Lưu ý trong việc đặt tên cho doanh nghiệp ở Việt Nam, cần nắm rõ để tránh vi phạm

13/07/2023 10:32

Cũng như đặt tên người, việc đặt tên doanh nghiệp không thể tùy tiện mà phải có nguyên tắc, tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Việc đặt tên cho một doanh nghiệp cũng đau đầu không kém khi đặt tên cho người. Tên doanh nghiệp phải sao vừa dễ nhớ, vừa ý nghĩa, mang tính thương hiệu. Nhưng quan trọng nhất, tên doanh nghiệp không được đặt tùy tiện mà phải đúng luật.

Theo Luật doanh nghiệp 2020, tên doanh nghiệp bao gồm tên tiếng Việt, tên tiếng nước ngoài (nếu có) và tên viết tắt (nếu có). Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

ten-doanh-nghiep-3-1689219093.jpeg
 

Tên tiếng Việt của một doanh nghiệp có 2 yếu tố:

  • Loại hình doanh nghiệp: Tên loại hình của doanh nghiệp sẽ được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” với công ty trách nhiệm hữu hạn. “Công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” với công ty cổ phần. Công ty hợp danh thì được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD”. Doanh nghiệp tư nhân là “doanh nghiệp tư nhân” hoặc “doanh nghiệp TN”.
  • Tên riêng: Tên riêng của doanh nghiệp sẽ được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, cùng các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

Tên nước ngoài của một doanh nghiệp là tên được dịch từ tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch sang nghĩa tương ứng.

Tên viết tắt của doanh nghiệp sẽ được viết tắt từ tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài.

ten-doanh-nghiep-2-1689219093.jpg
 

Đáng chú ý nhất là các quy định pháp luật trong việc đặt tên cho doanh nghiệp, được quy định ở Luật doanh nghiệp 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Trong đó có một số điều cấm khi đặt tên doanh nghiệp như sau:

Thứ nhất, cấm đặt trùng tên hoặc tên gây nhầm lẫn

Không được đặt tên doanh nghiệp trùng, gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp khác đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc (trừ doanh nghiệp đã giải thể, có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản). Việc này được quy định ở khoản 1 Điều 38 Luật doanh nghiệp 2021 và khoản 1 Điều 18 Nghị định 01/2021/NĐ-CP).

Cụ thể hơn, tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký viết giống hoàn toàn với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký. Còn tên gây nhầm lẫn thì thuộc những trường hợp sau:

ten-doanh-nghiep-4-1689219133.PNG
 

Thứ hai, cấm dùng tên của những cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hay 1 phần tên riêng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn loại trừ trường hợp được cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó chấp thuận.

Thứ ba, cấm dùng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đây chính là điều cấm kỵ nhất khi đặt tên công ty. Bên cạnh vi phạm pháp luật, tên vi phạm điều này nhiều khả năng sẽ bị “mất lòng” thị trường Việt Nam.

ten-doanh-nghiep-1-1689219093.jpg
 

Thứ tư, không dùng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân khác. Điều này vẫn loại trừ trường hợp được chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó chấp thuận.

Ngoài ra, việc mà bất cứ người thành lập doanh nghiệp nào cũng nên làm là tra cứu, tham khảo thông tin các doanh nghiệp đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý để tránh bị trùng lặp. Cần tìm hiểu kỹ loại hình doanh nghiệp trước khi thành lập để không bị nhầm lẫn.

Bạn đang đọc bài viết "Lưu ý trong việc đặt tên cho doanh nghiệp ở Việt Nam, cần nắm rõ để tránh vi phạm" tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin liên hệ hotline: 0903.636.778 ; Email: toasoan.arttimes@gmail.com