Nỗi niềm người thầy thuốc
Tốt nghiệp Khoa Y, Trường Đại học Võ Trường Toản, tỉnh Hậu Giang năm 2019, bác sĩ Trương Thị Thái Bình (SN 1995), trú tại Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) xin vào làm việc tại một bệnh viện tại Tp.HCM. Đến tháng 3/2020, khi dịch bệnh Covid-19 ở đây bắt đầu diễn biến phức tạp, nữ bác trẻ đã xung phong đi chống dịch trong khu cách ly mà không hề đắn đo, suy nghĩ.
Sau một thời gian gắn bó với thành phố phồn hoa, nhộn nhịp, bác sĩ Bình xin nghỉ việc để trở về quê Đắk Lắk tiếp tục sự nghiệp. Tại đây, chị xin vào làm việc theo diện học việc tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Đến đầu tháng 11/2021, chứng kiến nỗi ám ảnh, đau thương do đại dịch Covid-19 gây ra, bác sĩ Bình viết đơn tình nguyện vào khu điều trị bệnh nhân Covid-19 của bệnh viện – nơi chữa trị cho hầu hết các bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Trò chuyện với Người Đưa Tin, bác sĩ Bình cho hay, sau 11 tháng học việc trong môi trường hồi sức tích cực, chị đã dần quen với tình huống xấu nhất khi điều trị cho các bệnh nhân trở nặng. Dẫu vậy, khi bắt tay vào việc tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19, nữ bác sĩ trẻ vẫn đối diện với không ít áp lực.
“Các bệnh nhân Covid-19 trong khu điều trị không chỉ chuyển biến nặng mà còn mắc rất nhiều bệnh lý nền. Điều đáng buồn là dù chúng tôi đã cố gắng hết sức có thể, nhưng vẫn phải chứng kiến nhiều bệnh nhân trẻ tuổi, thậm chí nhiều người trong một gia đình mắc Covid-19 tử vong.
Đau lòng hơn, có nhiều bệnh nhân sau khi vượt cạn, chưa được nhìn mặt đứa con đỏ hỏn của mình lần nào đã trút hơi thở cuối cùng. Tất cả những hình ảnh đó đã khiến tôi và các y bác sĩ không khỏi đau đớn, bất lực và bị stress nặng nề”, bác sĩ Bình ngậm ngùi.
Dù đã chuẩn bị tâm lý cho mọi tình huống, song việc thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 nặng khiến các y bác sĩ không khỏi lo sợ về nguy cơ lây nhiễm, trở thành F0 bất kỳ khi nào.
Thế nhưng, với sứ mệnh của một người thầy thuốc, nữ bác sĩ 9X đã cùng đồng nghiệp tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19 không cho phép mình bỏ cuộc hay dừng lại. Mỗi khi đối diện với cảm xúc bế tắc, mọi người sẽ ngồi lại trao đổi, động viên, hỗ trợ nhau cùng cố gắng, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ.
Song hành với nhiệm vụ chuyên môn, các y bác sĩ còn chăm sóc mọi sinh hoạt cá nhân cho các bệnh nhân Covid-19. Cứ như thế, thời gian làm việc trong buồng bệnh của bác sĩ Bình và đồng nghiệp nhiều khi kéo dài suốt 5-6 giờ đồng hồ mới được ra ngoài.
“Quá trình chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân, chúng tôi phải theo dõi sát sao từng giường bệnh, nên thời gian làm việc dài hơn so với các khu vực khác. Đáng nói, khi mắc Covid-19 thì tinh thần của người bệnh rất xấu. Do đó, tôi và các đồng nghiệp phải dành thời gian để chăm sóc, động viên tinh thần và chỉ cho họ cách thở. Thế nên, nhiều hôm vào buồng bệnh từ sáng sớm, đến khi đói run tay, tôi ngước mắt nhìn đồng hồ thì đã 14h30 chiều”, bác sĩ Bình nhớ lại.
Để chiến thắng nỗi sợ hãi khi mắc Covid-19, theo bác sĩ Bình, ngoài những nỗ lực của các y bác sĩ thì nghị lực của người bệnh đóng vai trò rất quan trọng. “Các y bác sĩ chỉ có thể hỗ trợ cho bệnh nhân với những gì có thể bằng chuyên môn, còn lại phụ thuộc vào tâm lý và ý chí lạc quan của bệnh nhân. Đó chính là lý do mà chúng tôi phải dành nhiều thời gian để nói chuyện, động viên bệnh nhân”, bác sĩ Bình chia sẻ.
Ghi nhận những nỗ lực và sự hi sinh lớn lao của nữ bác sĩ trẻ Trương Thị Thái Bình, nhiều lần lãnh đạo Khoa Hồi sức tích cực và chống độc đã đề nghị làm đề xuất để bệnh viện ký hợp đồng nhằm đảm bảo thu nhập và các khoản trợ cấp, hỗ trợ. Thế nhưng, bác sĩ Bình đã từ chối. Giải thích về điều này, bác sĩ Bình cho hay: “Học việc tại khoa gần một năm nay, tôi luôn tự nhủ sẽ sẵn sàng cống hiến hết khả năng của mình cho bệnh nhân, xã hội. Tuy nhiên, tôi còn có những chí hướng, dự định cho riêng mình sau này, nên không muốn ràng buộc”.
Trăm bề thiếu thốn
Bác sĩ CKII Trịnh Hồng Nhựt, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, kiêm Trưởng đơn vị điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên nhấn mạnh: “Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, số lượng bệnh nhân Covid-19 không giảm đi hoặc giảm không đáng kể, nhưng số lượng công việc tăng gần gấp đôi. Trước tình hình này, tôi cũng đã có ý kiến với Đảng ủy, Ban Giám đốc bệnh viện về việc phải tăng năng suất lao động lên bằng cách chi viện qua lại giữa các khoa, để làm sao thực hiện được “nhiệm vụ kép” vừa đảm bảo công tác điều trị chuyên môn cho các bệnh nhân bị bệnh lý nặng từ các bệnh viện tuyến dưới chuyển lên, vừa điều trị Covid-19 ở phân tầng 2 và phân tầng 3.
Thế nhưng, vì phải đảm bảo “nhiệm vụ kép”, nên việc các khoa chia sẻ nhân lực cho trung tâm hồi sức cấp cứu bệnh nhân Covid-19 không được nhiều. Trong khi đó, nguồn điều trị ở phân tầng 2 và phân tầng 3, chủ yếu là bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch. Thực tế này khiến cho các y bác sĩ tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19 gặp nhiều khó khăn và làm việc rất vất vả, phải trực 24/24”.
Trước tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực nói trên, bác sĩ Nhựt cho biết, nếu bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch tăng hơn nữa thì đặt ra nhiều vấn đề nan giải cho các y bác sĩ. Đáng nói, ngoài công việc chuyên môn, các y bác sĩ buộc phải chăm sóc toàn diện cho các bệnh nhân Covid-19 trong khu điều trị từ ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cá nhân, thuốc men.
Chưa kể, họ còn chịu nhiều áp lực về việc thông tin cho người nhà bệnh nhân mỗi ngày. Khi bệnh nhân qua đời, các y bác sĩ làm việc trong khu điều trị Covid-19 phải trực tiếp tẩm liệm, tắm rửa, khử khuẩn, xử lý thi hài rồi mới bàn giao cho người nhà đưa về an táng. Điều này khiến cho lực lượng y tế không khỏi bị ám ảnh, sa sút tinh thần.
Thấu hiểu điều đó, bác sĩ Nhựt cùng lãnh đạo trong khoa và bệnh viện đã liên tục thăm hỏi, động viên tinh thần cho các y bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19. “Để làm việc được trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19, ngoài việc phải tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 và không có bệnh lý nền, thì các y bác sĩ phải có tâm huyết và tình nguyện mới có thể vượt qua mọi khó khăn, áp lực”, bác sĩ Nhựt chia sẻ.
Nói về những khó khăn trong công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19, bác sĩ Nguyễn Đại Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho hay, do trước đây bệnh viện chưa có khoa Điều trị Covid-19 nên từ tháng 7/2021 khi dịch bùng phát, thì cơ sở hạ tầng không đảm bảo đáp ứng cho nhu cầu chữa trị.
Bên cạnh đó, trang thiết bị để phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 trang bị chưa kịp thời. Đến thời điểm hiện tại, máy móc, trang thiết bị của bệnh viện mới chỉ đáp ứng cho 20 giường hồi sức nặng. Trong khi đó, bệnh viện đang điều trị cho 50-60 bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch trên nền nhiều bệnh lý. Mặt khác, nguồn nhân lực làm việc trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 không tương xứng với số lượng công việc thực tế, chưa được 1 người/giường bệnh. Vấn đề này, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã báo cáo công khai với Thủ tướng Chính phủ trong các cuộc họp trực tuyến.