng.
Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Cần Thơ thực hiện 7 gói thầu mua sắm sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao, trong đó 5 gói thầu đã làm thủ tục thanh toán, 2 gói thầu tạm dừng thanh toán (đã thực hiện các bước theo quy trình chỉ định thầu).
Việc lựa chọn sản phẩm Lightpoweriva SARS-CoV-2 1stRT-rPCR Plus Kit do Công ty Việt Á sản xuất để làm căn cứ đề xuất kinh phí, phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhưng không nêu được căn cứ đề xuất nhu cầu về chủng loại, đặc tính kỹ thuật, công nghệ sản xuất, mức độ tương thích với máy móc thiết bị đang sử dụng và so sánh hiệu quả giữa các loại Kit xét nghiệm đang có trên thị trường.
Trong khi tại cùng thời điểm, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản công bố nhiều sản phẩm Kit xét nghiệm PCR (trong nước và nhập khẩu) để các cơ sở y tế tham khảo làm căn cứ mua sắm.
Việc thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá do CDC Cần Thơ tự thực hiện, không có quyết định chỉ định thầu và không đưa vào kế hoạch lựa chọn nhà thầu để trình UBND Tp.Cần Thơ phê duyệt.
Do đó, hồ sơ không đáp ứng về tính năng kỹ thuật nhưng vẫn được tổ chuyên gia đấu thầu 4 và tổ thẩm định đề xuất trúng thầu và được Giám đốc CDC Cần Thơ phê duyệt Công ty Hợp Nhất trúng thầu là không đúng quy định của Luật Đấu thầu năm 2013.
Thời gian ký kết thực hiện hợp đồng không đảm bảo theo Quyết định số 1531/QĐ-UBND ngày 03/8/2020 của UBND thành phố về việc phê duyệt dự toán. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu và CDC Cần Thơ nghiệm thu, thanh toán cho nhà thầu là Công ty Hợp Nhất không đúng chủng loại kít xét nghiệm, dẫn đến thanh toán vượt quy định.
Việc chỉ định thầu của CDC Cần Thơ có dấu hiệu cố ý lựa chọn sản phẩm của Công ty Việt Á và chỉ định Công ty Hợp Nhất thực hiện gói thầu nhằm hợp thức hóa hồ sơ mua sắm, xây dựng giá không tham khảo giá thị trường dẫn đến chênh lệch giá gây thiệt hại ngân sách Nhà nước.
Có gói thầu được CDC Cần Thơ lập hồ sơ yêu cầu quy định về năng lực và kinh nghiệm chưa đúng quy định, dẫn đến việc đánh giá hồ sơ đề xuất của Công ty Hợp Nhất đáp ứng về năng lực và kinh nghiệm trong khi theo hồ sơ đề xuất thì nhà thầu này không đủ tiêu chuẩn để thực hiện gói thầu.
Công ty Hợp Nhất chưa cung cấp hàng hóa theo đúng các điều khoản nêu trong hợp đồng. Tuy nhiên, CDC Cần Thơ căn cứ vào các biên bản mượn hàng trước đó làm cơ sở xác nhận giá trị khối lượng công việc hoàn thành và thực hiện nghiệm thu thanh lý hợp đồng để thanh toán cho nhà thầu là không đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, đến thời điểm thanh tra, CDC Cần Thơ còn mượn hàng chưa làm thủ tục thanh toán và thủ tục đấu thầu tổng giá trị thực hiện 7,338 tỷ đồng (gói số 1) và gói số 2 giá đề nghị phê duyệt 10,693 tỷ đồng.
Việc mua sắm tại các bệnh viện công lập trên địa bàn Thành phố này, hồ sơ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu không có biên bản họp của Hội đồng khoa học; hàng hóa được chỉ định để mua sắm là sản phẩm của Công ty Việt Á, không so sánh đối chiếu với giá của các sản phẩm cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật của các hãng sản xuất khác, dẫn đến việc thẩm định giá (cơ sở quan trọng để phê duyệt giá kế hoạch) không phản ánh chính xác giá thị trường của sản phẩm.
Ngoài ra, do Bệnh viện không thực hiện phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu nên không xác định được hình thức lựa chọn nhà thầu cũng như không thực hiện đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu; không thực hiện thương thảo với đơn vị cung cấp trước khi ra quyết định chỉ định đơn vị cung cấp là không đúng theo Điều 17 Thông tư số 58/2016/TT-BTC.
Có dấu hiệu chia tách nhỏ gói thầu để tiến hành mua sắm ở một số bệnh viện để thực hiện chỉ định thầu theo quy trình rút gọn, vi phạm những điều cấm trong hoạt động đấu thầu.
Để xảy ra những hạn chế, thiếu sót nêu trên, trách nhiệm thuộc về Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, Phòng Kế hoạch - Tài chính thuộc Sở Y tế, Giám đốc CDC Cần Thơ, Giám đốc Bệnh viện, Khoa Dược, bộ phận kế toán, Hội đồng khoa học cơ sở, Hội đồng thuốc và điều trị, Tổ mua sắm, Tổ xét thầu được thành lập ở một số bệnh viện.
Ngoài ra, còn có trách nhiệm của Phó Giám đốc Sở Tài chính và các cá nhân có liên quan.
Thanh tra Thành phố này đề nghị Chủ tịch UBND Tp.Cần Thơ chỉ đạo Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch UBND quận, huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành kiểm điểm rút kinh nghiệm, kiểm điểm xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan; thu hồi, nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra thành phố tại Kho bạc Nhà nước các nội dung sai phạm về mua sắm và sử dụng với tổng số tiền là 61,732 triệu đồng.
Đồng thời, chuyển cơ quan Công an tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật 5 gói thầu mua sắm Kít xét nghiệm của Công ty Việt Á sản xuất do CDC Cần Thơ chỉ định thầu, có dấu hiệu cố ý lựa chọn sản phẩm của Công Việt Á và chỉ định Công ty Hợp Nhất là đơn vị cung cấp hàng hóa, đồng thời hợp thức hóa hồ sơ mua sắm để thực hiện thanh toán cho nhà thầu không đúng quy định pháp luật, vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến thiệt hại ngân sách Nhà nước.