Giao thông tại TP.HCM: Có “mắt thần” giám sát nhưng xử lý vi phạm cũng không dễ

Trên 14 tuyến đường thử nghiệm lắp đặt hệ thống camera cố định giám sát giao thông, cơ quan chức năng TP.HCM đã ghi hình hàng nghìn trường hợp vi phạm nhưng việc nộp phạt còn tồn tại không ít vấn đề cần xử lý triệt để nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Giao thông trật tự hơn

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, đại diện sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM khẳng định, công tác xử phạt vi phạm thông qua hình ảnh (tạm gọi là “phạt nguội”) đã bước đầu phát huy hiệu quả.

Tính đến đầu tháng 9 vừa qua, nhiều hành vi vi phạm, nhất là tình trạng dừng, đậu xe tùy tiện trên các tuyến đường đã giảm hẳn. Cụ thể, trên đường Điện Biên Phủ (quận 1) giảm 60%, đường Trường Sơn (quận Tân Bình) giảm 42%, đường Nguyễn Thái Học (quận 1) giảm 60%, đường Lê Duẩn (quận 1) giảm 62%...

Được biết, sở GTVT TP.HCM đang quản lý 762 camera giám sát giao thông được lắp đặt trên các tuyến đường trọng điểm, các khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Trong năm 2020, dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư thêm 170 camera phục vụ công tác giám sát giao thông và tiến đến việc ghi hình, xử lý hoàn toàn tự động.

Theo quy trình trước đây, hình ảnh từ camera ở 14 tuyến đường do trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị ghi nhận, sau đó trích xuất chuyển qua Thanh tra giao thông (thuộc sở GTVT TP.HCM) nhằm xác minh biển số và lập hồ sơ gửi chủ xe.

Từ giữa tháng 6/2020, toàn bộ dữ liệu đã được phân quyền cho lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) trực tiếp quản lý, làm các thủ tục xử phạt. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia giao thông, đây được xem là một trong những biện pháp ngăn ngừa hiệu quả nhất hành vi cố tình vi phạm luật giao thông khi không có lực lượng chức năng.

TP.HCM đã triển khai hàng trăm camera trên 14 tuyến đường thí điểm "phạt nguội".

Sau nhiều tháng triển khai “phạt nguội”, ý thức của người tham gia giao thông đang được cải thiện. Anh Nguyễn Minh Hoàng (ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Xử lý vi phạm giao thông qua camera là cách làm hay. Ứng dụng công nghệ hiện đại, xử phạt bằng hình ảnh rõ ràng sẽ hạn chế chuyện “làm luật” của một bộ phận cán bộ thiếu gương mẫu”.

Nhưng với cách thức thực hiện như hiện nay, anh Hoàng cho rằng, bất cập là thiếu đồng bộ cơ sở hạ tầng dữ liệu. Ví dụ một người ở địa phương khác đến TP.HCM, nếu có vi phạm thì việc trích lục thông tin cũng khó khăn. Thậm chí khi tìm được, cũng chưa chắc chủ xe quay lại thành phố để giải quyết.

Còn ông Trần Văn Toản, tài xế của một doanh nghiệp có trụ sở trên đường Lê Lợi (quận 1) nhận thấy, sau khi áp dụng việc ghi hình bằng camera cố định, nhiều người không dám dừng đậu đỗ trên những tuyến đường đã có để bảng thông báo.

“Tuy nhiên, với lượng xe đông đúc, chính quyền cần xây dựng thêm bãi dừng đỗ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Cũng vì cuộc sống mưu sinh chứ không ai muốn phạm luật. Nếu không tạo điều kiện mà chỉ chăm chăm xử phạt, sẽ khiến tình hình phức tạp hơn”, ông Toản nói.

Theo phòng CSGT, trong 8 tháng đầu năm 2020, CSGT TP.HCM tác nghiệp ghi hình được 61.773 trường hợp vi phạm qua hình ảnh, đã có 18.138 trường hợp thực hiện quyết định (đạt tỉ lệ 29,36%), thu vào Kho bạc Nhà nước số tiền trên 10.7000.000.000 đồng.

 

Để người vi phạm hết đường trốn phạt

Qua nhiều năm nghiên cứu về pháp luật hành chính, TS.Cao Vũ Minh, trường Đại học Luật TP.HCM đánh giá, tuy đã mang lại nhiều lợi ích nhưng hình thức “phạt nguội” vẫn tồn tại một số bất cập.

Năm 2006, Thủ tướng ban hành Quyết định 238/2006 quy định về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng cảnh sát nhân dân trong hoạt động tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông. Trên cơ sở đó, bộ Công an ban hành Thông tư 11/2007 hướng dẫn thực hiện Quyết định 238/2006.

Có thể nói, những văn bản pháp luật đó đã tạo ra hành lang pháp lý đầu tiên quy định về “phạt nguội” vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Hiện nay, luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Tuy cơ quan chức năng đã ghi nhận nhiều trường hợp vi phạm nhưng việc xử lý còn hạn chế.

Nhưng để có thể giải quyết tốt hơn những vướng mắc trong thực tế, quy định “phạt nguội” đòi hỏi cơ quan chức năng phải nghiên cứu nhiều hơn nữa để hoàn thiện khung pháp lý. Thứ nhất, “phạt nguội” rất khó xác định được người vi phạm thực sự để xử phạt.

Thế nên, có nhiều chủ xe khi nhận quyết định xử phạt từ lực lượng chức năng thì không chấp hành đóng phạt. Họ cứ viện lý do rằng cho thuê, cho mượn chứ bản thân không vi phạm. Cho dù xe ô tô đã có camera giám sát hành trình nhằm hỗ trợ cho việc xác định chủ thể vi phạm, hành vi vi phạm nhưng vấn đề “phạt nguội” vẫn không vì thế mà dễ dàng hơn. Điều này càng trở nên khó khăn đối với các loại xe gắn máy, xe thô sơ, xe đạp…

Thêm nữa, “phạt nguội” chỉ có giá trị đối với các vi phạm rõ ràng như không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, đi ngược chiều, đánh võng… Còn những hành vi vi phạm nồng độ cồn, không mang giấy phép khi lái xe,…thì “phạt nguội” không phát huy hiệu quả.

Cuối cùng, “phạt nguội” có thể dẫn đến tâm lý chủ quan của người có thẩm quyền mà lơ là trong đấu tranh phòng, chống vi phạm giao thông trực tiếp, kịp thời. Hậu quả của sự chủ quan, thiếu trách nhiệm này là tình hình vi phạm giao thông vẫn diễn biến rất khó lường.

“Đó sẽ là thách thức không nhỏ cho cơ quan chức năng, cần được bộ Công an tìm ra giải pháp để việc “phạt nguội” phát huy tác dụng, góp phần lập lại trật tự an toàn giao thông cho xã hội”, ông Minh đúc kết.

 

Ghi phạt nhiều, nộp phạt còn ít

Mặc dù việc ghi nhận đạt hiệu quả cao nhưng công tác “phạt nguội” của TP.HCM vẫn còn hạn chế, trong khi tất cả trường hợp vi phạm đều có hình ảnh, clip kèm theo. Qua 6 tháng triển khai, chỉ có 265/1.500 trường hợp vi phạm đã nộp phạt, chiếm gần 17%. Nguyên nhân chủ yếu là nhiều trường hợp đã được gửi giấy mời nhưng chủ phương tiện vẫn chưa đến làm việc.

Chánh Thanh tra sở GTVT TP.HCM Trần Quốc Khánh thừa nhận, cách thức xử lý vi phạm qua camera cố định hiện nay đang chủ yếu sử dụng sức người. Hệ thống camera giám sát chỉ ghi hình và kết nối với trung tâm Quản lý điều hành giao thông, còn việc rà soát các phương tiện vi phạm do nhân viên thực hiện thủ công.