Độc đáo lễ chúc sức khỏe của người Ê Đê

Lễ chúc sức khỏe của người dân tộc Ê Đê không chỉ là nét văn hóa đặc sắc mà còn thể hiện sự tôn kính, hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ.

Nghi lễ của người lớn tuổi

Để hiểu hơn về lễ chúc sức khỏe của cộng đồng người Ê Đê, chúng tôi tìm về buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) vào một ngày cuối tháng 4. Tại đây, bà con trong buôn đang long trọng tổ chức các nghi lễ chúc sức khỏe cho vợ chồng nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa, nhạc sĩ Linh Nga Niê K’Đăm và chồng là ông Lý Sol. Nghi lễ được tổ chức trong căn nhà dài truyền thống của người Ê Đê đã thu hút nhiều người dân, du khách đến xem.

Được biết, vợ chồng bà Linh Nga đều đã ngoài 70 tuổi và có 50 năm cùng nhau chung sống hạnh phúc. Không chỉ vậy, vợ chồng bà Linh Nga cũng có tình cảm gắn bó và góp phần không nhỏ vào sự phát triển du lịch của buôn Tơng Jú.

Văn hoá - Độc đáo lễ chúc sức khỏe của người Ê Đê

Hồi chiêng báo tin lễ chúc sức khỏe.

Bà H’Yam Bkrông (SN 1965, trú tại buôn Tơng Jú) cho biết, theo truyền thống tốt đẹp của người Ê Đê, người lớn trong nhà từ 50 tuổi trở lên sẽ được con cháu làm lễ chúc sức khỏe, tạ ơn cha mẹ đã nuôi dưỡng. Lễ chúc sức khỏe của một người Ê Đê sẽ được tổ chức ở các độ tuổi 50, 60 hoặc 70 tuổi. Tùy theo tuổi, mỗi lần chúc sức khỏe, tạ ơn cha mẹ sẽ có những lễ vật hiến sinh khác nhau.

Trước khi thực hiện cúng sức khỏe, chủ nhà chuẩn bị rất nhiều lễ vật, thanh niên phụ giúp người lớn tuổi chuẩn bị cây nêu, buộc rượu, treo chiêng; đàn ông tuổi trung niên làm thịt heo, chuẩn bị lễ vật, còn chị em phụ nữ giã gạo, hái rau rừng chuẩn bị các món ăn truyền thống. Khi lễ vật đã chuẩn bị đầy đủ, mọi người ổn định chỗ ngồi trong căn nhà dài theo tập quán của người Ê Đê. Theo đó, nam ngồi bên phải, nữ ngồi bên trái. Riêng già làng được mời ngồi vào chiếu hoa đặt chính giữa ngôi nhà.

Văn hoá - Độc đáo lễ chúc sức khỏe của người Ê Đê (Hình 2).

Tiết mục múa trước khi nghi lễ chúc sức khỏe diễn ra.

Mở đầu buổi lễ chúc sức khỏe, đội đánh chiêng Knah trong buôn Tơng Jú đánh một hồi chiêng nhằm thông báo tin lễ đến mọi người. Ngay khi hồi chiêng kết thúc, già làng Y Klach (trú tại buôn Tơng Jú) giới thiệu chủ nhân của buổi lễ và các vị khách quý. Sau khi giới thiệu xong, già làng Y Klach đã mời hai vợ chồng bà Linh Nga – chủ nhân của buổi lễ ngồi vào chiếu hoa. Lúc này, thay mặt gia đình, già làng gửi chúc mừng đến chủ nhân của lễ chúc sức khỏe. Bên cạnh đó, già làng cũng không quên căn dặn mọi người phải tôn trọng, quý mến và chăm lo cho tinh thần cũng như sức khỏe của người trong gia đình, đặc biệt là người lớn tuổi.

Sau đó, con cháu, người thân trong gia đình và bạn bè thân hữu sẽ tặng những phần quà ý nghĩa, thể hiện tình cảm của mình với chủ lễ, rồi cùng nhau thưởng thức rượu cần.

Văn hoá - Độc đáo lễ chúc sức khỏe của người Ê Đê (Hình 3).

Già làng Y Klach mời người được chúc sức khỏe ngồi vào chiếu hoa.

Theo phong tục của người Ê đê, kể từ lúc cắm chiếc cần vào ché rượu, cần phải luôn được chuyền tay từ người này sang người khác, không khi nào được buông ra. Nếu ai buông cần, không có người tiếp tay thì sẽ bị phạt uống thêm một cử nữa. Nếu uống không được một cử, khách có thể hút ra ly để mời ai đó mà mình quý mến.

Chiếc vòng đồng thay lời chúc

Một trong những nghi lễ không thể thiếu trong lễ chúc sức khỏe của người Ê Đê là trao vòng đồng chúc phúc cho chủ nhân của buổi lễ.

Văn hoá - Độc đáo lễ chúc sức khỏe của người Ê Đê (Hình 4).

Người thân, bạn bè tặng quà cho chủ lễ.

Theo quan niệm của người Ê Đê, vòng đồng tượng trưng cho sự bền vững, phát triển của cuộc sống và sức khỏe. Lúc này, già làng Y Klach tiến đến ngồi trước ché rượu thứ nhất – ché rượu báo với tổ tiên, ông bà về việc tổ chức chúc sức khỏe. Tiếp đó, người được chúc sức khỏe cũng tiến đến ngồi bên ché rượu cần. Ngay sau đó, chủ nhà được mời đến cầm cần rượu đầu tiên và uống rượu chúc mừng chủ nhân của buổi lễ. Người Ê Đê cho rằng, người uống rượu cần đầu tiên của ché đầu không chỉ báo sự việc với tổ tiên mà còn chứng tỏ với du khách là ché rượu này không có độc.

Hòa cùng tiếng chiêng vang vọng, chủ nhân của buổi lễ không giấu được sự xúc động, hạnh phúc và cùng mọi người uống rượu chúc mừng. Đồng thời, người được chúc sức khỏe còn được nhận vòng đồng chúc phúc từ già làng Y Klach.

Văn hoá - Độc đáo lễ chúc sức khỏe của người Ê Đê (Hình 5).

Già làng Y Klach trao vòng đồng cho người được chúc sức khỏe.

Khi nghi lễ trao vòng đồng kết thúc, 4 cô gái trẻ người Ê Đê, mỗi người cầm nửa bầu rượu tiến lại đổ rượu theo hình thức thác nước vào ché rượu cần. Cùng lúc này, già làng mời người được chúc sức khỏe ăn chút cơm, thịt từ mâm lễ thứ nhất.

Tiếp đó, các thành viên trong gia đình của chủ lễ và du khách có nhu cầu được nhận vòng chúc phúc cũng lần lượt uống rượu cần chuyền tay và ăn cơm nghĩa tình. Mọi người sẽ thưởng thức cần rượu theo thứ tự tuổi cao xuống thấp, nữ trước, nam sau. Sau khi các vị khách được đeo vòng đồng và uống rượu cần thì lễ chúc sức khỏe cũng kết thúc.

Văn hoá - Độc đáo lễ chúc sức khỏe của người Ê Đê (Hình 6).

Mọi người chuyền tay nhau uống rượu cần.

Bà Phạm Thị Hải Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tp.Buôn Ma Thuột cho biết, nguyên bản người Ê Đê có lễ cúng sức khỏe. Tuy nhiên, do không có thầy cúng nên người dân chuyển sang làm lễ chúc sức khỏe.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tp.Buôn Ma Thuột, người Ê Đê chiếm 15% dân số trên địa bàn Tp.Buôn Ma Thuột. So với các dân tộc thiểu số trên địa bàn người Ê Đê vẫn còn giữ được nhiều truyền thống văn hóa. Hầu hết các hoạt động văn hóa truyền thống đều được người dân hưởng ứng nhiệt tình.

Văn hoá - Độc đáo lễ chúc sức khỏe của người Ê Đê (Hình 7).

Già làng mời mọi người ăn chút cơm, thịt từ mâm lễ chúc sức khỏe.

Bà Hải Bình khẳng định, việc bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phát triển du lịch. Đặc biệt, hiện nay, du lịch cộng đồng đang được nhiều cấp, ngành quan tâm, thực hiện để góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa và tạo nguồn thu tại chỗ cho bà con tại chỗ.

“Việc bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc làm cho người dân, nhất là các em thiếu nhi hiểu rõ hơn về cội nguồn của mình, từ đó mới có ý thức bảo vệ. Đồng thời, văn hóa cồng chiêng, văn hóa thổ cẩm cũng tạo sự thu hút cho khu khách đến Đắk Lắk nói chung và Buôn Ma Thuột nói riêng để giao lưu, tìm hiểu văn hóa, trải nghiệm ẩm thực. Thời gian qua, thành phố đã xây dựng các kế hoạch bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Ê Đê nói riêng”, bà Hải Bình cho hay.