Khắc phục triệt để tình trạng nâng loại đô thị khi chưa đủ tiêu chí

Xây dựng và phát triển đô thị thông minh dù được triển khai rộng rãi ở nhiều địa phương tuy nhiên còn chưa có nhiều tiến bộ rõ nét trên nhiều góc độ.

Chiều ngày 17/6, phiên toàn thể Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan tổ chức đã diễn ra với sự tham gia của khoảng 400 đại biểu trực tiếp cùng hơn 2000 đại biểu dự trực tuyến tại 872 đô thị trong cả nước và một số điểm cầu quốc tế.

Không "hy sinh" công trình phúc lợi để phát triển khu thương mại, nhà ở

Phát biểu định hướng và đề dẫn tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhìn nhận, sau hơn 35 năm thực hiện đổi mới, hệ thống đô thị Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng. Đến nay, cả nước có 869 đô thị các loại, phân bố tương đối đều. Tỷ lệ đô thị hoá xác định theo địa bàn tăng từ 30,5% (năm 2010) lên 40,5% (năm 2021).

Đồng thời, không gian đô thị, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ, hiện đại; chất lượng cuộc sống của cư dân được cải thiện; hệ thống cơ chế chính sách về quy hoạch, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản đã được ban hành khá đầy đủ, đồng bộ; quá trình phát triển đô thị đã hoà nhịp cùng quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, đô thị Việt Nam còn nhiều tồn tại, nhất là về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch. Phát triển đô thị chủ yếu theo chiều rộng, chưa phát huy tối ưu tiềm năng của đất đai; tỷ lệ đô thị còn thấp.

Bên cạnh đó, các mô hình đô thị phát triển bền vững, văn minh, hiện đại chưa nhiều. Chất lượng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, năng lực quản lý. Việc chỉnh trang, cải tạo các đô thị trung tâm, đô thị cũ, các khu chung cư xuống cấp còn bất cập về cơ chế, chính sách và lúng túng trong tổ chức thực hiện. Tình trạng chung của các đô thị lớn trên toàn quốc là tắc nghẽn giao thông, ngập úng khi trời mưa, ô nhiễm môi trường, tỷ lệ đất giao thông, cây xanh còn thấp, chưa đảm bảo yêu cầu.

Sự kiện - Khắc phục triệt để tình trạng nâng loại đô thị khi chưa đủ tiêu chí

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu định hướng và đề dẫn tại diễn đàn. 

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, cần tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, quản lý đô thị. Trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị, cần có tầm nhìn dài hạn, tổng thể về không gian, thời gian. Trong đó, hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, phục vụ lợi ích công cộng là những nội dung phải quan tâm.

Việc chỉnh trang các đô thị trung tâm vừa phải gìn giữ được các công trình văn hoá, lịch sử, các công trình kiến trúc có giá trị. Tuy nhiên, phải từng bước đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn đô thị văn minh, hiện đại về hạ tầng giao thông, mật độ cây xanh, chú trọng công trình phúc lợi như công viên, quảng trường. Đặc biệt là không hy sinh các công trình phúc lợi để phát triển các khu thương mại, nhà ở.

Theo Phó thủ tướng, các khu phát triển mới là cơ hội để phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh. Do vậy, từ khâu quy hoạch chung, chi tiết đến quá trình triển khai xây dựng phải đảm bảo thực hiện thật nghiêm túc các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức về tỷ lệ đất giao thông, cây xanh, phúc lợi. Không tuỳ tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ, làm phá vỡ quy hoạch chung.

Phát triển đô thị gắn với quản lý, phát triển thị trường bất động sản, phải đảm bảo ổn định, bền vững, giải quyết tốt vấn đề nhà ở cho người dân tại khu vực đô thị, nhất là các đối tượng người nghèo, gia đình chính sách, công nhân, người lao động. Trong quá trình đó, cần quan tâm đặc biệt tới việc chỉnh trang các khu đô thị cũ, khu chung cư đã xuống cấp để đảm bảo an toàn, tính mạng của người dân.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, cần chú trọng phát triển một số mô hình kinh tế đô thị mới gắn với phát triển du lịch, như kinh tế đêm, công nghiệp văn hoá, khai thác và phát huy các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể gắn với lợi thế đặc trưng của từng địa phương.

Đối với các đô thị, cần chủ động có giải pháp giải quyết tốt vấn đề ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường, tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình phát triển đô thị theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải. Đồng thời, quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; gắn phát triển dịch vụ đô thị thông minh với hệ thống chính quyền xã hội số.

Sự kiện - Khắc phục triệt để tình trạng nâng loại đô thị khi chưa đủ tiêu chí (Hình 2).

Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam diễn ra trong 2 ngày 16-17/6 tại Hà Nội và có kết nối trực tuyến đến hàng trăm đầu cầu trong cả nước. 

Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra Tọa đàm bàn tròn cấp cao với sự tham gia chia sẻ và tham luận của các đại diện lãnh đạo, chuyên gia các tổ chức quốc tế, lãnh đạo ban, bộ, ngành liên quan và đại diện các doanh nghiệp, tập trung vào một số vấn đề quan trọng liên quan đến xây dựng và phát triển bền vững đô thị thông minh.

Tăng cường phân cấp, phân quyền, xóa bỏ cơ chế “xin-cho”

Phát biểu kết luận, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết thông qua Diễn đàn này, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế chia sẻ các mô hình, kinh nghiệm, cách làm hay trong đô thị hóa và phát triển đô thị cũng như cung cấp thêm luận cứ cho việc triển khai thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối, định hướng chính sách lớn của Đảng nêu tại Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị, góp phần thực hiện mục tiêu của Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Đồng tình với nhiều đề xuất, kiến nghị được nêu tại Diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh chia sẻ, lưu ý thêm một số vấn đề quan trọng.

Theo đó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định cần đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững. Theo đó, nhận thức rõ đô thị hoá là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới; gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới. Cần nắm bắt được quy luật, nhận thức đúng và đầy đủ về đặc thù của đô thị để chủ động, sáng tạo các giải pháp phát triển của địa phương.

Ông Trần Tuấn Anh lưu ý chọn khâu đột phá quan trọng nhất để xây dựng và phát triển đô thị bền vững là đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch đô thị.

“Quy hoạch đô thị phải có cách tiếp cận đa ngành, bao trùm với tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững, với triết lý lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hoá, văn minh đô thị làm nền tảng.

Quy hoạch đô thị cần bảo đảm tính tầng bậc, liên tục, thống nhất, đầy đủ, tích hợp của hệ thống quy hoạch, gắn kết chặt chẽ quy hoạch đô thị với quy hoạch nông thôn; tiến hành phân định rõ các vùng trong nội dung quy hoạch đô thị và áp dụng các công cụ kiểm soát chặt chẽ quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị, khuyến khích tạo việc làm tại chỗ để hạn chế di dân quá lớn vào các đô thị lớn; gắn đồng bộ quy hoạch đô thị với nguồn lực thực hiện”, ông Trần Tuấn Anh khẳng định.

Sự kiện - Khắc phục triệt để tình trạng nâng loại đô thị khi chưa đủ tiêu chí (Hình 3).

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. 

Bên cạnh đó, ông Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ cần ban hành các chính sách, chế tài, công cụ để kiên quyết xoá bỏ tình trạng quy hoạch treo, cơ chế “xin-cho”, lợi ích nhóm gắn với tư duy nhiệm kỳ và xử lý nghiêm minh đối với các sai phạm trong thực hiện quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị.

Đẩy nhanh hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; trong đó, trọng tâm là xây dựng Luật để quản lý phát triển đô thị bền vững. “Cần khắc phục triệt để tình trạng nâng loại đô thị khi chưa đủ tiêu chí”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Nhấn mạnh việc thực hiện phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị, ông Trần Tuấn Anh yêu cầu các địa phương liên quan cần sớm chỉ đạo tổng kết việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Tp. HCM và Đà Nẵng và các cơ chế, chính sách riêng, có tính đặc thù đối với một số địa phương để làm căn cứ sớm hoàn thiện thể chế về chính quyền đô thị.

Về vấn đề kinh tế đô thị, ông Trần Tuấn Anh khẳng định mỗi địa phương căn cứ vào lợi thế và định hướng phát triển để xác định các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.

“Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, các địa phương cần quan tâm đẩy nhanh việc di dời có trật tự các cơ sở sản xuất chế biến, chế tạo thâm dụng lao động, trung tâm logistic đầu mối, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn cho người dân ra khỏi khu vực trung tâm các đô thị lớn; quy hoạch lại hệ thống bệnh viện, trường đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, trung tâm logistic, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, mạng lưới chợ dân sinh”, Trưởng Ban kinh tế Trung ương lưu ý.