Lễ hội Katê Bình Thuận được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể

09/04/2022 14:45

Ngày 4/4, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL đã ký quyết định công nhận đưa Lễ hội Katê của người Chăm ở tỉnh Bình Thuận vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Katê là một lễ hội truyền thống lớn trong năm của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn, diễn ra vào đầu tháng 7 Chăm lịch hằng năm (nhằm vào khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch).

Đây lễ hội dân gian đặc sắc, nhằm tưởng nhớ các vị thần của người Chăm và tưởng nhớ tổ tiên, ông bà. Lễ hội Katê diễn ra trong không gian rộng lớn, bắt đầu từ các đền tháp sau đó lan tỏa về thôn, làng và cuối cùng đến mỗi gia đình người Chăm.

Dịp Katê, mọi người cùng nhau tổ chức lễ hội để tưởng nhớ các vị thần, tổ tiên, đồng thời cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu…

Từ năm 2005 đến nay Lễ hội Katê của đồng bào Chăm được UBND tỉnh Bình Thuận phục dựng thành lễ hội truyền thống tại tháp Pô Sah Inư (phường Phú Hài, TP Phan Thiết). Hàng năm, vào dịp này, đồng bào dân tộc Chăm từ khắp nơi trong tỉnh tụ họp dưới chân tháp Pô Sah Inư để tham gia nghi lễ rước y trang nữ thần Pô Sah Inư, tắm bệ thờ Linga – Yoni, tham gia vào các phần hội truyền thống như làm bánh gừng, đi cà kheo, đội nước…

Văn hoá - Lễ hội Katê Bình Thuận được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể

Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng gần 40.000 người Chăm sinh sống rải rác từ các huyện: Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh… Bên cạnh tạo điều kiện cho cộng đồng người Chăm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội Katê trên tháp Pô Sah Inư còn thu hút đông đảo người dân và du khách đến đây vui chơi cũng như nghiên cứu, thưởng thức văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm.

Hơn 15 năm qua, lễ hội Katê được tỉnh Bình Thuận phục dựng tại tháp Pô Sah Inư (phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết) và trở thành một trong sáu lễ hội tiêu biểu được tỉnh lựa chọn để phát triển du lịch.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tình cảm của đồng bào Chăm, lễ hội Katê còn góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh Bình Thuận đến với du khách trong nước và quốc tế.

Những năm qua, bên cạnh về đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi nói chung và đồng bào Chăm nói riêng, tỉnh Bình Thuận đã, đang bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc Chăm như: bảo tồn và phát triển nghề làm gốm truyền thống, các lễ hội của người Chăm, xây dựng Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm...

Lạc Thành
Bạn đang đọc bài viết "Lễ hội Katê Bình Thuận được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể" tại chuyên mục Văn hóa. Thông tin liên hệ hotline: 0903.636.778 ; Email: toasoan.arttimes@gmail.com