Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh: “Chia cổ tức bằng cổ phiếu là không cần thiết”

Nhiều cổ đông Techcombank sốt ruột vì không nhận được cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu nhiều năm qua dù ngân hàng vẫn giữ 40.000 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.

Ngày 23/4, Ngân hàng Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - HoSe: TCB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Tại đây, nhiều vấn đề liên quan tới cổ tức, giá cổ phiếu được cổ đông đặt ra. 

Giá cổ phiếu chưa phản ánh đầy đủ kết quả kinh doanh

Tại Đại hội, một cổ đông đặt câu hỏi về giá cổ phiếu TCB và cho rằng đây là cổ phiếu gây thất vọng. Cổ đông này yêu cầu lãnh đạo ngân hàng chia sẻ lý do để cổ đông tiếp tục nắm giữ cổ phiếu. 

Ông Jens Lottner - CEO Techcombank cho biết, năm 2021, ngân hàng đã đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng. Trong đó, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 23.000 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2020. Chi phí huy động vốn của Techcombank luôn giữ được thấp nhất thị trường khi ngân hàng nâng được tỉ lệ CASA lên mức kỷ lục trên 50%.

Trong bối cảnh thách thức khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, chất lượng tài sản của Techcombank được kiểm soát ở mức tốt, nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất trên thị trường, chỉ 0,7%. Tỉ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng cũng đạt 163%. Ngân hàng ghi nhận thu nhập từ dịch vụ tăng trưởng tốt trong năm qua. Nguồn thu này giúp không bị phụ thuộc vào việc Ngân hàng Nhà nước cấp cho Techcombank hạn mức tín dụng bao nhiêu.

"Tôi có thể hiểu được tâm tư của cổ đông là ngân hàng hoạt động tốt như vậy nhưng các kết quả đó đã được phản ánh đầy đủ trong giá cổ phiếu hay chưa, thì rất tiếc phải trả lời là chưa", CEO Techcombank cho hay.

Ông Jens Lottner nói, năm 2025, Techcombank muốn lọt top 10 ngân hàng tốt nhất ASEAN. Không chỉ dẫn đầu ở Việt nam mà còn trong khu vực. Năm 2021, ngân hàng đã khởi động chiến lược 5 năm. Mục tiêu đến năm 2025, giá trị vốn hoá TCB sẽ đạt 20 tỷ, Casa là 55%…

Ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện những gì mà ngân hàng đang làm tốt, chẳng hạn phân khúc dành cho khách hàng thu nhập cao, thu nhập khá. Techcombank cũng sẽ phát triển hệ sinh thái giúp đa dạng hóa thu nhập, tối ưu hóa tiềm năng tăng trưởng của Techcombank.

Tài chính - Ngân hàng - Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh: “Chia cổ tức bằng cổ phiếu là không cần thiết”

Quang cảnh buổi họp Đại hội đồng cổ đông Techcombank. 

Chia cổ tức bằng cổ phiếu thời điểm này không cần thiết

Bên cạnh đó, tại đại nhiều cổ đông cũng đã đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo ngân hàng về việc Techcombank tiếp tục không chia cổ tức cho cổ đông. Theo đó, Techcombank sẽ không chia cổ tức năm 2021, nâng quỹ lợi nhuận chưa phân phối sau nhiều năm lên hơn 40.000 tỷ đồng. Một cổ đông khác cho biết lần tăng vốn gần nhất của Techcombank là 2018 và từ đó đến nay không tăng nữa. Cổ đông này đặt vấn đề liệu kế hoạch tăng vốn trong các năm tới của Techcombank như thế nào.

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank trả lời: "Techcombank năm nay đã 29 năm và năm sau kỷ niệm 30 năm. Trong quá trình phát triển, Techcombank luôn có quan điểm nhất quán. Nhiều người cho rằng rằng lợi nhuận tốt thì tại sao chúng ta lại giữ nhiều vốn như vậy. Nhưng cái này phải nhìn về hệ số trong khu vực, lĩnh vực kinh doanh mong muốn đầu tư phát triển mạnh hơn".

Vị Chủ tịch nói có nhiều luồng ý kiến về việc chia cổ tức, một bên muốn chia cổ tức bằng tiền mặt, một bên muốn chia để tăng vốn. "Tôi muốn nói rằng lộ trình chia cổ tức hay không phụ thuộc vào lộ trình phát triển ngân hàng để mang lại lợi ích cổ đông. Tôi cũng là cổ đông như các anh chị", ông Hồ Tùng Anh nói.

Ông Hồ Hùng Anh cho biết chỉ số tăng trưởng cổ phiếu hiện là 20% - mức đầu tư tốt. "Tôi không biết được chia cổ tức thì anh chị mang đi đầu tư gì có được nhiều hơn không, nhưng với cá nhân tôi, thì 20% thực sự là rất tốt", ông Hồ Tùng Anh khẳng định. 

Chủ tịch Techcombank lý giải, hiện Ngân hàng Nhà nước hay các tổ chức quốc tế đều đánh giá dựa trên vốn chủ sở hữu của ngân hàng chứ không phải vốn điều lệ, chỉ ngoại trừ một số chỉ số cần theo dõi về vốn điều lệ như mạng lưới, số chi nhánh.

Techcombank sẽ điều chỉnh vốn điều lệ đảm bảo nhu cầu phát triển kinh doanh của ngân hàng. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu thời điểm này, ông Hồ Tùng Anh cho rằng không cần thiết. Trước đó, năm 2018, Techcombank đã chia tới 200%. "Giá trị doanh nghiệp vẫn vậy, chia cổ tức bằng cổ phiếu thì sẽ bị pha loãng. Nhiều người nghĩ chia xong thì giá cổ phiếu tăng, nhưng không phải vậy. Thậm chí, cổ đông còn phải trả 5% thu nhập cá nhân khi nhận được cổ tức bằng cổ phiếu. Tôi cho rằng như vậy không có lợi cho ngân hàng và cổ đông", ông cho hay.

Ông Hùng Anh cũng cho rằng, điều mà ngân hàng cần quan tâm, suy nghĩ là làm gì để thị trường định giá đúng về ngân hàng.

Đối với kế hoạch IPO Công ty Chứng khoán Kỹ Thương Việt Nam (TCBS), ông Hồ Hùng Anh cho biết đã có nhiều đối tác quan tâm. Chủ tịch Techcombank cũng đề cập ban lãnh đạo có xem xét việc chào bán ra công chúng. Tuy nhiên, việc này triển khai khi ngân hàng có nhu cầu vốn, và cần lượng vốn lớn, đảm bảo lộ trình phát triển của ngân hàng nói chung và công ty chứng khoán nói riêng. 

Năm 2022, Techcombank đặt kế hoạch dư nợ tín dụng đạt 446.000 tỷ đồng, tăng 15% hoặc cao hơn theo hạn mức tín dụng được cấp từ Ngân hàng Nhà nước. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 27.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2021. Chia sẻ thêm về các con số này, CEO Techcombank Jens Lottner nói thêm sức khỏe ngân hàng đang rất tốt, sẵn sàng cho các bước phát triển tiếp theo.

Ngoài ra, nhà băng này cũng đề xuất tăng vốn thông qua phát hành ESOP. Theo đó, số lượng cổ phiếu phát hành là 6,3 triệu cổ phiếu (tương đương 0,18% số lượng cổ phiếu đang lưu hành). Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian hạn chế chuyển nhượng là một năm.