Khánh Hòa: Doanh nghiệp hiến kế để phục hồi, phát triển du lịch

Mới đây, tại hội nghị gặp mặt đầu năm 2022, các doanh nghiệp du lịch và đơn vị trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đề xuất nhiều giải pháp phục hồi, phát triển du lịch.
nhatrang-1645958765.jpg
 

Du lịch ở tỉnh Khánh Hòa đang “khởi sắc” sau khi mở cửa du lịch trở lại và là một trong những địa phương có tốc độ phục hồi rất tốt. Trong 3 tháng cuối năm 2021, lượng khách đến Khánh Hòa đạt gần 122.000 lượt. Trong những tháng đầu năm 2022, trong dịp Tết Dương lịch tỉnh này phục vụ hơn 37.500 lượt khách và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần đón khoảng 98.600 lượt khách.

Tăng cường xúc tiến du lịch, đa dạng nguồn khách

Tại hội nghị gặp mặt, ông Phạm Minh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa cho biết, nhóm sản phẩm du lịch phổ biến nhất ở Khánh Hòa là tham quan biển đảo, kết hợp vui chơi giải trí trên biển, khám phá thế giới trong lòng biển, thưởng thức đặc sản biển. Bên cạnh đó, sản phẩm nghỉ dưỡng biển cũng được du khách lựa chọn.

Tỉnh này, còn có những sản phẩm đã trở thành thương hiệu và nổi tiếng khắp cả nước như yến sào, dịch vụ tắm bùn khoáng. Ngoài ra, du lịch gắn liền với sự kiện cũng là sản phẩm đang được quan tâm và tạo dấu ấn riêng.

Tuy nhiên, trải nghiệm các tài nguyên du lịch văn hóa chưa nhiều. Riêng 2 loại hình du lịch được tỉnh xác định phát triển là du lịch sinh thái núi và du lịch công vụ, thăm thân hầu như chưa có sản phẩm cụ thể.

“Để hoạt động kinh doanh du lịch tỉnh Khánh Hòa có bước đi vững chắc và hiệu quả hơn, tiếp cận được nhiều thị trường trong thời gian tới, Sở Du lịch với Hiệp hội du lịch Nha Trang – Khánh Hòa và các doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp tổ chức xúc tiến du lịch dưới nhiều hình thức nhằm đa dạng nguồn khách” – ông Nhựt nói.

Đồng thời, cần tăng cường quản lý kinh doanh dịch vụ lữ hành, quản lý điều kiện tối thiểu cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống; kiểm tra chất lượng cơ sở vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan… Xây dựng kế hoạch, định hướng cụ thể liên kết tốt với các địa phương nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch đặc thù. Đầu tư phát triển nguồn lực du lịch chất lượng cao có chuyên môn nghiệp vụ vững, đạo đức nghề nghiệp tốt, có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ…

Kinh tế vĩ mô - Khánh Hòa: Doanh nghiệp hiến kế để phục hồi, phát triển du lịch

Để phục hồi và phát triển du lịch, tỉnh Khánh Hòa cần tăng cường xúc tiến du lịch, đa dạng nguồn khách. Trong ảnh: Khách quốc tế tham quan tại Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Trong khi đó, ông Bùi Quốc Đại, Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam cho rằng cần tập trung đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thông tin du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đến với các thị trường quốc tế có tiềm năng.

Trong đó, tập trung nguồn lực thực hiện các chiến dịch quảng bá trên các nền tảng truyền hình, mạng xã hội, kênh truyền thông lớn với nội dung, thông điệp khẳng định năng lực kiểm soát dịch bệnh, nhấn mạnh Khánh Hòa là điểm đến hấp dẫn, an toàn đối với du khách.

Theo ông Đại, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong 2 năm qua đã khiến số đông doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lưu trú trên địa bàn tỉnh đã tạm ngưng hoạt động, ngành du lịch bấp bênh nên khoảng 1/4 nhân lực chuyên ngành du lịch đã chuyển sang các ngành khác làm việc.

Vì vậy, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ giữ chân lao động có chuyên môn nghiệp vụ du lịch, đã nghỉ việc hoặc bỏ ngành quay lại làm việc.

Ngoài các giải pháp trên, theo bà Lê Thị Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh, ngành du lịch tỉnh cần xúc tiến quảng bá điểm đến Khánh Hòa thông qua ngôn ngữ của du khách trên chính quốc gia của họ để đẩy mạnh độ nhận diện thương hiệu.

Có thể phối hợp với các hãng hàng không quốc tế phát hành ấn phẩm giới thiệu, quảng bá du lịch Nha Trang - Khánh Hòa trên các chuyến bay, khách nước nào thì sử dụng ngôn ngữ nước đó.

Mở rộng thêm điểm các điểm du lịch, khai thác kinh tế đêm

Các đại biểu cũng cho rằng du lịch Khánh Hòa phát triển mạnh về dịch vụ lưu trú nhưng thiếu điểm tham quan, vui chơi giải trí, quà lưu niệm. Về lâu dài, tỉnh này cần mở rộng thêm các điểm đến, trong đó có các điểm du lịch lịch sử; nâng tầm các sản phẩm du lịch địa phương, tập trung phát triển những sản phẩm du lịch có tính đặc thù, hấp dẫn để thu hút du khách.

Đặc biệt, tỉnh Khánh Hòa cần đẩy mạnh khai thác kinh tế đêm, bởi đây vừa là xu hướng, vừa là đòi hỏi tất yếu đối với ngành du lịch để khai thác tối đa thời gian vui chơi, kéo dài thời gian lưu trú của khách.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Hoài Thu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần giải pháp kinh doanh Corex đề xuất: Trước mắt, phát triển kinh tế ban đêm để thúc đẩy du lịch nội địa và quốc tế thông qua phát triển 4 hoạt động/dịch vụ diễn ra từ 6h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau.

Đó là, hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí (các hoạt động văn hóa – nghệ thuật, âm nhạc, show diễn, lễ hội sự kiện, khu vui chơi giải trí…), dịch vụ ăn uống (nhà hàng, quán bar, cơ sở phục vụ ăn uống…), dịch vụ mua sắm (các chợ, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi…), dịch vụ du lịch (tham quan các địa điểm du lịch, di tích văn hóa, công trình kiến trúc…).

“Ngoài du lịch về biển đảo, tỉnh Khánh Hòa cần xây dựng, khai thác các sản phẩm về du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch văn hóa. Địa phương là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, có dấu ấn văn hóa Chăm rất mạnh mẽ, vì vậy có thể khai thác các show diễn, loại hình nghệ thuật liên quan đến văn hóa Chăm”, bà Thu đưa ý kiến.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết để thực hiện mục tiêu đón hơn 1,2 triệu lượt khách trong năm 2022, ngành du lịch tỉnh này sẽ triển khai hàng loạt các giải pháp, trong đó ưu tiên công tác phòng chống dịch Covid-19 được đặt lên hàng đầu.

Tiếp đến, tỉnh sẽ đẩy mạnh triển khai công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Nha Trang – Khánh Hòa; triển khai các đề án phát triển sản phẩm du lịch cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh du lịch. Bên cạnh đó, ngành du lịch sẽ tập trung đào tạo bổ sung nguồn nhân lực du lịch bị thiếu hụt trong thời gian qua do dịch bệnh.

Kinh tế vĩ mô - Khánh Hòa: Doanh nghiệp hiến kế để phục hồi, phát triển du lịch (Hình 2).

Tỉnh Khánh Hòa xác định thị trường khách nội địa giữ vai trò chủ lực trong việc phục hồi du lịch. 

Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị Sở Du lịch tiếp thu các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, đơn vị, trong thẩm quyền của mình giải quyết các nội dung này; cùng với các sở, ngành liên quan, tham mưu báo cáo UBND tỉnh giải quyết những kiến nghị của các doanh nghiệp.

Để đẩy mạnh sự phục hồi và phát triển du lịch, ông Lê Hữu Hoàng cũng đã yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh, xem xét chỉ đạo thực hiện ngay một số kế hoạch triển khai quảng bá du lịch Nha Trang – Khánh Hòa, trong đó khẳng định Khánh Hòa là điểm đến an toàn.

Cùng với đó, tổ chức các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, sự kiện thể thao và những hoạt động lễ hội lớn trong năm 2022; ban hành kế hoạch xúc tiến, quảng bá và kích cầu thu hút khách du lịch, xác định thị trường khách nội địa giữ vai trò chủ lực trong việc phục hồi du lịch của tỉnh….

Châu Tường