Nhà chùa ở TP.HCM chi 200 triệu đồng mỗi ngày nấu suất ăn miễn phí

Gần 3 tháng qua, hơn 100 tình nguyện viên cùng nhau dựng lều dã chiến ở lại trong khuôn viên bếp ăn, nấu các suất cơm miễn phí gửi đến người nghèo và các y tá, bác sĩ.
com tu thien anh 1

Gian bếp rộng 6.000 m2 trên đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) là nơi tập trung của hơn 100 tình nguyện viên và phật tử chùa Tường Nguyên. Gần 3 tháng qua, kể từ ngày TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, bếp luôn đỏ lửa để hỗ trợ hàng nghìn suất ăn mỗi ngày cho các khu cách ly và bệnh viện trên địa bàn thành phố.

com tu thien anh 2

Sư thầy Thích Minh Phú cho biết trước đây bếp thiện nguyện định kỳ mỗi tháng nấu cơm gửi tặng bệnh nhân khó khăn. Từ năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát, bếp ăn đã chuyển sang hỗ trợ cho các khu vực cách ly và bệnh viện. Trung bình mỗi ngày bếp nấu 15.000-20.000 suất ăn.

com tu thien anh 3

Mỗi ngày, các tình nguyện viên thức dậy từ 3h30 để chuẩn bị sơ chế nguyên vật liệu rồi bắt tay vào nấu nướng đến 11h30. Buổi chiều bắt đầu từ 14h và kết thúc trước 17h. Theo thầy Phú, trước đây bếp chỉ nấu món chay. Tuy nhiên, thời gian này, người nhận chủ yếu là các y tá, bác sĩ tuyến đầu chống dịch và các bệnh nhân, nên bếp phải nấu thêm món mặn để mọi người có thêm dưỡng chất.

com tu thien anh 4

Trần Hữu Danh (24 tuổi, quê ở Tiền Giang) tham gia được gần 40 ngày. Trước đó, anh làm đầu bếp tại một nhà hàng ở quận Gò Vấp. “Thay vì về quê, tôi quyết định tham gia làm việc thiện cùng anh em, góp một phần sức lực hỗ trợ thành phố chống dịch”, anh Danh nói.

com tu thien anh 5

Anh Trí quê ở Ninh Thuận, là đồng nghiệp của anh Danh, đã xách balo đến bếp ở lại suốt thời gian qua để góp sức cùng thành phố chống dịch.

com tu thien anh 6

Thầy Thích Minh Phú cho biết mỗi ngày bếp thiện nguyện chi hơn 200 triệu đồng để mua lương thực, thực phẩm. Trung bình một ngày, nhà chùa nấu khoảng 2 tấn gạo, xử lý 1,5 tấn rau. Lúc cao điểm, bếp nấu 26.000 suất ăn mỗi ngày để phục vụ các đơn vị trên toàn thành phố.

com tu thien anh 7

Khu vực bếp ăn đã được khoanh vùng xanh, không ca nhiễm nCoV. Các tình nguyện viên và nhân viên của hội thiện nguyện đều ở lại bếp ăn trong suốt thời gian làm việc.

com tu thien anh 8

Lều dã chiến được dựng trong khuôn viên bếp để làm nơi nghỉ ngơi cho các tình nguyện viên. Mặc dù điều kiện sinh hoạt hạn chế, tất cả thành viên cảm thấy hạnh phúc khi được góp sức hỗ trợ cộng đồng. Thầy Thích Minh Phú chia sẻ: "Còn sức khỏe thì chúng tôi vẫn giúp người dân".

com tu thien anh 9

Tất cả tình nguyện viên được xét nghiệm nhanh nCoV đều đặn 3 ngày/lần và xét nghiệm PCR 5 ngày/lần. Công tác này do Bệnh viện Bình Dân phụ trách và hỗ trợ nhóm thiện nguyện. Việc làm này giúp bếp ăn có thể hoạt động lâu dài, đảm bảo an toàn trong thời gian dịch diễn biến phức tạp.

com tu thien anh 10

Vào 11h30 và 17h, xe của các đơn vị nhận hỗ trợ như các bệnh viện dã chiến, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, các khu cách ly, xóm lao động lần lượt đến bếp để nhận các suất ăn đã đăng ký.

com tu thien anh 11

Sau 80 ngày hoạt động, bếp thiện nguyện đã hỗ trợ được hơn 1,2 triệu suất ăn. Ngoài ra, nhà chùa còn thực hiện chương trình tặng máy thở, xe cứu thương cho các bệnh viện, đồng thời hỗ trợ quan tài và hậu sự cho những nạn nhân tử vong vì Covid-19.

Theo: Zing