Ngày 13/1, tin từ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định về việc công bố danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội dinh Thầy Thím ở Bình Thuận.
Đã từ lâu, Lễ hội dinh Thầy Thím đã trở thành nơi hội tụ tín ngưỡng của đông đảo người dân. Sự tích Thầy Thím là một truyền thuyết dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nội dung mang nhiều yếu tố tích cực và có giá trị giáo dục, đề cao tính nhân nghĩa, đạo đức.
Thiết chế lễ hội ở đây tập trung chính ở hai nhân vật truyền thuyết là Thầy: “Chí Đức Tiên Sinh” và Thím: “Chí Đức nương nương Tôn Thần,” biểu trưng cho lòng nhân ái, khí tiết, cứu nhân độ thế đã ăn sâu trong lòng người dân địa phương.
Từ lòng sùng kính uy linh Thầy Thím để thể hiện sự tri ân tiền nhân dày công khai mở vùng đất này, người dân địa phương chung tay lập đền thờ tại nơi Thầy Thím tạ thế trong khu rừng dầu Bàu Cái và chọn ngày 15/9 âm lịch hằng năm làm ngày lễ Tế Thu kính viếng Thành hoàng.
Lễ hội văn hóa dinh Thầy Thím ở xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận được ra đời, duy trì và tồn tại gắn liền với lịch sử hình thành các tập quán liên quan đến tín ngưỡng thờ Thầy Thím của cộng đồng người dân địa phương hơn 130 năm qua.
Mỗi năm dinh Thầy Thím tổ chức các kỳ lớn như: Lễ Tảo Mộ (nhằm ngày mồng 5 tháng 1 Âm lịch) và Lễ Tế Thu (nhằm ngày 14 đến ngày 16 tháng 9 Âm lịch) thuộc làng Tam Tân, xã Tân Tiến, thị xã La Gi với các nghi thức truyền thống như: Lễ nghinh Thần, rước sắc phong, lễ nhập điện an vị, thỉnh thực, giỗ Tiền Hiền…
Ngoài ra, lễ hội còn tổ chức các trò chơi dân gian đậm nét nét văn hoá vùng biển như: khiêng thúng ra khơi, hội thi gánh cá, đan lưới, kéo co…
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, Lễ hội dinh Thầy Thím đã trở thành điểm đến có rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Không chỉ đến dịp lễ hội mà bất cứ thời điểm nào trong năm cũng có hàng nghìn lượt khách đến hành hương kết hợp du lịch.
Trong những năm gần đây, lượng du khách đến dinh Thầy Thím ngày càng tăng lên, ước khoảng 600 nghìn khách mỗi năm.
Di tích dinh Thầy Thím được Bộ Văn hóa-Thông tin (hiện nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 27/9/1997.