Bình Thuận: Đề nghị xử lý những người liên quan đến vụ phá rừng

Ngày 30/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Thuận vừa có công văn gửi UBND tỉnh đề nghị chấn chỉnh, xử lý các cá nhân liên quan trong vụ hủy hoại rừng.

Vụ huỷ hoại rừng xảy ra tại tiểu khu 279, thôn 3, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam (thuộc lâm phần quản lý Công ty lâm nghiệp Bình Thuận).

Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã kết thúc điều tra đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố bốn bị can Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Bình Thuận; Nguyễn Hoàng Cẩn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Bình Thuận và Nguyễn Văn Hiền, Công ty TNHH Phước Sang về tội hủy hoại rừng; Phạm Văn Lang, kiểm lâm địa bàn huyện Hàm Thuận Nam về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài hành vi pham tội nêu trên, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh nhận thấy còn một số sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Thuận; Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Bình Thuận cần phải chấn chỉnh, xử lý.

Cụ thể, đối với Sở NN&PTNT, trước khi Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận giao diện tích rừng cho Công ty TNHH Phước Sang vào năm 2011 thì tháng 9/2007, Đoàn liên ngành Sở NN&PTNT đến thực địa hơn 53 ha đất rừng (nằm trong khu vực 74 ha bị Công ty Phước Sang san ủi).

Hồ sơ điều tra - Bình Thuận: Đề nghị xử lý những người liên quan đến vụ phá rừng

Trước đó các lực lượng chức năng đã khám xét nơi làm việc của các bị can

Tại địa điểm này, đơn vị này đã đánh giá hiện trạng rừng có “mật độ bình quân cây gỗ lớn 580 cây/ha; mật độ tái sinh hiện còn 1.000 cây/ha gồm các loại cây dầu, căm xe, căm liên, nhà, cóc… trữ lượng gỗ bình quân R2=39,98 m3/ha”.

Do đó, ngày 10/10/2007, Sở NN&PTNT có công văn gởi UBND tỉnh đề nghị đưa diện tích R2 (rừng non tái sinh) vào khoanh nuôi, bảo vệ.

Mặc dù đã xác định khu vực trên đã phát triển lên rừng R2. Thế nhưng từ 2007 đến 2011, Sở NN&PTNT lại không tham mưu cho UBND tỉnh áp dụng các biện pháp khoanh nuôi, bảo vệ; không cập nhật kịp thời diễn biến rừng đã thay đổi… Việc này dẫn đến các bị can của Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận lợi dụng để thực hiện hành vi hủy hoại rừng.

Trong quá trình điều tra vụ án, khi cơ quan điều tra đề nghị cung cấp thông tin thì tháng 5-2018, Sở NN&PTNT lại có công văn xác định khu vực trên hiện trạng là R1 (đất trống, cây cỏ mọc rải rác chưa đủ tiêu chuẩn thành rừng). Điều này không đúng với thực tế đã tham mưu cho UBND tỉnh vào năm 2007. Do đó cần xem xét trách nhiệm tập thể, người đứng đầu có liên quan để chấn chỉnh, xử lý đến công tác quản lý, chấp hành pháp luật trên lĩnh vực lâm nghiệp.

Hồ sơ điều tra - Bình Thuận: Đề nghị xử lý những người liên quan đến vụ phá rừng (Hình 2).

Một cây gỗ trong tiểu khu 279 bị khái thác (Ảnh: PN)

Đối với Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Bình Thuận, tháng 10/2011, ông Lê Ngọc Cường là Trưởng phòng Kế hoạch Kỹ thuật được giao khảo sát rừng để tham mưu cho Công ty trước khi ký hợp đồng hợp tác với Công ty Phước Sang biết diện tích 74 ha phần lớn còn rừng nhưng vẫn đưa diện tích trên vào hợp tác đầu tư trồng rừng, trồng cây công nghiệp là sơ hở, thiếu sót.

Tuy nhiên khi đi lập biên bản bàn giao thực địa, phát hiện còn nhiều rừng nên ông Cường chỉ tạm khoanh giao cho Công ty Phước Sang 23,653 ha gồm đất trống trảng cỏ, lùm bụi và diện tích rẫy đã thu hồi; không giao diện tích có hiện trạng rừng RII.

Do hành vi của ông Lê Ngọc Cường không gây thiệt hại về tài nguyên rừng nên Cơ quan điều tra không xử lý trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên cần xem xét xử lý hành chính do đã vi phạm trong công tác quản lý, chấp hành pháp luật trên lĩnh vực lâm nghiệp.

Đắc Phú