Đồng Nai: Cận cảnh khu vực khai thác đá phá nát đồng đồng quê

Lần này, nhóm PV lại tiếp tục “công phá” một mỏ khai thác đá “chui” trên địa bàn xã Sông Trầu, ngoài những bãi đá đề cập trước đó (đường Sông Trầu - Cây Gáo – Vĩnh Tân và Sông Trầu - Cây Gáo – Vĩnh Tân B đi vào). Bãi đá lần này vô cùng lớn, nhóm PV phải tốn nhiều công sức, mật phục nhiều ngày mới tìm được đường vào.

Như đã thông tin, trên địa bàn các xã Sông Trầu, Cây Gáo (huyện Trảng Bom), Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đang có một số tổ chức, cá nhân khai thác đá “chui” và tập kết về 2 bãi là: Thạch Bàn 2 và hộ ông Sách. Dù đá trên địa bàn xã Sông Trầu đang bị khai thác vô tội vạ nhiều năm nay, nhưng khi PV đến UBND xã Sông Trầu đề nghị làm việc, cung cấp thông tin thì nhận được câu trả lời: “Anh không biết mỏ đá này nằm ở vị trí nào”.

Nhìn trên cao, khu vực này như công xưởng khai thác, sản xuất đá quy mô lớn.

Lần này, nhóm PV lại tiếp tục “công phá” một mỏ khai thác đá “chui” trên địa bàn xã Sông Trầu, ngoài những bãi đã đề cập trước đó (đường Sông Trầu - Cây Gáo – Vĩnh Tân và Sông Trầu - Cây Gáo – Vĩnh Tân B đi vào). Bãi đá lần này vô cùng lớn, nhóm PV phải tốn nhiều công sức, mật phục nhiều ngày mới tìm được đường vào.

Để có được clip, hình ảnh, nhóm PV phải rất cẩn trọng trong việc chọn vị trí tốt nhất nhằm bay Flycam. Bởi, “nếu không bị ăn đòn ngay” – như lời của một thổ địa đã căn dặn trước đó. Hơn nữa, “việc bay “chuồn chuồn” rất dễ bị đánh động, nếu bị phát hiện, họ sẽ huy động toàn bộ lực lượng truy quét, mình chạy không kịp đâu”, thổ địa cũng nói thêm.

Đá được moi lên, tập kết thành đống chờ xe ben vào lấy đi.

May mắn, kỹ thuật viên bay “chuồn chuồn" quá êm, khiến cho mọi việc diễn ra suôn sẽ. Dù vậy, nhóm PV vẫn chuẩn bị đầy đủ các phương án nhằm đảm bảo an toàn trong tác nghiệp.

Sau khi "chuồn chuồn" bay vào, khu vực khai thác đá (thuộc ấp 3, xã Sông Trầu) hiện ra như một công xưởng, có quy mô rộng lớn.

Nhiều xe cuốc đang làm việc hết công suất.

Trong đó, nhóm PV ghi nhận hàng loạt xe cuốc, xe múc đang hoạt động hết công suất. Đội khai thác làm nhiệm vụ moi đá từ lòng đất, chất thành đống, tạo ra những mảng lớn nham nhở trên cánh đồng, với cây xanh, hoa màu và một số khu vực đất trống.

Thậm chí, có nơi khai thác đã tạo thành hồ rất lớn trong khu vực này.

Đá vụn dùng để san lấp khu vực đã khai thác trước đó.

Trong khi đó xe ben cỡ lớn, ra vào liên tục đưa đá từ khu vực khai thác đến một công xưởng gần đó. Hàng chục lều bạt, che nắng mưa - làm nơi chế tác, sản xuất đá.

Đá mồ côi mà dân gian quen gọi giờ thành những viên đá sắc sảo, tinh xảo, đóng thành kiện, chất lên xe cẩu loại lớn, chở ra khỏi khu vực sản xuất, đưa đến tiêu thụ.

"Công xưởng" với hàng chục lều bạt, xe cộ, nhân công làm việc.

Tình trạng khai thác đá mồ côi (đá dùng để lót sân, ốp tường…) đang diễn ra tràn lan trên địa bàn xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Theo tìm hiểu, điều tra của nhóm phóng viên cho thấy, hầu hết các điểm khai thác đá nằm trong vườn, rẫy (chủ yếu là tràm, chuối, đất trống…) của người dân. Dưới danh nghĩa “cải tạo đất vườn”, chủ đất móc nối với các cơ sở chế biến, sản xuất đá (chủ yếu là 2 cơ sở: Thạch Bàn 2 và hộ ông Sách, nằm trên địa bàn xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai - nhóm PV sẽ đề cập sau) để khai thác đá mồ côi ồ ạt.

Sau nhiều ngày mật phục, xác minh, điều tra, thu thập hồ sơ, ngày 27/8, nhóm PV đã đến trụ sở UBND xã Sông Trầu để đề nghị làm việc. Tuy nhiên, khi đến nơi, chúng tôi hoàn toàn bị bất ngờ trước cảnh nhiều cán bộ/công chức tụ tập ăn uống tại phòng bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Phó Chủ tịch - dù đang trong giờ làm việc. Thấy nhóm PV vào, đưa giấy giới thiệu, bà Yến, Phó Chủ tịch UBND xã Sông Trầu vẫn còn nhai thức ăn trong miệng chống chế: “do cúp điện”.

Đá đóng thành kiện, chuẩn bị đưa lên xe cẩu hoặc container xuất đi.

Hình ảnh này hoàn toàn trái ngược với những gì đang diễn ra trên thực địa (tại xã Sông Trầu), khi mà máy cuốc, máy xúc, máy ủi vẫn đang ồ ạt hoạt động để đưa đá rời khỏi địa phương với số lượng rất lớn hàng ngày.

Trở lại diễn biến tại phòng làm việc của bà Yến (có ông Nguyễn Văn Huy - cán bộ phụ trách lĩnh vực địa chính, tài nguyên – môi trường), chúng tôi có cung cấp thông tin để cùng UBND xã xác minh vụ việc. Dù vậy, sau khi cung cấp địa điểm, vị trí khai thác đá trên địa bàn thì bà Yến cùng ông Huy tỏ ra lúng túng và trả lời: “Việc này phải để từ từ kiểm tra lại, vì địa bàn Sông Trầu có đến 4.315ha lận, đưa 1 cái hình như vậy thì tìm đến khi nào cho ra được”.

Dù đá mồ côi đang bị khai thác vô tội vạ trên địa bàn xã nhưng lãnh đạo và cán bộ phụ trách vẫn bình thường như không có chuyện gì.

Khi nhóm PV mời bà Phó Chủ tịch và cán bộ phục trách của xã đi cùng để xác minh vị trí thì vị cán bộ này trả lời ngay: “Không, anh không đi cùng bọn em được”.

Câu hỏi được đặt ra, lãnh đạo và cán bộ phụ trách lĩnh vực này của UBND xã Sông Trầu có thờ ơ, ngó lơ trong công tác quản lý địa bàn hay có những vấn đề nào khác và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và các sở, ngành sẽ nói gì?.